Trước việc phóng viên chiến trường người Nhật bị Nhà nước Hồi giáo hành quyết:

Tokyo quyết không lùi bước và tiếp tục sứ mệnh nhân đạo

Thứ Sáu, 13/02/2015, 12:00
Người dân Nhật Bản đã phẫn nộ khi báo chí tràn ngập tin tức về cái chết của con tin Kenji Goto, người dường như đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) giết hại và quay video tung lên mạng. 

Có tức giận, đau buồn và thương xót

Nhiều người biết đến tin dữ qua mạng xã hội Twitter mặc dù các hãng truyền thông cũng nhanh chóng đăng tải câu chuyện.

Theo hãng tin BBC, đối với nhiều người ở Nhật Bản, đây là một thảm kịch đang diễn ra trước mắt họ trên truyền thông xã hội, vì vậy dễ hiểu khi họ đưa phản ứng lên Twitter. Nhưng phản ứng rất đa chiều, vẫn như từ đầu vụ việc. Có tức giận, đau buồn và thương xót.

Một số người hưởng ứng kêu gọi không xem hình ảnh Kenji Goto bị giết hại mà đăng ảnh con tin này khi đang làm những công việc chuyên môn: đưa tin về cuộc sống của dân thường bị kẹt giữa bom đạn hoặc sống trong cảnh khủng hoảng nhân đạo.

Thủ tướng Shinzo Abe đau buồn khi nghe hung tin.

Nhiều người khác yêu cầu các hãng tin không tạo ra vòng xoáy truyền thông xung quanh gia đình nạn nhân Goto và một con tin Nhật khác là Haruna Yukawa, người đã bị IS chặt đầu cách đây không lâu.

Phản ứng từ người anh trai của Kenji Goto, Junichi, đã được đông đảo ý kiến ca ngợi trên truyền thông xã hội. Ông cảm ơn chính phủ Nhật, đất nước Nhật và cả thế giới về sự ủng hộ trước khi tập trung vào Kenji.

"Là anh trai, tôi ước Kenji có thể trở về nhà và tự mình cảm ơn tất cả mọi người, và tôi thật buồn điều này là không thể. Tôi tự hào về những thành tích chuyên môn của Kenji, nhưng là anh trai, tôi nghĩ, lần này hành động của em tôi là bất cẩn"- Junichi Goto, 55 tuổi, nói trên đài NHK.

Những lời của Junichi chính là kiểu phản ứng gia đình mà người Nhật xem là chuẩn mực và cao quý trong tình huống loại này, chạm đến ý niệm "đặc tính Nhật".

Một số người tức giận với các đài truyền hình Nhật Bản vì liên tục phát sóng các cảnh trích trong đoạn video hành quyết. Họ gọi đây là đe dọa khủng bố trực tiếp nhằm vào người dân Nhật.

Trong khi không ít ý kiến chỉ ra rằng, Thủ tướng Shinzo Abe chỉ đề cập đến nỗi đau mà gia đình hai con tin phải gánh chịu mà không nhắc đến những thành tích họ đạt được. Họ nêu bật sự trái ngược với thông điệp mà Nhà Trắng đưa ra, trong đó Tổng thống Barack Obama ca ngợi: Nhờ những bản tin của anh ấy, Goto đã dũng cảm nỗ lực truyền tải cảnh ngộ của người dân Syria ra thế giới bên ngoài".

Ngay từ khi có tin về vụ bắt cóc, những người vốn vẫn chỉ trích chính phủ lại được dịp công kích Thủ tướng về cách ông xử lý vấn đề.

Ông Abe thừa nhận trong một cuộc họp của Quốc hội mới đây rằng, chính phủ biết Goto bị bắt cóc từ tháng 11/2014, trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2014.

Một số người coi chuyến đi mới đây của Thủ tướng tới Trung Đông, trong đó có Israel, nơi ông cam kết 200 triệu USD viện trợ phi quân sự cho liên minh chống IS, là chất xúc tác tạo cơ hội cho IS thực hiện những đe dọa của mình.

Dư luận cho rằng, các nỗ lực của chính phủ thay đổi cách diễn giải hiến pháp hòa bình của Nhật Bản nhằm cho phép "thực hiện quyền phòng thủ tập thể" ở nước ngoài.

Tiếp tục viện trợ nhân đạo

Không phải sau vụ việc trên Nhật Bản mới quyết liệt trong việc đấu tranh chống khủng bố, mà trước đó Nhật Bản cũng đã tỏ rõ lập trường của mình rằng, sẽ không bao giờ khuất phục trước khủng bố.

Trong buổi họp mới đây với Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh thêm rằng, Nhật Bản có trách nhiệm lớn đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống khủng bố. Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp thực phẩm, thuốc men cho những người dân tị nạn tại Trung Đông.

Trong những ngày qua, dư luận Nhật Bản đã tập trung vào vấn đề là, tại sao chính quyền Tokyo không có cuộc tiếp xúc nào với IS. Chánh văn phòng nội các Suga nhấn mạnh rằng, chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc tất cả những biện pháp mang tính hiệu quả nhất để giải quyết vụ con tin. Đồng thời cũng đã đề nghị những nước liên quan, tổ chức và những chức sắc tôn giáo quốc tế… hợp tác trong việc làm thế nào để giải phóng con tin.

Như vậy, trong những trường hợp cụ thể, Nhật Bản sẽ đưa ra những chính sách cụ thể, phù hợp với chính sách ngoại giao của mình, với lợi ích quốc gia, ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp nhất. Tuy nhiên, sau vụ việc hai con tin bị hành quyết, Nhật Bản sẽ tích cực hơn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.