Tomahawk: Gieo rắc nỗi khiếp sợ

Thứ Sáu, 20/04/2018, 15:53
Ngày 14-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ phóng tên lửa Tomahawk từ các tàu khu trục và tàu ngầm trong cuộc tấn công chớp nhoáng vào các mục tiêu được cho là các cơ sở vũ khí hóa học tại Syria.


Tomahawk có tên đầy đủ là BGM-109 Tomahawk. Đây là loại tên lửa hành trình với nhiều biến thể, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm hoặc tàu ngầm trên biển. Đạn bắn khỏi dàn phóng bằng một môđun sơ tốc có chứa thuốc phóng, sau khi đạt gia tốc cần thiết mô-đun sơ tốc bị tách bỏ, động cơ phản lực mini hoạt động và đẩy quả đạn theo hành trình của nó.

Tomahawk là loại tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng sống sót cao, bay thấp nên khó bị phát hiện bằng rađa. Các thiết bị chính bên trong bao gồm: hệ thống dẫn đường (Integrated Mid-Course Guidance), mô-đun tấn công hay thường gọi là đầu đạn (có nhiều loại theo từng phiên bản), hệ thống lái, khoang nhiên liệu và động cơ phản lực.

Thua kém nhiều so với các loại tên lửa khác về tốc độ nhưng khả năng bay theo sự điều khiển là thế mạnh vượt trội của Tomahawk. Ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí có thể điều khiển tên lửa thông qua hệ thống định vị toàn cầu. Trong trường hợp tự hành theo lịch trình được cài đặt sẵn, tên lửa Tomahawk vẫn nhận các tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh hoặc hệ thống do thám tối tân của Mỹ để dễ dàng bắn hạ mục tiêu mà không gặp phải bất kể sự cản trở nào của đối phương.

Dù tầm bắn lên tới 2.500 km và tốc độ 880 km/h, Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu khi đang di chuyển. Cặp cánh dài độc đáo giúp Tomahawk linh hoạt trong quá trình bay. Không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của Tomahawk rất cao.

Trên thực tế, phát hiện Tomahawk bằng radar hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó. Thêm vào đó, hệ thống dẫn đường phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ khác nhau giúp Tomahawk trở nên chính xác vượt trội trong mọi điều kiện tác chiến. Thậm chí, gần như chắc chắn Tomahawk biết nó đang bay ở địa hình nào, độ cao bao nhiêu với sai số 1m trên 1.000m đường bay.

Không chỉ vậy, Tomahawk còn có thể đọc địa hình theo chiều thẳng đứng để so sánh với bản đồ số được nạp sẵn, giúp tên lửa di chuyển an toàn và chính xác hơn. Cuối cùng, hệ thống so sánh điện tử với mắt thần giúp Tomahawk lao vào mục tiêu với sai số dưới 10m. Sau khi nạp sẵn dữ liệu mục tiêu, hệ thống điện tử của Tomahawk sẽ so sánh cách bức ảnh mà mắt thần chụp lại để xác định mục tiêu.

Cuối cùng, Tomahawk sở hữu hệ thống định vị toàn cầu GPS, giúp xác định vị trí tên lửa và quỹ đạo bay. Bên cạnh đó, khả năng kết nối và cập nhật thông tin mục tiêu từ các thiết bị do thám khác giúp đảm bảo khả năng bắn hạ. Chính vì lẽ đó, Tomahawk có khả năng bắn lọt qua cửa sổ của căn nhà mục tiêu.

Tuy nhiên, do giá trị của mỗi tên lửa Tomahawk thường và Tomahawk chiến thuật lần lượt lên tới 569.000 USD (theo tỷ giá năm 1999) và 1,45 triệu USD (tỷ giá năm 2011) nên người ta phải chọn lựa mục tiêu rất kỹ càng trước khi bắn chúng.

Với 105 tên lửa hành trình Tomahawk vừa được bắn vào Syria trong đêm rạng sáng ngày 14-4, Mỹ tiêu tốn khoảng 150 triệu USD. Theo các nguồn tin, trước cuộc tấn công, Mỹ có tổng cộng tới 360 tên lửa Tomahawk trên 4 tàu khu trục đã được đưa tới vùng biển quốc tế.

Đông Văn
.
.
.