Tổng thống Enrique Pena Nieto: Quyết tâm chống tội phạm

Thứ Sáu, 28/03/2014, 09:00

Thượng viện Mexico vừa phê chuẩn luật sư Monte Alejandro Rubido Garcia đảm trách cương vị người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia. Luật sư Monte Alejandro Rubido Garcia được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Manuel Mondragon sau khi ông này xin từ chức trước thời hạn.

Giới chuyên môn cho rằng, thông qua việc bổ nhiệm luật sư Monte Alejandro Rubido Garcia là người lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia, Tổng thống Enrique Pena Nieto muốn chứng minh với dư luận quyết tâm thực hiện 5 mục tiêu lớn khi tranh cử, trong đó thực hiện chiến lược an ninh mới - giảm tỷ lệ tội phạm hiện đang hoành hành tại quốc gia Bắc Trung Mỹ này, xuống mức như cam kết. 5 mục tiêu lớn của Tổng thống Enrique Pena Nieto bao gồm: giảm tới 50% tội phạm trong thời gian ngắn nhất có thể, giảm đói nghèo hiện đang đè nặng lên 52% dân số Mexico, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện chất lượng giáo dục và tìm lại vai trò tiên phong của Mexico trên trường quốc tế.

Và để thực hiện mục tiêu "giảm tới 50% tội phạm trong thời gian ngắn nhất có thể", ngoài việc thành lập đứng đầu và chọn người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia, Tổng thống Enrique Pena Nieto còn ráo riết thành lập Trung tâm tình báo chiến lược (Trung tâm tình báo quốc gia) theo mô hình của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) với vốn đầu tư lên tới gần 5 tỷ USD.

Được biết, sau khi đắc cử, ngày 3/11/2012, ông Enrique Pena Nieto đã cam kết: ngay sau khi nhậm chức sẽ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Trung tâm tình báo chiến lược. Theo giới truyền thông, một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm tình báo chiến lược là thu thập thông tin từ tất cả các cơ quan hữu quan thuộc tất cả các cấp để lấy dữ liệu, vạch kế hoạch hành động trong cuộc chiến phòng chống tội phạm ma túy và tội phạm có tổ chức là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Tổng thống Enrique Pena Nieto.

Theo ông Enrique Pena Nieto, Trung tâm tình báo chiến lược sẽ phối hợp chặt chẽ với tất cả các cơ quan an ninh hiện có để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho nước này, đặc biệt trước làn sóng bạo lực gia tăng do các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh tại ít nhất 8 trong tổng số 32 bang của Mexico. Và để việc này có kết quả, Tổng thống Enrique Pena Nieto cho rằng, phải cơ cấu lại các đơn vị tình báo kinh tế-tài chính và cảnh sát điều tra cấp liên bang nhằm nâng cao hiệu quả cuộc chiến chống rửa tiền đang có xu hướng gia tăng, đe dọa quá trình phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc gia.

Ông Manuel Mondragon.

Giới truyền thông cho biết, Tổng thống Enrique Pena Nieto đã chỉ thị cho Bộ Nội vụ thành lập một lực lượng gồm 40.000 hiến binh (giai đoạn đầu khoảng 10.000 người) để hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương tăng cường hoạt động truy quét các tổ chức buôn lậu ma túy nhằm ngăn chặn việc phát sinh các loại tội phạm. Đây là lực lượng cảnh sát đảm trách chính trong việc trấn áp tội phạm và chiến đấu chống lại các băng đảng buôn bán ma tuý đang hoành hành tại Mexico. Và chiến lược an ninh mới sẽ "ngốn" hơn 9,7 tỷ USD trong năm 2013, trong đó chủ yếu chi cho chương trình phòng chống tội phạm.

Giới chuyên môn cho rằng, chiến lược chống tội phạm của Tổng thống Enrique Pena Nieto khác nhiều so với chiến lược dưới thời người tiền nhiệm Felipe Calderon (phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng quân đội trong cuộc chiến chống ma tuý). Giới truyền thông đưa tin, Văn phòng Tổng chưởng lý Mexico cũng sẽ được trao thêm nhiều quyền và cả nước được chia thành nhiều khu vực nhằm khoanh vùng tập trung vào các điểm nóng.

Điều khiến giới chuyên môn quan tâm nhất chính là việc Tổng thống Enrique Pena Nieto đã ký hợp đồng thuê chuyên gia Mỹ với một số lượng khá lớn tới làm việc tại Trung tâm tình báo chiến lược bởi trước mắt không có đủ nhân lực cho lĩnh vực này. Theo giới truyền thông, vì Bộ Nội vụ mới được trao thêm nhiệm vụ của Bộ Cảnh sát cũ trong khi cơ quan này thiếu người nên Bộ trưởng Nội vụ Osorio Chong buộc phải bộc bạch: tuy Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì quá trình thành lập Trung tâm tình báo chiến lược, nhưng vì hiện chưa có nhân sự nên phải "đi mượn" cho dù đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước như Mỹ, Canada, Colombia và một số quốc gia châu Âu khác.

Trước khi Trung tâm tình báo chiến lược do Tổng thống Enrique Pena Nieto đề xuất thành lập, cơ quan tình báo nước này từng được biết tới với ký hiệu DFS đã bị giải thể. Có nhiều nguyên nhân khiến DFS phải giải thể, nhưng có một sự kiện khiến dư luận quan tâm, đó là việc đặt máy nghe lén điện thoại và theo sát từng bước chân của nhà văn Garcia Marquez (1967-1985) vì ông bị nghi ngờ làm điệp viên cho Cuba

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.