Tổng thống Jacob Zuma sẽ bị truy tố?

Thứ Tư, 03/01/2018, 20:16
Tuyên bố hôm 29-12-2017 của Thẩm phán Chris Jafta thuộc Tòa Hiến pháp Nam Phi được coi là dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Jacob Zuma sẽ bị truy tố trong thời gian tới.


Bởi không chỉ có Thẩm phán Chris Jafta, Thẩm phán Tòa án Tối cao Eric Leach cũng vừa nhấn mạnh, các lập luận đưa ra để biện hộ cho việc đình chỉ truy tố Tổng thống Jacob Zuma là không xác đáng. 

Và điều đáng nói nhất là, đảng Đại hội dân tộc Phi cầm quyền (ANC) vừa bầu Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa thay thế Tổng thống Jacob Zuma làm Chủ tịch ANC. Và điều này đồng nghĩa với việc, ông Cyril Ramaphosa sẽ thay thế ông Jacob Zuma làm Tổng thống Nam Phi trong cuộc bầu cử năm 2019. 

Phát biểu tại buổi truyền hình trực tiếp hôm 29-12-2017, Thẩm phán Chris Jafta tuyên bố, Quốc hội đã không truy cứu đầy đủ trách nhiệm của ông Jacob Zuma trong vụ bê bối liên quan tới việc nâng cấp tư dinh khi sử dụng tiền công, đồng thời yêu cầu Quốc hội phải tiến hành các thủ tục để phế truất Tổng thống. 

Giới truyền thông coi đây là bất lợi lớn về tư pháp đối với Tổng thống Jacob Zuma, nhất là trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với làn sóng kiến nghị từ chức trước cuộc bầu cử năm 2019.

ANC vừa thông báo, sẽ xem xét kỹ tuyên bố của Thẩm phán Chris Jafta và thảo luận đầy đủ vấn đề này tại phiên họp của Ban chấp hành sẽ diễn ra vào ngày 10-1-2018. Gần nửa tháng trước, Đại hội lần thứ 54 của ANC đã diễn ra (từ 16 đến 20-12-2017) và tuy vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng Tổng thống Jacob Zuma vẫn bị Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch ANC. 

Gần 3 tháng trước (13-10-2017), Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án Tối cao đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định của Tòa Thượng thẩm trong việc khôi phục lại hàng trăm cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống Jacob Zuma. Phán quyết này đồng nghĩa với việc ông Jacob Zuma phải đối mặt với khả năng bị truy tố. 

Theo giới truyền thông, cơ quan chức năng đang xem xét lại quyết định của Cơ quan Công tố quốc gia Nam Phi (NPA) khi bãi bỏ gần 800 cáo buộc tham nhũng đối với ông Jacob Zuma được đưa ra từ năm 2005. Bởi nhờ quyết định của NPA nên ông Jacob Zuma mới có cơ hội chạy đua và đắc cử Tổng thống Nam Phi năm 2009. 

Gần 5 tháng trước (8-8-2017), Quốc hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Jacob Zuma bằng hình thức bỏ phiếu kín. Và với 198 phiếu thuận, 177 phiếu chống và 9 phiếu trắng, ông Jacob Zuma đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi ANC đang nắm 249 trong tổng số 400 ghế tại Quốc hội.

Tổng thống Jacob Zuma.

Dư luận quan tâm tới thông tin trên tờ Sunday Times khi đăng một số đoạn từ cuốn "The President's Keepers" của nhà báo điều tra Jacques Pauw, theo đó Tổng thống Jacob Zuma đã nhận một khoản "tiền lương" 1 triệu rand (khoảng 70.000 USD) một tháng từ một trùm đấu thầu mà không thông báo với Cơ quan Quản lý Thu nhập Nam Phi (SARS). 

Nhưng theo người phát ngôn của Tổng thống Bongani Ngqulunga, ông Jacob Zuma đã khai báo với các cơ quan hữu quan tất cả các khoản thu nhập, và không nhận được bất cứ thông tin nào về thuế liên quan tới việc nâng cấp tư dinh ở Nkandla như truyền thông đưa tin. Tờ Sunday Times cũng từng đưa tin, ông Jacob Zuma sở hữu một biệt thự ở thành phố Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Ngoài cáo buộc và phán quyết của các cơ quan chức năng, hàng nghìn người dân cũng đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Pretoria yêu cầu ông Jacob Zuma từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng và có mối quan hệ "không bình thường" với gia tộc giàu có gốc Ấn Độ Gupta khi bổ nhiệm một số bộ trưởng trong nội các phục vụ lợi ích của đại gia này. 

Theo giới truyền thông, ngoài ông Jacob Zuma, nhiều quan chức chính phủ cũng đang bị cơ quan chức năng cáo buộc nhận hối lộ từ thương vụ mua bán máy bay chiến đấu, tàu tuần tra và các loại vũ khí với trị giá tới 5 tỷ USD từ 5 công ty châu Âu, trong đó có Tập đoàn sản xuất trang thiết bị quân sự của Anh BAE Systems và Tập đoàn sản xuất vũ khí Thales của Pháp. 

Dư luận cho rằng, trong thời gian nắm quyền, ông Jacob Zuma khiến kinh tế tăng trưởng ì ạch, tỷ lệ thất nghiệp cao, các vấn đề xã hội trầm trọng và tình trạng tham nhũng phổ biến. Các đảng phái đối lập, nhất là đảng Liên minh Dân chủ (DA) đã chỉ trích về nạn tham nhũng tràn lan, sự yếu kém trong khả năng điều hành và quản lý đất nước của ông Jacob Zuma khiến cho nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng. 

Cho đến nay, Tổng thống Jacob Zuma vẫn khẳng định vô tội trước các cáo buộc tham nhũng, gian dối, rửa tiền và trục lợi phi pháp, đồng thời kháng cáo phán quyết của Tòa Thượng thẩm đưa ra trước đây. Người phát ngôn của Tổng thống Bongani Ngqulunga cho rằng, những cáo buộc mới đây "gây hiểu nhầm và rõ ràng là một phần của chiến dịch bôi nhọ Tổng thống Jacob Zuma".

Khắc Tuấn
.
.
.