Tổng thống Mỹ bất lực trước luật kiểm soát súng đạn?

Thứ Năm, 08/10/2015, 20:00
Thống kê của tờ Washington Post số ra ngày 2/10 thực sự khiến dư luận Mỹ lo lắng và bất an khi có tới 294 vụ thảm sát với số nạn nhân từ 4 người trở lên kể từ đầu năm 2015 đến nay. Điều này cho thấy, mới có 274 ngày nhưng nước Mỹ đã có gần 300 vụ thảm sát và nếu chính quyền không có biện pháp hữu hiệu, vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn.
Và nước Mỹ tiếp tục chấn động bởi 2 vụ xả súng diễn ra trong cùng một ngày. Bởi theo Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Levy, bang Florida, đã xảy ra một vụ xả súng bên ngoài Tòa Thị chính thành phố Inglis làm 3 người chết, 1 người bị thương nặng, và thủ phạm đã tự sát. Vụ án trên xảy ra chỉ vài giờ đồng hồ sau vụ xả súng tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua ở Roseburg, bang Oregon. Thảm án tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua là vụ xả súng thứ 142 tại các trường học ở Mỹ trong vòng 3 năm qua.

Đây được coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nước Mỹ, bởi theo các nhà điều tra, tay súng Chris Harper Mercer sở hữu tổng cộng 13 loại vũ khí, trong đó có 6 khẩu súng bị thu giữ tại trường học (cùng áo chống đạn với 5 băng đạn) và 7 khẩu súng trong căn hộ của hắn. Điều đáng nói là tất cả số vũ khí kể trên đều được mua hợp pháp và cùng một điểm bán.

Sinh viên Hannah (giữa) gặp chị gái và cha sau vụ nổ súng ở Trường Đại học cộng đồng Umpqua Community ở Roseburg, Oregon, ngày 1/10.

Ngày 3/10, cảnh sát lại tìm thấy một khẩu súng do Chris Harper Mercer làm chủ, nâng số vũ khí tịch thu được lên tới 14 khẩu. Giới truyền thông dẫn lại một mẩu tin nhắn đầy hận thù tại hiện trường của Chris Harper Mercer, bởi hắn "cảm thấy cả thế giới chống lại mình", và sống trong tình trạng tệ hại - không có bạn gái, không có sức sống.

Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm 2/10, Cảnh sát trưởng hạt Douglas John Hanlin cho biết, nhân viên điều tra đang làm việc với gia đình của nạn nhân, đồng thời xác định nguyên nhân khiến tay súng Chris Harper Mercer, 26 tuổi, đã xả súng giết chết 9 người và làm bị thương 7 người khác trước khi tử vong sau cuộc đấu súng với cảnh sát. Còn theo giới chức bang Oregon, tay súng Chris Harper Mercer đã tự sát khi đối đầu với cảnh sát, và kết luận kể trên được đưa ra sau khi cảnh sát khám nghiệm tử thi nghi can này. Danh tính của 9 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng đã được xác định.

Theo cảnh sát bang Oregon, Chris Harper Mercer đã đăng ký vào chính lớp học mà hắn tấn công và tên này từng tham gia đợt huấn luyện cơ bản của quân đội Mỹ trong vòng một tháng. Giới truyền thông đưa tin, Chris Harper Mercer từng bị bệnh tâm thần, luôn cảm thấy cô đơn, thất bại, bất công, bị ám ảnh bởi súng đạn và tôn giáo, có tư tưởng phân biệt chủng tộc và bị dẫn dắt bởi những vụ thảm sát trước đó.

Thủ phạm vụ xả súng Chris Harper Mercer.

Đài CBS News dẫn lời chị gái của Chris Harper Mercer cho biết, hắn sinh ra ở Anh và tới Mỹ từ nhỏ. Còn hàng xóm của hung thủ cho biết, hắn sống ở đây được mấy năm, nhưng không bao giờ giao lưu với ai. Theo lời một số nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát, Chris Harper Mercer đã hỏi tôn giáo của từng người trong phòng và với những người theo đạo Thiên Chúa, hắn liền nói "sẽ được gặp Chúa trong vòng 1 giây" rồi nổ súng.

Ông Stacy Boylan, phụ huynh của sinh viên Ana bị thương trong vụ xả súng, bàng hoàng kể lại lời của con gái rằng, Chris Harper Mercer đã ra lệnh cho những người theo Thiên Chúa giáo đứng lên rồi xả súng. Con gái ông Stacy Boylan sống sót nhờ giả chết.

Ngày 2/10, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng, cùng cam kết sẽ thúc đẩy sửa đổi luật kiểm soát súng đạn, và thừa nhận quyền lực của ông trong việc này là rất nhỏ, nhưng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, biến nó thành một vấn đề chính trị quan trọng.

Đồng thời kêu gọi các nghị sỹ ủng hộ việc thúc đẩy luật đảm bảo an toàn súng đạn hiện đang bị bế tắc tại Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ, ông Dan Pfeiffer cho biết, chưa bao giờ thấy Tổng thống Barack Obama thất vọng như vậy trong 8 năm qua, khi ông chủ Nhà Trắng nói: Không hiểu sao điều này lại trở thành chuyện thường ngày và chúng ta đã bị tê liệt trước những hành động đó.

Cầu nguyện thôi chưa đủ, chúng ta cần hành động, phải thay đổi luật pháp! Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố, sẽ vận động hành lang để giành sự ủng hộ đối với luật kiểm soát súng đạn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng hối thúc Mỹ hành động nhằm hạn chế các vụ bạo lực súng đạn, nguyên nhân gây ra số thương vong lớn kinh hoàng ở nước này.

Thiện Lân
.
.
.