Tổng thống Mỹ và đội quân bí mật

Thứ Ba, 13/03/2012, 17:06

Tại một thời điểm khi mà phần lớn người Mỹ nghĩ rằng chính phủ là thứ vớ vẩn thì "Đội quân đặc biệt" vẫn đều đặn có việc làm ổn định. Họ là ai mà được đối xử hậu hĩnh đến thế? Muốn biết điều này, cách đơn giản nhất là hỏi trực tiếp đương kim Tổng thống Barack Obama, vị Tổng thống này đang rất kiêu hãnh khi sở hữu trong tay đội quân mang tên SEAL thuộc Hải quân Mỹ.

Hợp đồng giết người đầu tiên

Một trong những hợp đồng giết người đầu tiên do Tổng thống Obama (ủy nhiệm cho SEAL đến từ tháng 4/2009. Những tên cướp biển Somali đã đổ bộ lên Maersk Alabama, chiếc tàu hàng container của Mỹ  ở ngoài khơi vùng Sừng Châu Phi. Hải tặc sử dụng xuồng cứu sinh bắt theo 53 người trên tàu làm con tin. Được trang bị súng AK-47 và súng lục, những tên cướp biển đã giấu một thuỷ thủ tên Richard Phillips dưới boong tàu và đe dọa sẽ lấy mạng ông nếu bọn chúng không nhận được 2 triệu USD tiền chuộc.

Không đầy 3 tháng sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mạnh mẽ thực hiện những chiến lược khó ai ngờ với việc thực hiện những sứ mạng máy bay không người lái tấn công Pakistan đồng thời gửi 17.000 quân Mỹ đến mặt trận Afghanistan. Nhưng cho đến nay, chưa từng ai biết rằng ông Obama đang là chỉ huy tối cao của một đội quân đặc biệt chuyên trấn áp và tiêu diệt các thế lực khủng bố bao gồm cả các vụ bắt giữ con tin là người Mỹ. Sự thực rằng ông Obama là chỉ huy cao nhất của SEAL Team 6, đó là một nhóm lính biệt kích chuyên trách thực hiện những sứ mạng đen tối nhất của các cuộc chiến tranh.

Lính SEAL Team 6 đang thao tác trên chiến trường.

Ngày 11/4/2009, 3 ngày sau khi vụ bắt giữ con tin bắt đầu, Tổng thống Obama đồng ý việc sử dụng lực lượng quân sự - nhưng chỉ áp dụng nếu một khi mạng sống của viên thuyền trưởng Richard Phillips thực sự bị lâm nguy. Những tay súng bắn tỉa của SEAL Team 6 được bố trí trên những chiếc tàu khác nhau nhằm tối đa hoá cơ hội thanh trừng kẻ địch. Trong khi đó, bọn cướp biển đang tiến về bờ. Nếu bọn chúng đặt chân lên bờ biển Somali với các con tin của mình thì xem ra mọi hoạt động giải cứu có thể khó khăn hơn nhiều.

Chạng vạng tối 12/4/2009 - nhằm ngày lễ Phục sinh - các tay bắn tỉa của SEAL đã hướng đạo cho tàu khu trục USS Bainbridge bắn về phía cướp biển. Nhưng vì chiếc xuồng cứu sinh của bọn cướp biển cứ liên tục nhấp nhô trên mặt nước nên khó bảo đảm sẽ bắn trúng mục tiêu. Nhóm sát thủ của SEAL chuyển sang thế nghi binh. Có lúc 2 tên cướp biển bị lộ rõ mặt. Nhóm xạ thủ nhìn thấy một tên cướp biển thứ 3 thông qua một cửa sổ đang chĩa khẩu súng vào thuyền trưởng Richard Phillips. 3 phát đạn vang lên trong màn đêm, 3 tên cướp biển đã bị triệt hạ. Nhóm xạ thủ của SEAL lên chiếc xuồng cứu sinh và đưa Phillips đến nơi an toàn. Việc triệt hạ bọn cướp biển được xem như là thành quả bước đầu của vị tân tổng thống.

Tham vọng bành trướng ở châu Á

Ông Obama đang đưa ra nhiều "cơ hội việc làm" hơn cho "các tác chiến gia đặc biệt" của mình với các sứ mạng đa dạng khác nhau. Khi người Mỹ đã trở nên bội thực với các kế hoạch chiếm đóng quân sự tai hại thì giá trị của những kế hoạch tác chiến phủ đầu đang được mạnh tay áp dụng hơn bao giờ hết. Ngân sách tài trợ cho "Đơn vị lính biệt kích đặc biệt" đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2001, đạt 10,5 tỷ USD, và số lượng các đợt triển khai đã tăng gấp 4 lần. Hiện tại người đứng đầu của đơn vị này, Đô đốc William H. McRaven đang kêu gọi gia tăng thêm nguồn lực và nhiều hơn nữa các quyền tự chủ. William H. McRaven đang muốn mở rộng các lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Lực lượng hải quân SEAL trong một buổi huấn luyện đại dương.

Thực ra SEAL chưa bao giờ xuất hiện với ánh sáng chói ngời của tính anh hùng và hiệu quả. Năm ngoái, đơn vị này đã tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden tại Pakistan, và chỉ mới tháng trước đó đã giải cứu thành công 2 nhân viên cứu trợ bị bắt giữ làm con tin ở Somalia. Tại một thời điểm khi mà nhiều người Mỹ nghĩ rằng chính phủ của họ là không đủ năng lực, thì SEAL lại trở thành những cán bộ với vô khối công việc để làm.

TT. Obama muốn cân bằng cho sự gia tăng các dịch vụ "tác chiến đặc biệt" với một đánh giá sáng suốt trong ý nghĩa chiến lược các sứ mạng mở rộng của SEAL. Sự ngạo mạn trong việc giết người vô lối có thể làm lu mờ vị thế của Mỹ trên trường quốc tế trong nhiều năm. Đó là một phần lý do giải thích vì sao mà một số nhà ngoại giao Mỹ và thậm chí cả vài quan chức trong quân đội đã bày tỏ mối nghi ngại về việc mở rộng vai trò và quyền lực của SOF. Những thách thức của các sứ mạng bí mật liên quan đến tính hợp pháp, đạo đức và thực tế.

Truy lùng và tiêu diệt "mắt xích" quan trọng giữa al-Qaeda và hải tặc Somali

Cả CIA và quân đội Mỹ đều không ngừng săn lùng Saleh Ali Saleh Nabhan trong suốt nhiều năm qua. Hắn ta bị ngờ rằng đã gây ra vụ đánh bom vào năm 1998 tại các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, và trực tiếp gây ra các vụ khủng bố chết người ở Đông Phi, bao gồm cả một vụ đánh bom tự sát tại một khu nghỉ mát do người Israeli làm chủ ở Mombasa. Saleh là một mắt xích quan trọng giữa tổ chức al Qaeda và các đồng minh Somalia, hai bên trao đổi qua lại tiền bạc để thực hiện một mạng lưới Thánh chiến trên quy mô lớn. Giết chết Saleh là một chiến thắng vang dội nhưng nếu bắt sống được hắn ta thì tốt hơn nhiều.

Sau nhiều tháng điều nghiên Saleh, các viên chức tình báo Mỹ biết được rằng tên khủng bố này đang chuẩn bị lên kế hoạch đi dọc một con đường hoang mạc, hẻo lánh ở miền Nam Somalia. Không còn nhiều thời gian để hành động. Một buổi tối đầu tháng 9/2009, hơn 30 quan chức Mỹ đã tiến hành một cuộc họp bất thường. Dẫn đầu cuộc họp là Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân. Sau một cuộc hội thảo ngắn, Mike Mullen đã gọi cho Đô đốc McRaven, lúc đó là người đứng đầu đơn vị lính biệt kích tác chiến liên quân đặc biệt (JSOC) và là một trong những chuyên gia săn lùng khủng bố dày dạn kinh nghiệm nhất của Mỹ.

Saleh bị giám sát mật trong nhiều tháng, hắn thường trú tại các khu dân cư đông đúc, nơi mà các tỷ lệ thương vong thường sẽ rất cao, gồm cả dân thường và lính Mỹ nếu một khi bị tấn công bất ngờ. Một số tuỳ chọn đã được đưa ra nhằm kéo giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Theo đó quân đội Mỹ sẽ bắn tên lửa hành trình Tomahawk từ một tàu chiến ở ngoài khơi vùng biển Somali. Đây là sự lựa chọn ít gây thương vong nhất cho lính Mỹ nhưng không phải là sự lựa chọn chính xác nhất, bởi tên lửa có thể đi lạc mục tiêu và đánh trúng thường dân. Tấn công bằng tên lửa là một dấu ấn của chính quyền Bush, nó tranh cãi về thuật hùng biện "sống hay chết", nhìn chung Nhà Trắng thời Bush tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch tác chiến tại Somalia.

Lựa chọn thứ 2 là dùng máy bay trực thăng tấn công vào đoàn xe của Saleh. Tuỳ chọn cuối cùng là "cướp lấy" Saleh tức bắt sống hắn. Lĩnh vực tình báo thông minh là một trong những mục tiêu có giá trị cao trong các cuộc chiến chống khủng bố nhưng nó cũng là lựa chọn rủi ro nhất. Nhìn chung các tuỳ chọn đều đi đến việc gây chết người.

TT. Obama sau đó đã ký vào một chiến dịch gọi là "Cân bằng bầu trời". Sứ mạng được giao cho Đội 6 của Hải quân SEAL (hay SEAL Team 6). Sáng ngày kế tiếp, dân làng Somalia chợt nhìn thấy một vài chiếc máy bay trực thăng bay ở tầm thấp xuất hiện trên đường chân trời. Vài chiếc AH-6 Little Birds, được phái đi từ các tàu hải quân Mỹ ngoài khơi duyên hải Somalia, tiếp cận đoàn xe bị tình nghi và oanh tạc vào chiếc xe Jeep đang chở Saleh và những cỗ xe khác. Saleh và một số tên chiến binh khác đã bị tiêu diệt. Một trong những chiếc máy bay trực thăng hạ cánh, vài lính biệt kích nhảy ra làm công tác giám định ADN nhằm mục đích chứng thực rằng Saleh đã chết thật sự.

"Sống nhanh, chết trẻ và một xác chết nguyên vẹn"

Từ những chiến dịch thực tế ở Iraq và Afghanistan, SOF đã học được những kinh nghiệm tình báo thường đến từ những mảnh vỡ sau mỗi lần đụng độ. Họ không chỉ nhắm đến việc tiêu diệt các mục tiêu khủng bố mà còn lục lọi những tin tức tình báo thông qua cái gọi là "túi rác". Ông Obama chỉ muốn quan tâm đến lợi ích của từng chiến dịch cụ thể. Ông Obama chắc chắn đã rất ấn tượng với SOF bởi tính chính xác và sự chuyên nghiệp của họ.

Các học viên hải quân SEAL trong một khoá huấn luyện khả năng nhịn thở dưới đáy hồ. Tay và chân họ bị trói, và các học viên tự tìm cách cởi trói để tự giải phóng mình.

Trui rèn khả năng sinh tồn giữa cái sống và chết là một trong những yếu tố bắt buộc đối với các lính biệt kích SEAL trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, nơi đây họ phải liên tục hoàn thiện từ sứ mạng này sang sứ mạng khác. Dĩ nhiên vẫn có những tổn thất xấu. Một trong những vụ như vậy đã xảy ra vào năm 2010, khi SEAL Team 6 tiến hành một cuộc đột kích nhằm giải cứu nhân viên viện trợ người Scotland Linda Norgrove và 3 đồng nghiệp Afghanistan khác từ những kẻ bắt cóc Taliban.

Thảm kịch đã xảy đến khi một quả lựu đạn được ném ra bởi một trong các lính biệt kích của SEAL đã làm thiệt mạng bà Linda Norgrove. Nhiều lính biệt kích cũng đã hy sinh mạng sống vì nhiệm vụ của họ, bao gồm 22 thành viên trên một chiếc máy bay trực thăng bị bắn hạ ở Afghanistan vào tháng 8/2011 vừa qua. Ông Howard Wasdin, một cựu thành viên của SEAL khẳng định rằng nguy cơ tử vong cao là đặc trưng nghề nghiệp của đơn vị này. Howard Wasdin tiết lộ một câu nói bất hủ của đơn vị mình: "Sống nhanh, chết trẻ và một xác chết nguyên vẹn".

Tháng 10/2008, Tướng David Petraeus đã ra lệnh một cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng khá táo bạo bên trong lãnh thổ Syria. Hai chục lính biệt kích SEAL đã ra khỏi các máy bay trực thăng Diều hâu đen để đột nhập ngôi làng Sukkariyah, cách biên giới Iraq khoảng 6 dặm. Nhiệm vụ của họ là giết hoặc bắt sống Abu Ghadiyah, một lãnh đạo tế bào của al Qaeda, tên này chuyên điều phối các chiến binh Al Qaeda từ nước ngoài vào Iraq. Một cuộc đọ súng đã xảy ra, 9 tên khủng bố bị thiệt mạng bao gồm cả Abu Ghadiyah. Lính SEAL trở về căn cứ không hề hấn gì. Syria đã đáp trả bằng cách đóng cửa vài cơ sở của Mỹ ở Damascus và phản đối Liên hiệp quốc.

Tại một số nơi "vô pháp luật" hoặc các quốc gia chứa chấp bọn khủng bố thì các kế hoạch tác chiến này có thể được xem là cần thiết, song liệu những nơi khác thì sao? Phải chăng Mỹ đang hết sức cổ xuý cho các hành vi "vô pháp luật" của SEAL Team 6 tại nước ngoài. Chỉ có ông Obama mới đủ sức trả lời cho các câu hỏi đó

Thanh Hải (theo Daily Beast)
.
.
.