Tổng thống cũng phải hầu tòa

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:00
Ðã phạm tội thì dù có là cựu tổng thống vẫn bị bắt giam như thường. Ðó là điều đang diễn ra ở El Salvador. Cuối tháng trước, cảnh sát nước này đã bắt giữ cựu Tổng thống Elias Antonio Saca và 6 nghi phạm khác, trong đó có 3 quan chức đang tại vị.


Saca, 51 tuổi, và 6 cựu quan chức trong chính quyền cũ của ông bị bắt vào sáng sớm ngày 30-10 vừa qua vì “nhiều tội danh khác nhau”, theo trang Twitter của Bộ Tư pháp. 

Saca là một thành viên của đảng bảo thủ Liên minh Quốc gia cộng hòa (ARENA) khi ông làm Tổng thống El Salvador từ năm 2004 đến 2009. Ông bị khai trừ khỏi đảng ARENA vào cuối năm 2009 sau khi đảng này chỉ trích ông đã làm ARENA thua trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội năm đó.

Tham nhũng quá hớp

Khi còn là tổng thống, ông Saca triển khai chương trình “Mạng lưới người Solidaria” vào tháng 10-2005, với viện trợ quốc tế từ các nước châu Âu như Tây Ban Nha. Chương trình này nhắm đến những cộng đồng sống dưới mức nghèo khổ. Theo đó, những khu vực được xác định là vùng nghèo sẽ được trợ cấp 15-20 USD/tháng đối với mỗi hộ.

Saca cũng được biết đến với tư tưởng ủng hộ thị trường tự do và các chính sách của Mỹ. Vì vậy, trong cuộc bầu cử, ông được Chính phủ Mỹ ủng hộ. Ông là một trong số lãnh đạo Mỹ Latin gửi binh lính đến Iraq, và là người duy nhất giữ họ lại cho các nhiệm vụ mở rộng. Quân đội của El Salvador kết thúc nhiệm vụ tại Iraq vào tháng 2-2009. 

Là một doanh nhân tự lập nghiệp, Saca cũng là một nhà báo nổi tiếng trước khi trở thành tổng thống. Ông được xem là một đồng minh mạnh mẽ của Mỹ trong suốt thời gian nắm giữ quyền lực.

Nhưng Saca đồng thời cũng là đối tượng của những cáo buộc tham nhũng rộng rãi. Một điện tín mật từ Đại sứ quán Mỹ ở San Salvador, được Wikileaks tiết lộ, trích lời các nhà làm luật trong đảng ARENA của Saca bày tỏ quan ngại về việc ông lạm dụng quyền hạn tổng thống để mưu lợi cá nhân.

Những hành vi tham nhũng của ông thậm chí còn đi quá xa so với tiêu chuẩn của Salvador. Điện tín của Đại sứ quán Mỹ viết: “Trong khi công chúng Salvador cũng biết các chính trị gia có hành vi mưu cầu lợi ích cá nhân, nhưng nhiều đảng viên ARENA tin rằng cách Saca và người của ông lạm dụng vị trí chức vụ để làm lợi cá nhân là quá quắt. Phó Chủ tịch ARENA, Roberto d’Aubuisson, nói Saca đã cố tình phớt lờ chương trình chống lại quả của chính phủ của ông, ngay cả khi sự việc bị phanh phui trên báo chí. Hơn nữa, dựa trên những bằng chứng xác đáng, Chính phủ Saca đã thúc đẩy các điều luật theo hướng có lợi cho quyền lợi kinh doanh của nhà Saca”.

Điện tín Đại sứ quán Mỹ cũng đề cập đến biệt phủ nhiều triệu đô của Saca trong thời ông làm tổng thống: “Saca cũng tích lũy tài sản dễ thấy, bao gồm khu nhà ở San Salvador và đất đai rộng lớn ở La Union, những tài sản mà ông không có được trước khi làm tổng thống”. Một điện tín khác của Đại sứ quán Mỹ cho biết, ARENA khai trừ Saca với cáo buộc ông đã sử dụng sai mục đích 219 triệu USD tiền công quỹ.

Saca hiện bị tòa án cáo buộc tham ô, rửa tiền và có quan hệ với các nhóm phi pháp, theo thông cáo của phòng tư pháp. Nhưng thông cáo không tiết lộ chi tiết các cáo buộc.

Những nghi phạm bị bắt khác bao gồm, cựu quan chức ngành cấp thoát nước Cesar Funes, 46 tuổi, và cựu Trưởng ban Quan hệ truyền thông của tổng thống, ông Julio Rank, 65 tuổi. Cảnh sát cho biết 2 người này bị bắt cùng với Saca khi đang ở trong một khách sạn biệt lập.

Truyền thông Salvador đưa tin 3 người này đang ở đó để ăn mừng đám cưới một người con trai của Saca. Các nguồn tin chính thức cho biết các nghi can đang bị tạm giam tại Ban chống ma túy ở thủ đô San Salvador.

Sức ép Mỹ

El Salvador là một quốc gia Trung Mỹ với 6 triệu dân, giáp giới với Guatemala và Honduras. Nước này bị kiềm hãm trong nghèo đói và tội phạm liên quan đến các băng đảng ma túy.

3 nghi can bị bắt giữ khác là Pablo Gomez, Francisco Rodriguez Artega và Jorge Alberto Harrera. Họ từng làm việc cho chính phủ của Saca và hiện là quan chức trong chính phủ cánh tả của Tổng thống Salvador Sanchez. Những nghi can này có thể bị phạt tù đến 15 năm vì tham ô và rửa tiền, theo luật El Salvador.

Saca từng là đồng minh thân cận của Mỹ.

Saca đã phải đối mặt với những cáo buộc từ hồi đầu năm, khi bị cáo buộc tham ô khoảng 4 triệu USD. Tổng thống kế nhiệm ông, Mauricio Funes, cũng đối mặt với những cáo buộc tương tự. Ông này tỵ nạn ở Nicaragua kể từ tháng 9, sau khi nói sợ bị giết ở El Salvador.

Theo nhà phân tích chính trị Juan Ramon Medrano, các cuộc điều tra chống tham nhũng có thể chủ yếu do sức ép từ Mỹ. Washington yêu cầu hành động chống tham nhũng để đổi lấy viện trợ tài chính nhằm thúc đẩy phát triển và chống lại tội phạm ở El Salvador và 2 nước láng giềng nghèo.

“Sức ép chống tham nhũng từ Mỹ là tốt vì đã thành công trong việc làm sạch những nghi can tham nhũng trong đất nước, nhưng cần có sức ép với những người trốn thuế và nhấn chìm nền tài chính của El Salvador”, Medrano nói với AFP.

Anh Kiệt (Tổng hợp)
.
.
.