Tổng thống Iceland sẽ từ chức vì “Hồ sơ Panama”?

Thứ Ba, 03/05/2016, 19:57
"Cả Tổng thống và Đệ nhất phu nhân đều không biết gì về công ty này và họ cũng chưa từng nghe về nó", Văn phòng Tổng thống Iceland tuyên bố chính thức như vậy sau khi vợ ông Olafur Ragnar Grimsson xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”. 


Với tư cách là người trấn an dư luận, phản đối kế hoạch giải tán Quốc hội để bầu cử sớm, sau khi Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson có liên quan tới “Hồ sơ Panama” phải từ chức và tân Thủ tướng Sigurdur Ingi Johannsson mới nhậm chức hôm 7-4, nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn với Hãng CNN ngày 22-4, Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson đã phủ nhận việc ông và gia đình có liên quan tới công ty nước ngoài trong vụ “Hồ sơ Panama”.

Ngày 25-4, ông Olafur Ragnar Grimsson tiếp tục phủ nhận việc biết gia đình bên vợ (bà Dorrit Moussaieff, người Anh gốc Israel) có các khoản đầu tư ở nước ngoài, sau khi giới truyền thông Iceland cho rằng, Tổng thống đã không nói đúng sự thật. 

Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson và Đệ nhất Phu nhân Dorrit Moussaieff.

Và vụ bê bối tại gia đình vợ Tổng thống Iceland - bị phát hiện có các khoản đầu tư ở nước ngoài, sẽ khiến ông Olafur Ragnar Grimsson khó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 6-2016. 

Gần 4 năm trước (30-6-2012), ông Olafur Ragnar Grimsson đã tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 với 52,78% số phiếu ủng hộ. Là Tổng thống Iceland từ năm 1996 và vừa xác nhận sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, cho dù đã 72 tuổi, nhưng bê bối bên gia đình vợ đang khiến ông Olafur Ragnar Grimsson rơi vào tình thế khó xử. 

Thậm chí có người còn nói, Tổng thống Iceland sẽ là nạn nhân tiếp theo của “Hồ sơ Panama”. Có người nói rằng, Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson sẽ đón sinh nhật lần thứ 73 (sinh ngày 14-5-1943) không mấy vui vẻ, nếu vụ bê bối của gia đình bên vợ tiếp tục bị giới truyền thông Iceland đề cập.

Theo tờ Reykjavik Grapevine, Đệ nhất phu nhân Dorrit Moussaieff bị cáo buộc có liên quan đến Công ty Lasca Finance Limited, được thành lập tại “thiên đường trốn thuế” ở quần đảo Virgin của Anh. Trong giai đoạn 2000-2005, Công ty Lasca Finance Limited đã nhận một phần lợi nhuận từ chuỗi cửa hàng kinh doanh đá quý Moussaieff Jewellers Limited. 

Bởi theo “Hồ sơ Panama”, bà Dorrit Moussaieff có cổ phần trong doanh nghiệp gia đình có tên Moussaieff Jewelers Limited. Và cha mẹ Đệ nhất phu nhân là cổ đông của công ty Lasca Finance Limited, từ năm 1999 đến năm 2005. Năm 2006, Công ty Lasca Finance Limited dừng mọi hoạt động, nhưng một công ty mới của gia đình Đệ nhất phu nhân Iceland lại được thành lập ở Hongkong, đó là Công ty Moussaieff Limited, với chủ sở hữu duy nhất là mẹ đẻ bà Dorrit Moussaieff.

Và Công ty Moussaieff Limited hoạt động cho tới ít nhất là ngày 31-12-2015. Nhưng khi trả lời phỏng vấn với Hãng CNN, Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson lại khẳng định, cho dù những giao dịch kể trên có thực sự đã diễn ra, vợ chồng ông hoàn toàn không biết tới sự tồn tại này.

Trong một diễn biến khác, ngày 25-4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Panama Dulcidio de la Guardia phải hoàn toàn minh bạch sau vụ rò rỉ liên quan đến “Hồ sơ Panama”. Ông Michel Sapin cho biết, đã yêu cầu ông Dulcidio de la Guardia phải chia sẻ bất kỳ thông tin nào mà chính phủ Pháp yêu cầu, kể cả những công ty vỏ bọc ở nước ngoài. 

Đồng thời nhấn mạnh, Paris sẽ tìm cách xem lại các hiệp định thuế song phương, nhằm dỡ bỏ bất kỳ rào cản nào trong việc chia sẻ thông tin về thuế giữa Panama và Pháp. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cũng nhất trí sẽ gặp nhau để giải quyết các vấn đề song phương, đặc biệt sau khi Pháp đe dọa sẽ đưa Panama vào danh sách đen “thiên đường trốn thuế”. 

Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Panama Isabel De Saint Malo cũng vừa khẳng định, việc minh bạch hóa ngành tài chính của nước này là tiến trình "không thể đảo ngược". Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria đã hoan nghênh quyết định tham gia áp dụng tiêu chuẩn chung quốc tế về khai báo thuế của Panama, và coi đây là sự chuyển biến tích cực sau khi “Hồ sơ Panama” tiết lộ nhiều thông tin bí mật.

Kể từ khi giới truyền thông đăng tải “Hồ sơ Panama”, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson trở thành nạn nhân đầu tiên. Tiếp đến là Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha Jose Manuel Soria; ông Gonzalo Delaveu, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Chile... 

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị kêu gọi từ chức sau khi danh tính của họ và người thân xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”. Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và nhiều chính trị gia trên thế giới cũng từng bị giới truyền thông “réo tên” sau khi “Hồ sơ Panama” tiết lộ những thông tin liên quan tới họ. 

Nhiệm Bình
.
.
.