Tống tiền và cưỡng bức tình dục những nỗi đau bị che khuất ở El Salvador

Chủ Nhật, 26/04/2020, 11:32
Nạn tống tiền ở El Salvador đe dọa cả nam giới và nữ giới, nhưng những người phụ nữ ở đây phải chịu đựng đau đớn hơn bởi với họ, ngoài những đe dọa phải cống nộp tiền bạc còn có những nguy cơ về cưỡng bức tình dục, một hình thức tra tấn tàn bạo xóa nhòa ranh giới giữa các hành động tống tiền, bắt giữ người trái phép làm nô lệ và buôn người.


Thay vì nộp tiền, phải nộp thân xác

Năm 2010, Maria chỉ mới 23 tuổi và lần đầu tiên cô tìm đến gặp tên cầm đầu băng đảng ở khu phố cô, mục đích để van nài thoát khỏi mối đe dọa tống tiền.

"Cha của đứa con nhỏ của cô ấy vừa bị tai nạn và mất việc, anh ta không còn khả năng nộp số tiền mà hàng ngày anh ta vẫn phải cống nạp để có thể sinh sống yên ổn trong khu phố đó. Băng đảng này đã đe dọa sẽ giết chồng cô, vì thế cô gái trẻ này đã đi cùng với đứa con 18 tháng tuổi đến để cầu xin kẻ quyền lực nhất tại địa phương: tên thủ lĩnh của băng đảng ở đây", Celia Medrano- Giám đốc điều hành của Cristosal (một tổ chức dân sự phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền con người ở El Salvador), kể lại.

Các thành viên của Mara Salvatrucha (MS 13) - băng đảng khét tiếng nắm quyền kiểm soát khu Las Victorias và nhiều khu phố khác ở thành phố San Salvador.

Trong một quyết định khá bất ngờ, tên thủ lĩnh băng đảng đã tỏ ra rộng lượng và hào hiệp. Nhưng Maria không hề biết rằng cử chỉ "hào hiệp" đó là khởi đầu cho một cơn ác mộng cưỡng bức tình dục kéo dài trong nhiều năm đối với cô. Lúc đầu, tên thủ lĩnh xuất hiện ngày càng nhiều tại nhà cô để yêu cầu giúp giặt giũ, là quần áo, dần dần hắn lưu lại ở đó lâu hơn rồi cuối cùng dọn đến ở hẳn nơi đó, chồng cô bị buộc phải rời đi, còn Maria bị cưỡng bức phải ở lại cùng với đứa con nhỏ và người mẹ già. Tên trùm băng đảng này cư xử như là chủ nhà và Maria đã phải phục dịch hắn như một người vợ và như một nô lệ để đáp ứng nhu cầu tình dục của hắn.

Ròng rã ba năm trời, Maria phải sống trong cảnh nô lệ, bị bạo hành về thân xác và xâm hại về tình dục. Đã hai lần cô bỏ trốn thành công, nhưng trước lời đe dọa nhắn gửi cho cô rằng hắn sẽ giết đứa con trai và người mẹ, Maria bắt buộc phải quay lại để tiếp tục chịu đựng cuộc sống nô lệ khốn khổ ấy.

Phần lớn nạn nhân của các vụ tống tiền ở Salvador là nam giới, nhưng những người phụ nữ cũng chẳng hề được miễn trừ. Theo các số liệu thống kê thì 85% các gia đình ở Salvador là các bà mẹ đơn thân. Điều đó cho thấy phần lớn cái gánh nặng liên quan đến số tiền phải cống nạp hàng ngày để được phép cư trú trong lãnh thổ của các băng đảng đã trút lên vai những người phụ nữ nghèo khó.

Ngoài việc phải gánh chịu những tổn thất về kinh tế, những người phụ nữ còn thường xuyên là nạn nhân của những vụ tấn công hay bạo hành tình dục, những hành động liên quan đến việc tống tiền hay trong những tình huống khác, bởi các băng đảng thường xuyên sử dụng và đe dọa sử dụng các hành động tấn công tình dục như là một vũ khí đối đầu trong việc kiểm soát lãnh thổ.

Các thành viên băng đảng Barrio 18, một trong hai băng đảng đường phố lớn nhất El Salvador bị áp giải tới nhà tù San Francisco Gotera.

Miriam Bandes, người điều hành của Chương trình Liên hợp quốc về phụ nữ tại Salvador, nhận xét: "Chúng coi cơ thể phụ nữ như là một chiến trường để tấn công hoặc đánh chiếm". Theo cô các băng đảng thường xuyên nhắm vào những người phụ nữ có những mối quan hệ với các băng đảng đối địch, đó là những thành viên chính thức của băng đảng hoặc là người thân, vợ hay con của các thành viên băng đảng đối địch.

Trước những mối đe dọa thường trực của những vụ tấn công hay xâm hại tình dục, những người phụ nữ sống trong các khu phố nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng đã phải tìm cách thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu các nguy cơ.

Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, các băng đảng đường phố ở El Salvador càng gia tăng bạo lực để bảo đảm nguồn thu.

Họ bắt buộc phải thay đổi những thói quen hàng ngày: tránh xuất hiện trên các phương tiện giao thông hay các không gian công cộng, liên tục mang thai để tránh sự theo đuổi của những thành viên băng đảng, trong trường hợp không thể trốn tránh được thì tìm cách tạo dựng một quan hệ ổn định lâu dài với một thành viên cao cấp nào đó của băng đảng.

Bandes cho biết khi tống tiền một nạn nhân nào đó, bọn tội phạm thường xuyên đe dọa sẽ hãm hiếp con gái của nạn nhân nếu ông ta không chịu nộp số tiền mà chúng đòi hỏi. Nỗi sợ hãi bị hãm hiếp vì thế đã làm nảy sinh hàng loạt dạng tống tiền trong đó những cưỡng bức tình dục được coi như là một vũ khí hiệu quả để làm nạn nhân khiếp sợ.

Trong trường hợp nếu nạn nhân không có tiền để nộp, thay cho việc nộp tiền nạn nhân sẽ bị cưỡng bức phải chấp nhận các giải pháp "cống nạp" rất đa dạng: làm lao động tạp dịch trong nhà, trông trẻ em hay đi thu tiền hàng ngày của các nạn nhân bị tống tiền khác

Đa phần các chuyên gia, trong đó có các sĩ quan cảnh sát, luật sư và các quan tòa, khi được hỏi ý kiến, đều cho rằng việc những người phụ nữ đáng thương này bị cưỡng bức phải tham gia vào các hoạt động của các băng đảng tội phạm phải được xem xét tới trong quá trình tố tụng. Nhưng trên thực tế điều này vẫn chưa hề được áp dụng.

Sau ba năm sống cuộc đời của một nô lệ tình dục, giờ đây nỗi thống khổ của Maria lại vẫn tiếp tục kéo dài thêm, lần này nó lại tới từ phía chính quyền. Năm 2016, với sự giúp đỡ của Cristosal, cô đã tìm đến nhà chức trách để mong có được một sự trợ giúp. Nhưng Tổng chưởng lý El Salvador đã xem cô là một tội phạm chứ không phải là một nạn nhân.

"Vì cô ta đã có ba năm chung sống cùng băng đảng tội phạm, các công tố viên nói rằng họ chỉ có thể giúp cô ấy nếu cô chấp nhận ra làm nhân chứng như một thỏa thuận để giảm nhẹ bản án. Họ bắt đầu thẩm vấn cô như với một tội phạm, cô được yêu cầu phải cung cấp mọi thông tin mà cô nắm được về băng đảng tội phạm trong vùng". Medrano cho biết.

Bị trói buộc về mọi mặt, những người phụ nữ Salvador này không có nguồn lực nào trong tay để có thể tự vươn lên trong cuộc sống. El Salvador đã có sáng kiến tổ chức ra các trung tâm hỗ trợ mang tên là Ciudad Mujer, ở đây người dân được hỗ trợ các dịch vụ từ việc soạn thảo đơn khiếu nại ra cảnh sát cho tới những trợ giúp về tài chính và y tế.

Nhưng các đại diện của Liên hợp quốc ở El Salvador đã nhận xét rằng các nguồn lực ở đây còn quá yếu và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để có thể mang lại một hiệu quả thực sự.

Một rào cản nữa bắt nguồn từ những định kiến bảo thủ trong suy nghĩ của các nạn nhân. Những phụ nữ hành nghề mại dâm, những nạn nhân thường xuyên bị các băng đảng và cả những thành phần thoái hóa trong lực lượng bảo vệ pháp luật tống tiền hầu hết đều từ chối đến các trung tâm hỗ trợ của chính phủ bởi lo ngại vấp phải thái độ kỳ thị với những nghề nghiệp mà họ đang làm.

"Tống tiền bằng tình dục", một tội danh chưa có khung hình phạt

Dẫu rằng việc đe dọa cưỡng bức tình dục đã được bọn tội phạm sử dụng như là một cách đe dọa rất hiệu quả khi thực hiện việc tống tiền, về phía các nạn nhân, đôi khi nó cũng được xem như là một cách để cống nạp thay cho tiền bạc, dẫu rằng trong đa số trường hợp, đây không phải là sự cống nạp tự nguyện mà là bị cưỡng bức giống như trường hợp của Maria. Medrano cho biết, tổ chức Cristosal đang xử lý 4 trường hợp tương tự của Maria mà họ gọi đó là trường hợp những "cô vợ hờ".

"Thuật ngữ "tống tiền bằng tình dục" cho đến nay chưa hề có mặt trong hệ thống thuật ngữ pháp lý và như vậy chưa hề bị trừng phạt bởi một điều khoản nào trong các bộ luật", một thẩm phán đã nhiều năm xét xử những vụ tống tiền, nhận xét. Nhưng thuật ngữ trên trong thực tế lại hoàn toàn thích hợp để mô tả tình trạng của những người bị cưỡng bức phải hành động theo những cách làm tổn hại đến sự tự chủ hay toàn vẹn tính dục của họ.

Thuật ngữ "tống tiền bằng tình dục" gợi nhớ lại vụ việc gây xôn xao dư luận vào năm 2010, khi Barrio 18,  một trong hai băng đảng hung hãn nhất ở El Salvador, đã bắt một gia đình sống trong lãnh thổ do băng đảng này kiểm soát phải giao nộp cô con gái để phục vụ nhu cầu của những tên trùm băng đảng đang bị giam trong tù.

Sự việc này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Khi sự việc bị phanh phui, phản ứng dữ dội của công luận đã khiến Carlos Menocal, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó đã phải ra lệnh cấm những cuộc viếng thăm tù nhân của các trẻ vị thành niên.

Theo kiến nghị của Cristosal, trường hợp của Maria hay những người phụ nữ khác bị cưỡng bức bằng vũ lực, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng để ép buộc  tham gia vào các hoạt động tội phạm phải được xem xét như tội trạng bắt người nô lệ hay buôn bán người chứ không thể coi như là một vụ bắt cóc và xâm hại tình dục thông thường. "Tống tiền bằng tình dục" đã để lại những tổn thương nghiêm trọng ở những người phụ nữ và cần phải được trừng phạt thích đáng để bảo vệ cho sự nghiêm minh của pháp luật.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.