"Osin" người Indonesia tố cáo sự hành hạ dã man ở Hongkong:

Top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới

Thứ Ba, 20/05/2014, 10:30

Tạp chí Time ( Mỹ) vừa chọn một người giúp việc Indonesia bị chủ lao động ở Hong Kong hành hạ là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, hướng sự chú ý của công chúng đến cách đối xử với lao động di cư ở Hong Kong.

Con người dũng cảm dám chống trả

Năm 2013, như hàng trăm nghìn lao động di cư khác, Erwiana Sulistyaningsih tới một nước khác (Hongkong, Trung Quốc) với hy vọng có một ngày mai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau, cô gái trẻ trở về Indonesia trong tình trạng nguy kịch, không thể bước đi, khắp người là các vết bỏng, thâm tím, vết thương lở loét và có vấn đề về thị lực.

Erwiana cho biết, cô đã bị chủ lao động tên là Law Wan-tung - một bà mẹ 2 con, 44 tuổi, hành hạ nhiều tháng liên tiếp. Bà ta còn dọa cả gia đình cô sẽ bị giết nếu không làm việc. Erwiana nói, cô bị đánh đập hằng ngày, phải ngủ trên sàn nhà và phải làm việc 21 tiếng một ngày, kín tuần, phải dọn dẹp nhà cửa theo một trình tự đặc biệt. Theo đó, nếu Erwiana dọn toilet trước khi quét dọn phòng ngủ, cô sẽ bị đánh. Mỗi ngày, Erwiana chỉ được ăn một bát cơm và bị đánh thường xuyên chẳng vì lý do rõ ràng nào.

Trong những tuần làm việc cuối cùng, máu chảy tràn từ các vết thương của cô nhiều tới mức, bà Law nói, nó làm bẩn thảm trải nhà. Và, thay vì đưa Erwiana tới bệnh viện, người chủ 44 tuổi này quấn vết thương của cô giúp việc bằng băng và túi nhựa, song máu vẫn thấm ra ngoài. Cuối cùng, khi các vết thương của Erwiana nghiêm trọng tới mức cô không làm được việc, bà Law mới mua vé máy bay và đưa Erwiana tới sân bay về nhà.

Sau khi bị hành hạ gần 8 tháng liền, khi về nước, không những không được trả lương, cô gái trẻ chỉ có 9 USD trong túi.

Tuy nhiên, Erwiana không sợ hãi, cũng không giữ im lặng. Cô đã lên tiếng chống lại người phụ nữ trên và Law Wan-tung đã bị buộc tội gây tổn hại trầm trọng tới thân thể của Erwiana.

Sulistyaningsih (ngồi xe lăn) được Time tôn vinh.

Các công tố viên cáo buộc, Law đã dùng các đồ vật trong nhà như giẻ lau sàn, thước kẻ và móc treo quần áo làm vũ khí đánh Sulistyaningsih. Law còn bị buộc tội tấn công thường xuyên và 4 tội khác về hăm dọa, những tội liên quan tới Sulistyaningsih hoặc hai người giúp việc Indonesia trước cô.

Tại một cuộc họp báo sau khi được chữa trị các vết thương nghiêm trọng, cô gái này nói: "Tôi hy vọng trường hợp của tôi sẽ là cuối cùng. Tôi không muốn có nhiều người khác có kết cục giống tôi. Thật xót thương cho thân phận những con người như chúng tôi".

Vụ Erwiana bị hành hạ đã làm bùng phát các cuộc biểu tình giận dữ của những người giúp việc tại Hongkong và khiến Tổng thống Indonesia phải gọi điện cho Erwiana để bày tỏ sự buồn phiền về thảm kịch mà cô gái này phải trải qua.

Thế giới yêu cầu Hongkong chấm dứt nạn bạo hành "Ô-sin"

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, bản kiến nghị trên đã thu hút được 103.307 chữ kí trên toàn thế giới. Nó thúc giục chính quyền Hongkong nên ngăn chặn ngay lập tức tình trạng bạo hành người giúp việc nước ngoài.

Mới đây, bản kiến nghị, đã thu thập 103.307 chữ kí từ 160 quốc gia trên thế giới, đã được gửi tới chính quyền Hongkong. Trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp người giúp việc nước ngoài bị chủ nhà tra tấn dã man. Bản kiến nghị này bắt nguồn từ khi vụ việc chị Erwiana Sulistyaningsih, bị bạo hành dã man. Sự việc gây chấn động dư luận không chỉ ở Hongkong mà còn trên khắp thế giới.

Ngoài việc thu thập chữ kí trên mạng, Liên đoàn Người giúp việc quốc tế,  Tổ chức Ân xá quốc tế, Liên đoàn Lao động còn phát động phong trào lấy chữ kí trên đường phố, kêu gọi chấm dứt hình thức nô lệ hiện đại này. Bản kiến nghị đề xuất nhiều quy định hạn chế rủi ro và bảo vệ người giúp việc hơn. Theo đó, nó thúc giục các chính phủ thiết lập một cơ quan chịu trách nhiệm thu phí tuyển dụng từ người lao động trước khi chuyển cho các công ty tuyển dụng nhằm ngăn chặn việc lạm thu phí đối với người lao động.

Vicky Kanyoka, điều phối viên của Liên đoàn Người giúp việc quốc tế ở khu vực châu Phi, cho biết, người giúp việc ở châu Phi cũng đang phải đối mặt với tình trạng bạo hành tương tự như phải làm việc quá sức, không có ngày nghỉ và thậm chí không được trả lương. Còn theo Sonia Rani, một đại diện của Sewa Bharat, tổ chức bảo vệ quyền của người lao động nữ ở Ấn Độ, cảnh báo một số phụ nữ còn bị chủ nhà hãm hiếp. Bà nói: "Họ không có cảm giác an toàn. Họ phải đối mặt với rất nhiều hành vi lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần. Họ không có ngày nghỉ và không được nghỉ ngơi. Một số còn không được trả lương".

Số người giúp việc nước ngoài chiếm khoảng 3% dân số Hongkong. Năm 2013, Hongkong có khoảng 320.000 người giúp việc nước ngoài, trong đó có 50% đến từ Philippines, 47% đến từ Indonesia, và 3% còn lại đến từ các nước như Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka

Trường Minh (tổng hợp)
.
.
.