"Trảm" tướng FBI, ngay và luôn

Chủ Nhật, 28/05/2017, 16:18
Ông Tổng Trump vừa quyết một chuyện ngỡ ngàng làm cả làng sửng sốt: trảm tướng FBI - Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey. Quyết định sa thải nhân sự cao cấp này rất hiếm khi xảy ra, vì chẳng khác nào tự chặt chân tay mình.


FBI được coi là cơ quan tình báo đối nội, chuyên săm soi dò ngửi các động thái để bảo vệ chế độ trước các nguy cơ phản tặc, náo loạn… nên các ông tổng Mỹ xưa nay, có giận lắm cũng thường mần thinh trước FBI.

Tổng Trump đã không ưa gã Comey lâu rồi, ghi vào sổ đen nhiều tội, nay đến hồi đổ ra ồng ộc, quyết cho Giám đốc FBI “lên đường” theo cách của riêng mình. Chuyện ngỡ ngàng này thêm một lần cho cả làng thấy Tổng Trump cũng “chẳng phải vừa đâu”.

Bí mật bất ngờ, ngay và luôn

Đang họp với nhân viên tại Los Angeles, bang California hôm 8-5 trong chuyến công tác sang bờ Tây nước Mỹ, ông Comey bất ngờ nhận được tin bị bãi nhiệm… qua tivi. Cả làng biết ông Comey mới biết, dù tại thủ đô ông cũng là một trong số ít người được thì thọt ra vào Nhà Trắng, gặp Tổng thống thường xuyên.

Cái cách của Tổng Trump vẫn thế, bí mật bất ngờ, thải là thải, không cần biết ai là ai, thủ tục thế nào. Và một khi đã quyết, có hiệu lực tức thì, không phải chờ thêm thông tư hướng dẫn.

Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein rón rén bày tỏ quan ngại về cách làm này không đúng quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, Tổng Trump thủng thẳng bảo nếu cần gì, bên Tư pháp cứ việc thực thi quy trình, làm văn bản cho nhanh, theo tinh thần Tổng thống đã quyết.

Và quyết định sa thải bằng văn bản được gửi ngay đến trụ sở FBI ở Washington DC, trong khi ông chủ nhà còn đang vi vu công cán chốn xa xăm, nghe mà vẫn tưởng mơ, tưởng tin vịt, một trò đùa khiếm nhã…

Ngay và luôn, sa thải. Tỉnh mơ rồi, Comey lật đật bỏ hết việc đã lên kế hoạch từ trước, trở về thủ đô tức thời. Không phải để nghe giải thích hay giãi bày… chỉ để dọn đồ ra khỏi văn phòng cho nhanh.

Comey viết thư chia tay nhân viên, hiểu rõ thân phận: "Từ lâu tôi đã tin rằng Tổng thống có thể sa thải một giám đốc Cục Điều tra Liên bang vì bất kỳ lý do gì, hoặc không vì lý do gì cả".

"Ông ấy không làm tốt công việc, đơn giản là vậy", ông Tổng Trump giải thích ngắn gọn. Thư của Nhà Trắng cũng ngắn, phán ông "không còn đủ khả năng lãnh đạo FBI hiệu quả".

Chả cần nói nhiều, chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Tổng thống được quyền tuyển, sa thải bộ máy giúp việc cho mình theo chế độ thủ trưởng, tự chịu trách nhiệm, không phải hỏi ai, trừ những chức vụ do Quốc hội thông qua mới phải trình ngược lại khi sa thải.

Giữa California Comey nghe câu hò sa thải, vội bay về thủ đô. Đáp xuống, ông vội lên xe đen bịt bùng chạy luôn. Đám báo chí lăng xăng thuê máy bay rà theo, quay hình phát trực tiếp, truyền khắp mạng. Bao nhiêu người hồi hộp theo dõi trực tuyến như xem phim truy đuổi tội phạm nghiêm trọng…

Thay ngựa giữa dòng

Tổng Trump chơi bài kỹ, đã quyết là làm, đã làm là ngay, không cho trở tay. Xong, Comey rời ghế, biến khỏi chính trường. Tổng Trump trấn an dân chúng, hứa sẽ nhanh chóng tìm người “hay hơn nhiều” để làm tròn nhiệm vụ.

Nhưng tại sao phải “thay ngựa giữa dòng”? Chân quan trọng này bao đời nay hiếm khi thay. Thay ai thì thay, các triều rất ngại thay chân giám đốc FBI này, vì nó cũng giống một quan thiên lôi bảo vệ cửa công, ôm nhiều chuyện “củ tỷ âm ty” chốn công đường phủ chính.

"Tổng thống đã đánh mất niềm tin vào Giám đốc Comey và thực ra, ông ấy cân nhắc việc sa thải ông này từ ngày mới đắc cử", Hãng CNN xì ra như vậy.

Một trong những nguyên nhân chính, lại chính từ nguyên tắc ê kíp khi xây dựng chính quyền. Mỗi ông chủ Nhà Trắng khi mới lên cầm quyền đã chuẩn bị sẵn và mang bộ sậu của mình vào, thay gần hết người của “chế độ cũ”.

Thông thường, họ chỉ giữ một hai lãnh đạo vài bộ phận cũ, của đảng phái cũ, để ra điều công tâm. Diễn là chính, mị dân rằng thay chính quyền là hất đổ tất cả. Các trường hợp được “lưu dụng” này thường không lâu bền, kiểu gì rồi cũng đến lúc kiếm chuyện này chuyện nọ, gây hục hặc rồi sa thải…

Comey vào diện ấy. Ông này là người thuộc “chế độ cũ”, vì được cựu Tổng thống Obama chỉ định giữ chức giám đốc FBI nhiệm kỳ 2013- 2023. Đúng nhiệm kỳ thì 2023 mới thôi giữ chức. Nhưng nửa đường đứt gánh vì ông Trump lên. Dù vẫn được giữ lại, người cũ, người mới vẫn làm việc chung, nhưng vẫn e dè, âm thầm theo chặt, ghi cả công lẫn tội.

Om tội rồi vỡ òa

Cung cúc làm, cựu Giám đốc FBI từng không ít lần được Nhà Trắng coi là “lao động tiên tiến, xuất sắc”, có công được khen, nhưng tội cứ lẳng lặng ghi sổ để đó, đợi lúc vỡ òa, ở đâu liệt kê tuôn ra dài dằng dặc...

Chính thức thì Nhà Trắng cho rằng Comey hành động "hung bạo" khi điều tra vụ ứng viên tổng thống Hillary Clinton dùng email riêng xử việc công, vô tình làm lộ bí mật quốc gia. Lúc tranh cử, ông Trump từng khen ngợi Comey vì gửi thư tới Quốc hội, báo rằng FBI đang điều tra vấn đề này của bà Clinton.

“Đánh” đối thủ là có lợi cho ông Trump nên ông khen. Nhưng chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử, ông Comey lại vô tư tuyên bố FBI không tìm thấy các bằng chứng mới để truy tố bà Clinton. “Tha” cho đối thủ thế, Comey bị Trump ghét, để bụng chờ thời cơ trị lại.

Chuyện lằng nhằng này làm bà Clinton mất cơ hội trúng cử tổng thống. Tuy đạt được mục tiêu, nhưng cái cách lúc nhấn lúc nhá, không quyết liệt đánh dập đầu ngay làm ông Trump không khoái lại nghi ngờ. Tại sao chỉ vạch ra rồi để đấy, không làm gì cả? Tại sao bảo điều tra rồi lại dập dờn, không điều tra tới nơi tới chốn, “làm mất lòng đảng Cộng hòa, tổn hại danh tiếng FBI, mất mặt chính quyền”  …

Đã cho lưu dụng rồi lại làm chủ mới thất vọng tràn trề. Phe ông Trump cáo buộc phe Obama nghe lén điện thoại của Trump lúc tranh cử. Comey có trách nhiệm điều tra, nhưng cứ vô tư không chiều ý chủ mới, thản nhiên tuyên bố các cáo buộc này không có cơ sở, lại còn chứng minh Obama không thể ra lệnh nghe lén điện thoại của bất kỳ ai mà không được kiểm soát.

Chuyện quan hệ của Trump với Nga bị nghi ngờ, chỉ 2  tháng sau khi Trump nhậm chức, Comey thông báo FBI đang điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tìm mãi không có bằng chứng, nghi vấn bị đặt ngược lại rằng Comey đang "làm trò". Đích thân Tổng Trump viết trên Twitter tuần trước: "Câu chuyện này là tin giả và mọi người biết điều đó".

Chấn động như Watergate

"Từ sau vụ Watergate, hệ thống pháp lý của ta chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng đến thế và niềm tin của chúng ta đặt vào sự toàn vẹn và độc lập của hệ thống cũng chưa bao giờ bị chấn động đến thế", Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal bình luận.

Vụ sa thải Giám đốc FBI lần này vẫn còn vang âm ỷ và không chỉ trong nước Mỹ. Khi được phóng viên hỏi, Ngoại trưởng Nga Lavrov cố tình tỏ ra ngỡ ngàng như thể ông không hay biết tin này. "Ông ấy bị sa thải sao? Cô đang đùa à? Cô đang đùa phải không?" - ông Lavrov hỏi lại như mỉa mai.

Không ai tin một người lâu năm giữ một trụ cột của chế độ lại bị bất ngờ sa thải như vậy. Vụ này, thêm một lần Tổng Trump cho người đời thấy: Không có gì là không thể, không có ai không thể thay thế, phải nghiêm trị một ngýời nếu có tội, ðể cứu ðýợc nhiều thứ khác...

Cựu Tổng thống Mỹ Nixon.
Vài vụ sa thải giám đốc FBI

+ Sau bê bối Watergate (năm 1974), các tổng thống Mỹ hạn chế tối đa đưa ra những quyết định nhắm vào các giám đốc FBI, bất kể họ gây thất vọng như thế nào.

+ Tổng thống Bill Clinton sa thải Giám đốc FBI William S. Sessions năm 1993. Đó chỉ là vụ vi phạm đạo đức, không liên quan chuyên môn.

Louis J. Freeh, người kế nhiệm Sessions, lại giúp luật sư độc lập Kenneth W. Starr điều tra Clinton mà Tổng thống không dám sa thải vì lo ngại những hệ quả chính trị.

+ Tổng thống George W. Bush bị Giám đốc FBI Robert S. Mueller III đe dọa từ chức nếu một chương trình giám sát bí mật được coi là bất hợp pháp vẫn được duy trì. Bush lúc ấy đã phải nhượng bộ để tránh rắc rối.

Mỹ Hạnh
.
.
.