Trận chiến Huawei

Thứ Bảy, 22/12/2018, 11:40
Ngày 1-12, trong khi lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rôm rả bàn chuyện “đình chiến” thương mại trong bữa tối thượng đỉnh ở Buenos Aires, Argentina, thì tại Canada, một công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ theo yêu cầu của Washington.


Vụ bắt giữ được giới quan sát nhìn nhận như một “đòn hiểm” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra một cách bất ngờ nhằm buộc người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình phải nhìn nhận những yêu sách của Washington một cách nghiêm túc hơn. Vài ngày trước cuộc gặp ở Buenos Aires, Tổng thống Trump từng nói trên Wall Street Journal: “Trung Quốc phải mở cửa với Mỹ. Nếu không, tôi không thấy được khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào”.

Động thái dằn mặt

“Nạn nhân” trong cuộc chiến giữa 2 siêu cường lần này là một người phụ nữ xinh đẹp, quý phái, bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Ngoài chức vụ CFO, bà Mạnh còn chính là ái nữ của Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi. Bà Mạnh 

Vãn Châu, 46 tuổi, bị phía Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Cho đến nay, bà Mạnh đã được Tòa án Canada chấp thuận cho phép được bảo lãnh với 7,5 triệu USD, nhưng phải chịu sự giám sát của 2 nhân viên bảo vệ, một tài xế cùng thiết bị định vị GPS 24/24 đeo ở cổ chân.

Bà Mạnh Vãn Châu phải chịu sự giám sát của 2 nhân viên bảo vệ, một tài xế cùng thiết bị định vị GPS 24/24 đeo ở cổ chân

Đối với bà Mạnh, mục tiêu đơn giản của bà tại tòa án ở Canada tuần trước là được tại ngoại để ở cùng với gia đình. Nhưng bên ngoài các bức tường ngôi nhà của bà ở phía tây Vancouver, một cơn bão toàn cầu về vụ bắt giữ bà vẫn còn hoành hành. Vụ việc thu hút sự chú ý của thế giới không chỉ vì tầm quan trọng của các cá nhân liên quan mà còn vì những tác động quốc tế phức tạp. 

Vụ bắt giữ xảy ra cùng ngày có cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập về một thỏa thuận “ngừng bắn”, nên được cho là có ý nghĩa về mặt biểu tượng. Trong cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng giữa 2 nước, những bất đồng giữa 2 bên nổi lên xoay quanh chiến lược thúc đẩy ngành công nghệ của Trung Quốc, trong đó Huawei đóng vai trò hàng đầu.

Vụ bắt giữ làm dấy lên lo ngại thỏa thuận "ngừng bắn" mong manh có thể đổ vỡ, mặc dù các quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã hạ thấp việc bắt giữ và nói rằng Tổng thống Trump hoàn toàn không hay biết vụ việc khi ăn tối cùng ông Tập. 

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 9-12 cho biết vụ bắt giữ là một vấn đề tư pháp hình sự và hoàn toàn tách biệt với những cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ngay sau khi bà Mạnh được tại ngoại, Tổng thống Trump đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng ông sẽ can thiệp vào vụ việc với Bộ Tư pháp Mỹ nếu điều đó giúp đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Tại sao là Huawei?

Đối với Bắc Kinh, vụ bắt giữ như một lời nhắc nhở khó chịu về các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại ZTE vào tháng 4. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc đã bị cấm làm ăn với các nhà cung cấp Mỹ, chặn quyền truy cập vào chip và các thành phần quan trọng khác và đưa nó đến bờ vực phá sản. Tình hình đã được giải quyết vào tháng 7 sau một cuộc điện thoại trực tiếp giữa ông Tập và ông Trump - cộng với một khoản tiền phạt khổng lồ.

Hậu quả của lệnh cấm tương tự đối với Huawei có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, vì công ty là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Trung Quốc tính theo doanh thu (gấp 5 lần ZTE), và là nhà xuất khẩu lớn nhất ở đại lục. Năm 2017, Huawei đã báo cáo doanh thu toàn cầu gần 90 tỷ đô la với lợi nhuận ròng là 7 tỷ đô la. 

Ông Nhậm Chính Phi, với tài sản ròng trị giá 3,2 tỷ USD, là người giàu thứ 83 trên thế giới, theo các tài liệu được tiết lộ trước tòa. Huawei đã dẫn đầu thế giới về các ứng dụng bằng sáng chế quốc tế vào năm ngoái, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Samsung Electronics, gần đây đã vượt qua Apple. Đứng đầu toàn cầu trong các trạm không dây, trên cả Ericsson và Nokia.

Việc người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân là một mối quan tâm ở nhiều quốc gia. Ông Nhậm được cho là đã xử lý công nghệ truyền thông trong quân đội trước khi ra ngoài thành lập công ty vào năm 1987. 

Bà Mạnh Vãn Châu đã trở thành CFO của Huawei từ năm 2011. Bà là một nhân vật nổi tiếng, được xem là người kế thừa tương lai của ông Nhậm. Dù thuế quan là trọng tâm của cuộc chiến thương mại, một số quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh các lệnh cấm vận thương mại, như lệnh cấm mua lại các thiết bị, sẽ là một lựa chọn thậm chí hiệu quả hơn.

Huawei có một vai trò quan trọng trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025”, mà Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tìm cách loại bỏ khi hai nước tranh giành ưu thế công nghệ. Huawei là trung tâm cho những nỗ lực của Trung Quốc để thực hiện dịch vụ không dây thế hệ thứ năm (5G). 5G sẽ rất quan trọng đối với các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo và công nghệ xe tự lái, và Washington coi kế hoạch của Bắc Kinh về công nghệ là mối đe dọa, do các ứng dụng quân sự tiềm năng.

Một ủy ban cố vấn lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ đã cảnh báo vào tháng trước rằng nếu Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn không dây quốc tế, Bắc Kinh sẽ có thể thu thập dữ liệu của Mỹ dễ dàng hơn nhiều. Nếu để mặc cho Huawei tự tung tự tác, nó sẽ củng cố chiến lược quân sự của Trung Quốc và mở ra cánh cửa cho các cuộc tấn công mạng. Nhà Trắng và Đồi Capitol đã thực hiện các bước để ngăn chặn 5 công ty công nghệ cao của Trung Quốc cung cấp thiết bị liên lạc và camera giám sát cho các thực thể Chính phủ Mỹ.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng tài khóa 2019 siết chặt không chỉ Huawei và ZTE, mà cả các nhà bán sản phẩm giám sát của Trung Quốc như Hangzhou Hikvision Digital Technology, Dahua Technology và Hytera Communications. Đạo luật này cấm các thực thể Chính phủ Mỹ - chính phủ liên bang, quân đội, các tổ chức hành chính độc lập và các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ - mua sắm sản phẩm từ 5 công ty, bao gồm máy chủ, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh hoặc các sản phẩm có chứa các thành phần do các công ty này sản xuất, ngay cả khi các sản phẩm hoàn thành được sản xuất bởi công ty khác. Thiết bị liên lạc được sản xuất bởi các công ty khác ngoài 5 công ty trên nhưng thuộc sở hữu hoặc liên quan đến Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ bị cấm.

Phác họa bà Mạnh Vãn Châu tại Tòa án tối cao Canada

Washington sẽ có một bước thứ hai: Cấm các công ty toàn cầu làm ăn với các cơ quan Chính phủ Mỹ nếu họ sử dụng sản phẩm của 5 công ty trong văn phòng của họ. Chính sách này sẽ bắt đầu vào ngày 13-8-2020 và áp dụng bất kể sản phẩm và dịch vụ có được liên kết với thiết bị hay không. 

Biện pháp thứ hai có ý nghĩa lớn hơn đối với các công ty, do sự phổ biến của thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất tại các cơ quan Chính phủ Mỹ và các đối tác kinh doanh của họ trên khắp thế giới. Nếu các công ty sử dụng thiết bị của 5 nhà sản xuất muốn tiếp tục giao dịch với Mỹ, họ sẽ phải ngừng sử dụng chúng hoàn toàn và báo cáo cho Washington.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện nay có một số nét tương đồng với quan hệ Nhật-Mỹ trong những năm 1980. Khi đó, Nhật Bản đang vươn lên mạnh mẽ và có khả năng vượt qua vị trí siêu cường của Mỹ. Khi đó, tương tự chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc hiện nay, Nhật Bản cũng đưa ra công nghệ TRON, nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Đến đầu những năm 1990, TRON trở nên rất phổ biến tại đất nước Mặt trời mọc.

Dĩ nhiên, Mỹ không ngồi nhìn Nhật vươn lên. Tổng thống Ronald Reagan đã đứng trước sức ép đáp trả các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ bằng biện pháp thuế quan, mà Nhật Bản là mục tiêu hàng đầu. Dưới sức ép liên tục của Nhật Bản, Tokyo đi đến quyết định lịch sử trong động thái nhượng bộ lớn, bao gồm việc ký kết Thỏa ước Plaza 1985, đồng ý để đồng yen tăng giá so với USD. Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc xuất khẩu đối mặt với thiệt hại nặng nề, buộc nước này cắt giảm lãi suất thị trường, tạo ra bong bóng tài sản mà khi vỡ, đẩy Nhật Bản từ vị trí thống trị thị trường toàn cầu mạnh mẽ vào vòng xoáy khó khăn của những thập niên mất mát.

Không muốn lâm vào vết xe đổ của Nhật, Trung Quốc dường như đang cố nhẫn nhịn hơn với Mỹ. Mới đây nhất, Bắc Kinh cho biết sẽ “viết lại” chiến lược “Made in China 2025”, trì hoãn việc thực hiện chiến lược khoảng một thập kỷ, cho tới năm 2035; đồng thời mở cửa cho các công ty nước ngoài tiếp cận mạnh mẽ hơn vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói trước được điều gì một khi cuộc đình chiến 90 ngày chưa kết thúc, và bà Mạnh Vãn Châu vẫn còn bị mắc kẹt giữa cuộc chiến của 2 siêu cường.

Bàng Cương
.
.
.