Tranh cãi về bản danh sách đen những nước có nguy cơ cao về rửa tiền

Thứ Bảy, 30/05/2020, 15:50
Đầu tháng 5-2020, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố danh sách các quốc gia đã thất bại trong cuộc đấu tranh với các nguy cơ về rửa tiền và tài trợ khủng bố, bao gồm Bahamas, Barbados, Jamaica, Trinidad và Tobago. Panama là quốc gia Nam Mỹ duy nhất có tên trong bản danh sách này.


Danh sách này được thiết lập dựa trên các báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), cơ quan đóng vai trò chính trong việc thiết lập các tiêu chuẩn trong lĩnh vực này.

Báo cáo về tình trạng rửa tiền trên thế giới của EU công bố hàng năm luôn dựa vào những kết quả theo dõi của FATF nhưng vì FATF không phải là cơ quan có quyền áp đặt các yêu cầu đối với các quốc gia, báo cáo này của EU sẽ đồng thời là phương tiện ràng buộc trách nhiệm của các nước liên quan. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo những nước này đã lên tiếng phản đối về một sự áp đặt bất công.

Hàng năm, Liên minh châu Âu sẽ công bố một danh sách đen các nước có nguy cơ cao về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Những hậu quả nghiêm trọng khi nằm trong bản danh sách đen

Hậu quả phải gánh chịu đối với những nước nằm trong danh sách đen này là khá nghiêm trọng. Các doanh nghiệp của những quốc gia này sẽ bị cấm nhận những khoản tài trợ mới của châu Âu, Ngân hàng châu Âu và các tổ chức tài chính khác phải thực hiện những biện pháp kiểm soát gắt gao, những điều tra chuyên sâu hơn với các giao dịch tài chính có liên quan đến những quốc gia nằm trong danh sách này.

Ngay lập tức, các nước có tên trong bản danh sách đen này lên tiếng phản đối, họ cáo buộc rằng EU đã đưa ra những quyết định độc đoán, nhắm mắt làm ngơ trước những tiến bộ mà đất nước của họ đã đạt được. Các nước này cũng nhấn mạnh rằng, trước khi công bố bản danh sách đen, EU đã không hề đưa ra bất cứ lời cảnh báo nào đối với họ.

Bahamas, Barbados, Jamaica, Trinidad và Tobago, 4 nước vùng Vịnh Caribe đã nằm trong "danh sách đen" công bố tháng 5-2020 của EU về nạn rửa tiền.

Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi mà bản báo cáo thường niên về nạn rửa tiền 2020 của châu Âu lại dựa trên một phương pháp đánh giá mới với rất nhiều thay đổi, vì thế các quốc gia trong danh sách đen không có những tiêu chuẩn tương thích để chứng minh cho những tiến bộ mà mình đã đạt được để có thể thoát ra khỏi bản danh sách đen này.

Trường hợp Bahamas

Bahamas có phần đúng khi tuyên bố rằng nước này đã bị liệt vào danh sách đen một cách bất công. Vào tháng 2-2020, chính FATF đã xác nhận rằng nước này đã hoàn thành một kế hoạch hành động để bịt các lỗ hổng trong các hoạt động rửa tiền. FATF cũng đã dự kiến tiến hành một cuộc khảo sát tại chỗ để đưa đến một kết luận có khả năng đưa Bahamas ra khỏi danh sách cảnh báo của FATF và sau đó sẽ là của EU. Tiếc rằng kế hoạch này đã bị ngưng lại bởi lệnh cấm đi lại trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch của FATF, Bahamas sẽ được đánh giá lại dựa trên những cải tiến cụ thể đã áp dụng, bao gồm việc tăng cường hệ thống giám sát tài chính chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, các thủ tục giám sát dựa trên rủi ro đã đưa ra, việc chia sẻ thông tin minh bạch với các đối tác quốc tế và các cơ quan thực thi pháp luật, việc thu thập và xác minh những thông tin về tài sản, việc cam kết mạnh mẽ sẽ theo đuổi và giải quyết các vụ việc về rửa tiền, kể cả những vụ việc phức tạp liên quan đến các tài sản có nguồn gốc nhập từ nước ngoài.

Đã từ lâu, các nước vùng vịnh Caribe được mệnh danh là các "thiên đường trốn thuế".

Vào tháng 9-2019, Carl Bethel - Tổng chưởng lý của Bahamas đã tuyên bố rằng đất nước ông đã có những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống rửa tiền, trong bốn năm đã tiến hành xét xử 40 vụ án về tội rửa tiền và luôn thể hiện sẵn sàng "tiến hành điều tra và truy tố tất cả các loại hình rửa tiền".

Về phần mình, EU cho biết trong khi chờ đợi đánh giá cuối cùng của FATF, hiện tại họ không có đủ thông tin để xác nhận rằng "những thiếu sót trầm trọng mang tính hệ thống của Bahamas đã được giải quyết một cách hiệu quả".

Lời giải thích này rõ ràng là không thỏa đáng với Bethel, người đã công kích mạnh mẽ EU khi cho rằng "đây là một hành động thù nghịch của một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới", ông cũng bác bỏ luận điểm rằng EU luôn theo sát các khuyến nghị của FATF, bằng chứng là Trinidad và Tobago đã được đưa ra khỏi bản danh sách giám sát tội phạm tài chính của FATF từ tháng 2-2020 nhưng hiện vẫn bị EU xếp vào danh sách đen.

Trường hợp Barbados

Bản danh sách đen đã chỉ rõ năm lĩnh vực cụ thể Barbados cần phải cải thiện. Vấn đề đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất đó là thiếu sự "giám sát dựa trên rủi ro" đối với các lĩnh vực và doanh nghiệp "nhạy cảm" có thể được sử dụng để tiến hành rửa tiền, bao gồm ngân hàng, sòng bạc, môi giới bất động sản và đại lý kim loại quý.

Một số ý kiến khác thì nhấn mạnh đến các vấn nạn chung của hệ thống giám sát lĩnh vực chống rửa tiền hiện nay của Barbados: thiếu hiểu biết về tài sản các công ty có trụ sở tại đây, hoạt động kém hiệu quả trong các vụ truy tố và tịch thu tài sản đối với các trường hợp rửa tiền. Dẫu rằng Barbados có một đơn vị tình báo tài chính (FIU), nhưng đất nước này vẫn còn có rất nhiều khoảng trống cần lấp đầy, bao gồm việc cải thiện nhiều hơn "chất lượng thông tin tài chính để hỗ trợ tốt hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật".

Vào tháng 1-2020, Donville Inniss, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Barbados, đã bị kết án về tội rửa tiền ở New York sau khi Inniss đã cố gắng tìm cách "rửa sạch" món tiền hối lộ mà ông ta nhận được từ một công ty bảo hiểm ở Mỹ.

Barbados bày tỏ sự bất mãn về cách hành xử đơn phương và độc đoán của EU. Luật sư Dale Marshall đại diện cho Barbados đã lên án hành động này của EU, xem rằng bản danh sách đen của EU chỉ đơn thuần là một lời kết tội không thông qua xét xử. "Trước đó, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về nó và trên thực tế, lần đầu tiên chúng tôi nghe về bản danh sách này là từ báo chí nước ngoài", ông nói.

Nếu khẳng định này là đúng, nó ngược lại hoàn toàn với tuyên bố của Ủy ban châu Âu rằng họ đã "thông báo trước cho các nước liên quan về dự kiến đưa họ vào danh sách và đã cung cấp đầy đủ (cho họ) kết quả phân tích".

Trường hợp Jamaica

Bản thân chính quyền cũng thừa nhận rằng rửa tiền là một vấn đề nghiêm trọng ở Jamaica. Tháng 9-2019, Bộ An ninh Quốc gia Jamaica ước tính rằng hoạt động rửa tiền chiếm khoảng 2,8% GDP quốc gia và mô tả đây "rõ ràng là mối nguy hiểm hiện hữu đối với đất nước". Bộ trưởng Bộ Tài chính và Dịch vụ Dân sự Jamaica Nigel Clarke nói rằng, mặc dù đất nước đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng "vẫn còn rất nhiều việc phải làm".

Việc thiếu hụt thông tin dường như là nguyên nhân gây ra những thiếu sót khác nhau của Jamaica. Nếu có đầy đủ thông tin Jamaica có thể tăng cường các điều tra về những hoạt động rửa tiền bằng việc sử dụng thông tin tài chính để lấp đầy các lỗ hổng hiện tại trong các quy định về rửa tiền và sở hữu tài sản.

Jamaica cũng được yêu cầu phải tăng cường các rào cản đối với việc tài trợ cho khủng bố, bao gồm cả việc tài trợ thông qua các tổ chức phi lợi nhuận. Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất nằm trong danh sách các nước bị cảnh cáo về vấn đề này.

Trường hợp Trinidad và Tobago

Tháng 2-2020, FATF đã chúc mừng Trinidad và Tobago vì những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết những khiếm khuyết trong chiến lược chống rửa tiền của họ và đã chính thức loại bỏ quốc gia này khỏi danh sách giám sát.

Tuy nhiên, quốc đảo này vẫn còn nằm trong danh sách đen của EU, bởi khối này cho biết những thông tin hiện có "không cho phép EU kết luận liệu Trinidad và Tobago đã khắc phục được những thiếu sót của mình trong giai đoạn này hay chưa", đặc biệt là về vấn đề có liên quan đến các "quyền sở hữu có lợi" trong các thỏa thuận pháp lý.

"Quyền sở hữu có lợi" là khi chủ sở hữu của một tài sản có thể "vô hiệu hóa" sự kiểm soát đối với tài sản và tiền bạc của anh ta bằng cách đầu tư vào các định chế tài chính như quỹ ủy thác, tài khoản nước ngoài và các công ty, những khoản đầu tư dưới danh nghĩa của luật sư hay kế toán viên. Do đó, ưu tiên hàng đầu của EU và FATF là việc đòi hỏi các quốc gia thu thập thông tin về chủ sở hữu thực tế và hợp pháp của tất cả các tài sản và các công ty.

Cho đến tận năm 2019, Trinidad và Tobago vẫn chưa yêu cầu các công ty thu thập, lưu trữ và nộp báo cáo thông tin quan trọng này. Tuy nhiên, một điều chỉnh mới đây của luật doanh nghiệp đầu năm 2020 đã giúp lấp đầy khoảng trống này trong khuôn khổ pháp lý của đất nước này.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.