Tranh cãi về cuộc chiến chống tham nhũng tại Arab Saudi

Chủ Nhật, 21/01/2018, 15:25
Việc khách sạn 5 sao Ritz Carlton thông báo mở cửa đón khách trở lại (rẻ nhất là 650 USD/đêm) sau khi nơi đây không còn được dùng làm nhà tù giam những nghi can tham nhũng diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán và tranh cãi xung quanh cuộc chiến chống tham nhũng của Thái tử Mohammad bin Salman, nên càng thu hút sự quan tâm của dư luận.


Và nhất là khi trang web Al-Araby Al-Jadeednews dẫn nhiều nguồn tin cho biết, Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người giàu nhất Trung Đông đã bị chuyển tới nhà tù khét tiếng Al Ha'ir, sau khi từ chối chi 6 tỷ USD để được phóng thích sau cáo buộc hối lộ, tham nhũng và rửa tiền. Al-Ha'ir là nhà tù có an ninh nghiêm ngặt nhất Arab Saudi, nằm ở phía Nam Thủ đô Riyadh.

Tuy là cháu của Quốc vương Arab Saudi, từng được mệnh danh là "Warren Buffett của Arab", có số tài sản hơn 17 tỉ USD và được xếp thứ 64 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, nhưng Hoàng tử Alwaleed bin Talal vẫn bị bắt (tháng 11-2017) trong chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ, do Thái tử Mohammad bin Salman lãnh đạo.

Tỷ phú Alwaleed bin Talal (trái).

Theo giới truyền thông, Hoàng tử Alwaleed bin Talal bị bắt cùng hơn 200 quan chức cấp cao và doanh nhân trong chiến dịch chống tham nhũng và ông sẽ được phóng thích nếu chấp thuận chi 6 tỷ USD. Có tin nói rằng, Hoàng tử Alwaleed bin Talal đã bị "treo ngược và đánh đập" vì từ chối "đổi tiền lấy tự do".

Thông tin này xuất hiện sau khi có tin nói rằng, 11 hoàng tử và hoàng thân đã bị bắt sau khi họ tụ tập tại Qasr a-Hokm, một cung điện hoàng gia ở thủ đô Riyadh để biểu tình phản đối các biện pháp khắc khổ như ngừng thanh toán hóa đơn điện và nước cho các thành viên hoàng gia và đề nghị bồi thường cho bản án tử hình đối với một người thân.

Theo giới truyền thông, sau khi được Quốc vương Salman bin Abdulaziz bổ nhiệm làm Thái tử ngày 21-6-2017, ông Mohammed bin Salman bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc. Theo hãng Reuters, cùng với việc bắt hơn 200 người kể trên, khối tài sản lên đến 800 tỷ USD của họ cũng bị phong tỏa.

Và chiến dịch truy bắt tham nhũng ở Arab Saudi sắp kết thúc - việc chuyển những người bị giam giữ ở khách sạn 5 sao Ritz Carlton tới các nhà tù là tín hiệu cho nhận định kể trên. Reuters cho biết, đa số nghi can bị bắt với cáo buộc tham nhũng có thể sẽ chấp nhận giải pháp đóng tiền để tại ngoại và chỉ một số ít bị truy tố.

Có tin nói rằng, Chính phủ Arab Saudi có kế hoạch thu 100 tỉ USD từ những người bị bắt - dùng 70% số tài sản để đổi lấy tự do. Bộ trưởng Tư pháp tuyên bố, 100 tỉ USD đã bị lạm dụng vì tham nhũng và biển thủ trong nhiều thập niên.

Ngoại trưởng Adel al-Jubeir xác nhận, có 208 người bị bắt, và khoảng 100 tỉ USD bị đánh cắp khỏi ngân khố nếu được hoàn trả, các nghi phạm sẽ được phóng thích. Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Adel Fakeih và Hoàng thân Turki bin Abdullah, thành viên của Nhà Saud cũng nằm trong số những người bị bắt.

Hoàng tử Mutaib bin Abdullah, họ hàng với Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời là người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng bị bắt và được thả hồi tháng 12-2017 sau khi chấp thuận chi 1 tỷ USD.

Hai con trai của cố Quốc vương Abdullah là Meshaal bin Abdullah và Faisal bin Abdullah được rời khỏi khách sạn 5 sao Ritz Carlton hôm 28-12-2017, sau khi đạt thỏa thuận tài chính với chính phủ. Trước đó, tờ Okaz cho biết, hơn 20 người đã được trả tự do sau khi đạt được thỏa thuận tương tự.

Theo giới truyền thông, trong số những người bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng có lãnh đạo của Saudi Binladin Group, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất Arab Saudi. Chủ tịch tập đoàn Bakr bin Laden (là anh cùng cha khác mẹ với trùm khủng bố bị tiêu diệt Osama bin Laden) và nhiều thành viên trong gia đình bị bắt trong chiến dịch kể trên. Tờ The Guardian dẫn một nguồn tin trong Chính phủ cho biết, hầu hết những người bị bắt đã đồng ý đổi tài sản lấy tự do.

Chiến dịch chống tham nhũng và các vụ bắt giữ được coi chưa từng có tiền lệ tại Arab Saudi bởi động chạm tới nhiều nhân vật sở hữu "kim bài miễn tử". Nhưng trong khi đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, Thái tử Mohammed bin Salman lại bị giới truyền thông cáo buộc sở hữu bức chân dung Chúa Jesus có tên "Salvator Mundi" của danh họa Leonardo da Vinci, sau khi chi tới 450,3 triệu USD trong cuộc đấu giá ở New York, Mỹ.

 Và là chủ nhân của tòa lâu đài có tên Chateau Louis XIV, trị giá 300 triệu USD gần cung điện Versailles ở vùng Louveciennes, Pháp. Thương vụ mua Chateau Louis XIV diễn ra từ năm 2015, nhưng tờ New York Times mới tiết lộ chủ nhân thực sự của tòa lâu đài là Thái tử Mohammed bin Salman.

Mạnh Phong
.
.
.