Tranh cãi về lệnh cấm hàng không

Thứ Tư, 29/03/2017, 17:31
Bộ Ngoại giao Tunisia vừa triệu Đại sứ Anh tại nước này để phản đối lệnh cấm mang thiết bị điện tử lên máy bay từ Tunisia đến "xứ sở sương mù".


Bởi trước đó Anh thông báo lệnh cấm (có hiệu lực từ ngày 25-3) hành khách bay từ Tunisia (và 5 nước khác là Ai Cập, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ) đến nước này mang điện thoại, laptop, máy tính bảng... lên máy bay - phải ký gửi mới được mang theo. Trước Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ từng phản đối lệnh cấm mang thiết bị điện tử lên máy bay của Anh và Mỹ. B

ởi trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi thư yêu cầu Chính quyền Mỹ rút lại danh sách cấm, chỉ một ngày sau khi Washington đưa ra lệnh cấm đối với 10 sân bay ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Kuwait, Ai Cập, Qatar, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Maroc.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, ông Serdar Kilic coi hành động của Mỹ và Anh là không thể chấp nhận và không thực tế. Lệnh cấm của Anh được ban hành sau khi Mỹ đưa ra lệnh cấm (Tunisia không nằm trong danh sách cấm của Mỹ) tương tự đối với các máy bay chở khách đến Mỹ từ 10 sân bay lớn ở 8 nước Trung Đông và Bắc Phi để đề phòng các mối đe doạ an ninh.

Tờ The Globe and Mail dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Canada, ông Marc Garneau cho biết, chính quyền đang đánh giá thông tin tình báo do Mỹ gửi để quyết định có ban hành lệnh cấm tương tự. Mỹ và Anh đưa ra lệnh cấm kể trên sau khi nhận được một số báo cáo về mối đe dọa khủng bố mới liên quan đến các thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động.

Theo hãng CNN, tình báo Mỹ đã nhận được thông tin cho thấy, một chi nhánh của Al-Qaeda đang sử dụng kỹ thuật giấu vật liệu nổ bên trong ổ đựng pin của các thiết bị điện tử.

Giới chức Bộ An ninh nội địa Mỹ khẳng định, lệnh cấm không nhằm hạn chế nhập cảnh hay gây khó cho bất cứ quốc gia nào, chỉ dựa trên kết quả tình báo để đưa ra danh sách những sân bay cần siết chặt công tác an ninh. Bởi chỉ cấm đưa các thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động vào khoang hành khách, trong đó có máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử, máy ảnh và chỉ cho phép mang theo các thiết bị này trong hành lý ký gửi.

Hành khách chờ kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ.

Tuy nhiên, lệnh cấm thiết bị điện tử cỡ lớn trên các chuyến bay xuất phát từ 8 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi tới Mỹ đã dấy lên những tranh cãi khác nhau. Giới chuyên môn cho rằng, các đối tượng khủng bố hoàn toàn có thể chuyển sang các sân bay khác, nếu chúng muốn tấn công mục tiêu ở Anh và Mỹ. Bởi thực tế chứng minh rằng, những kẻ khủng bố không phải lúc nào cũng đến từ Trung Đông hay Bắc Phi, mà có thể là công dân châu Âu hoặc châu Mỹ. 

Những hành khách bay thường xuyên tỏ ra khá bức xúc với lệnh cấm này - lo ngại khi không thể mang theo những thiết bị điện tử đắt tiền, khi tình trạng thất lạc đồ đạc thường xuyên xảy ra tại các sân bay. Lệnh cấm kể trên cũng sẽ khiến nhiều hãng hàng không bị mất khách vào tay các đối thủ.

Với lệnh cấm kể trên, các hành khách đến từ các quốc gia bị giới hạn hoặc phải từ bỏ thói quen sử dụng máy tính, máy tính bảng trên các chuyến bay dài tới Mỹ hoặc từ bỏ các hãng hàng không và sân bay quen thuộc.

Chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey Price thuộc Đại học Quốc gia Metropolitan (Mỹ) nhận định, việc buộc ký gửi thiết bị điện tử sẽ gây ra nhiều rắc rối và chi phí phát sinh liên quan đến kiểm tra an ninh cũng như cân nặng của hành lý.

Tuy là 1 trong những hãng có đường bay chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm kể trên, nhưng hãng hàng không Emirates Airline của Dubai đã áp dụng chính sách để hành khách vẫn tiếp tục được dùng các thiết bị điện tử lớn trước giờ lên máy bay. Và dịch vụ hoàn toàn miễn phí này cho phép hành khách giao lại máy tính bảng hay laptop của mình tại cửa lên máy bay và chúng được cất vào hộp trong khoang hành lý và trả lại sau khi hạ cánh.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã yêu cầu các nhà quản lý cân nhắc về các biện pháp an ninh và an toàn bay sau khi Mỹ và Anh bắt buộc các thiết bị điện tử cỡ lớn phải để ở khoang hành lý. ICAO nhấn mạnh tới sự cần thiết duy trì cân bằng giữa những rủi ro an ninh với các mối quan ngại về an toàn kỹ thuật bay.

Nhiều ý kiến cho rằng, lệnh cấm có thể giải tỏa những lo lắng về vấn đề an ninh, nhưng lại tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến kỹ thuật, do các loại hàng hóa chứa lithium rất dễ bắt lửa và gây cháy nổ. Tình hình sẽ khó kiểm soát và trở nên vô cùng nguy hiểm khi cháy nổ xảy ra trong khoang hành lý ký gửi.n

Tuệ Sỹ
.
.
.