Tranh cãi về lệnh truy nã cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa

Thứ Ba, 25/09/2018, 15:47
Ông Rafael Correa bị cơ quan công tố Ecuador cáo buộc chủ mưu vụ bắt cóc cựu nghị sỹ Fernando Balda tại thủ đô Bogota của Colombia năm 2012, mặc dù việc này đã bị cảnh sát Colombia can thiệp và chặn đứng.


Mặc dù ông Christophe Marchand, luật sư của cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố, Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) đã đình chỉ lệnh bắt giữ thân chủ của mình, nhưng Bồi thẩm đoàn thuộc Ủy ban Kiểm soát hồ sơ của Interpol vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. 

Trong tuyên bố đưa ra hôm 19-9, ông Christophe Marchand cho biết, Interpol quyết định đình chỉ lệnh bắt cựu Tổng thống Rafael Correa vì nhận thấy yêu cầu của cơ quan chức năng Ecuador đưa ra trong trường hợp này "mang màu sắc chính trị". 

Luật sư Christophe Marchand còn khẳng định, hồ sơ giao nộp cho Interpol chứng minh rằng, cáo buộc nhằm vào cựu Tổng thống Rafael Correa không có cơ sở pháp lý và chỉ nhằm mục đích ngăn cản ông tham gia đời sống chính trị tại Ecuador, nhất là trong bối cảnh làn sóng "tư pháp hóa chính trị" đang diễn ra chống lại nhiều nhà lãnh đạo cánh tả uy tín tại Mỹ Latinh.

Theo giới truyền thông, nhóm chuyên gia luật biện hộ cho cựu Tổng thống Rafael Correa đã nộp cho Interpol (tại trụ sở của Interpol ở thủ đô Paris, Pháp) bộ hồ sơ chứng minh cựu Tổng thống Rafael Correa không liên quan tới vụ bắt cóc bất thành cựu nghị sỹ Ecuador Fernando Balda năm 2012. 

Ông Rafael Correa bị cơ quan công tố Ecuador cáo buộc chủ mưu vụ bắt cóc cựu nghị sỹ Fernando Balda tại thủ đô Bogota của Colombia năm 2012, mặc dù việc này đã bị cảnh sát Colombia can thiệp và chặn đứng. 

Được biết khi đó ông Fernando Balda bị tòa án Ecuador kết án tội vu khống Tổng thống Rafael Correa, nên đã bỏ trốn sang Colombia xin tị nạn chính trị.

Cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa.

Giới truyền thông cho biết, sau khi mãn nhiệm, ông Rafael Correa đã tới sinh sống cùng vợ ở Bỉ. Và hơn 2 tháng trước (3-7), Thẩm phán Ecuador Daniela Camacho đã ra lệnh bắt tạm giam cựu Tổng thống, đồng thời phát lệnh truy nã đỏ cho Interpol vì có liên quan tới cáo buộc kể trên. 

Liên quan tới việc này, 5 người đã bị bắt trong đó có 3 cựu mật vụ dưới thời ông Rafael Correa nắm quyền. Theo bà Daniela Camacho, việc không chấp hành lệnh phải trình diện định kỳ trước tòa án ở Ecuador (mặc dù đã thực hiện nghĩa vụ này tại Lãnh sự quán Ecuador tại Bỉ) là hành động bất tuân luật pháp nên đã ra lệnh bắt và yêu cầu Interpol giúp đỡ.

Điều đáng nói là ngoài cáo buộc kể trên, Viện công tố Ecuador còn ra lệnh triệu tập (31-1-2018) ông Rafael Correa tới để thẩm vấn xung quanh nghi án tham nhũng trong 8 hợp đồng mua bán giữa công ty dầu khí Petrochina của Trung Quốc với công ty dầu khí quốc gia Petroecuador 9 năm trước. 

Và động thái này diễn ra sau khi ông Rafael Correa quyết định từ bỏ đảng Liên minh Đất nước (AP) cầm quyền vì bất đồng sâu sắc với người kế nhiệm Lenin Moreno. 

Mặc dù là Chủ tịch danh dự suốt đời của đảng AP, nhưng Tòa án bầu cử vẫn bác đơn kháng án của ông Rafael Correa trong việc chống lại chiến dịch vận động sửa đổi Hiến pháp. 

Và cùng với tuyên bố từ bỏ AP (thành lập hồi tháng 2-2016 khi đang tại nhiệm), ông Rafael Correa còn quyết định thành lập chính đảng mới mang tên Phong trào Cách mạng dân sự. 

Và việc này diễn ra sau khi đảng AP quyết định (1-11-2017) phế truất cương vị Chủ tịch đảng của Tổng thống Lenin Moreno (nhậm chức ngày 24-5-2017) do "một loạt sai phạm" trong thời gian qua. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ricardo Patino được chỉ định thay thế vị trí của Tổng thống Lenin Moreno trong đảng AP. Cùng với quyết định kể trên, đảng AP còn mời cựu Tổng thống Rafael Correa trở lại "đồng hành với tiến trình củng cố tổ chức và tái cơ cấu AP".

Những bất đồng kể trên diễn ra sau khi Tổng thống Lenin Moreno muốn tiến hành trưng cầu ý dân về cuộc chiến chống tham nhũng, và củng cố Hiến pháp năm 2008. Trước đó (6-1), Quốc hội đã bầu bà Maria Vicuna làm Phó Tổng thống, thay thế người tiền nhiệm Jorge Glas, hiện đang thụ án 6 năm tù giam vì tội tham nhũng. 

Giới chuyên môn cho rằng, những đề xuất của Tổng thống Lenin Moreno nếu được thông qua sẽ đồng nghĩa với việc bãi bỏ một số quy định được người tiền nhiệm Rafael Correa phê chuẩn trước đây. 

Ngoài việc bỏ tù ông Jorge Glas (là thân tín của cựu Tổng thống Rafael Correa), Tổng thống Lenin Moreno cũng từng tuyên bố, người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange là tin tặc. Đồng thời nhấn mạnh, ông Julian Assange "không được can thiệp vào công việc chính trị của Ecuador". 

Ông Lenin Moreno có phản ứng kể trên sau khi ông Julian Assange viết trên Twitter rằng - nếu có bằng chứng về tham nhũng ở Ecuador, WikiLeaks sẽ công bố. Ngoại trưởng Maria Fernanda Espinosa từng thông báo, đang tìm nước thứ 3 hoặc nhà trung gian hòa giải với Anh để chấm dứt "vụ việc của ông Julian Assange". 

Nhà sáng lập WikiLeaks từng được cựu Tổng thống Rafael Correa che chở và cấp quy chế tị nạn (hiện vẫn đang sống trong Đại sứ quán Ecuador tại London, Anh). Và đó được coi là những nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Rafael Correa bị phát lệnh truy nã.

Quốc Dũng
.
.
.