Tranh cãi về tuyên bố của Giám đốc FBI

Thứ Tư, 10/05/2017, 15:30
Dư luận đã có phản ứng khác nhau sau những tuyên bố của Giám đốc FBI James Comey tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ hôm 3-5. Bởi ông James Comey khẳng định, việc tái điều tra đối với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là quyết định khó khăn vì chỉ còn 11 ngày sẽ diễn ra bầu cử.


Và việc này diễn ra sau khi nhân viên FBI phát hiện hàng ngàn email của bà Hillary Clinton xuất hiện trong máy tính cá nhân của cựu Hạ nghị sĩ Anthony Weiner, người chồng đang ly thân của Huma Abedin, phụ tá của cựu Ngoại trưởng. Nữ trợ lý Huma Abedin, người có biệt danh “con gái thứ hai” của bà Hillary Clinton, một trong những trợ lý lâu năm của cựu Ngoại trưởng đã thừa nhận trách nhiệm trong thất bại của cựu Đệ nhất phu nhân.

Ông James Comey cũng tuyên bố như vậy tại cuộc điều trần hôm 4-5 trước Ủy ban Tình báo của Hạ viện. Và đây là một phần của cuộc điều tra xung quanh các cáo buộc có liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Giám đốc FBI James Comey điều trần hôm 3-5.

Động thái này diễn ra sau khi cựu Ngoại trưởng đổ lỗi cho lá thư gửi Quốc hội hôm 28-10-2016 của Giám đốc FBI James Comey, đã khiến bà thất bại trước ông Donald Trump. Khi có bài phát biểu hôm 2-5, cựu Ngoại trưởng đã lần đầu tiên tuyên bố nguyên nhân khiến bà thất cử, và quy trách nhiệm cho ông James Comey về vấn đề này.

Tổng thống Donald Trump đã phản hồi cáo buộc của bà Hillary Clinton bằng tuyên bố, Giám đốc FBI đã bỏ qua nhiều chuyện xấu của cựu Ngoại trưởng Mỹ. Theo ông Donald Trump, vụ bê bối email cá nhân của bà Hillary Clinton xứng đáng bị trừng phạt.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng từng chỉ trích đảng Dân chủ đã "dàn dựng và gây nhiễu thông tin” để bào chữa cho thất bại của mình. Đồng thời cho rằng, các cuộc điều tra nên tập trung vào việc ai đã rò rỉ thông tin ra công chúng. 

“Ngài Tổng thống đặt niềm tin vào Giám đốc FBI”, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố.Đồng thời nhấn mạnh, tuyên bố của Giám đốc FBI không đại diện cho chính quyền Mỹ. "Tôi cho rằng đó là cách nhìn nhận của FBI", ông Sean Spicer nói. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đồng tình với tuyên bố của ông Sean Spicer bởi Moskva luôn bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. "Người đồng cấp của tôi ở Nhà Trắng đã bình luận, tôi không có gì để nói thêm", ông Dmitry Peskov nhấn mạnh. 

Nhiều người không đồng tình với cách giải thích của Giám đốc FBI, khi ông James Comey tiết lộ cuộc điều tra đối với bà Hillary Clinton, trong khi lại im lặng về mối quan hệ giữa các trợ lý của ông Donald Trump với Nga.

Nhà báo John Cassidy (làm việc cho tờ New Yorker) coi câu trả lời của ông James Comey thiếu thuyết phục - FBI vẫn đang điều tra mối quan hệ này, nhưng từ chối tiết lộ danh tính của những người liên quan và cũng không xác nhận liệu Tổng thống Donald Trump có phải là đối tượng bị điều tra hay không.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton dự diễn đàn phụ nữ ở New York, ngày 2-5.

Phát biểu tại phiên điều trần công khai đầu tiên (20-3) tại Hạ viện, ông James Comey từng xác nhận, FBI đang điều tra xung quanh nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, đặc biệt là khả năng Moskva thông đồng với chiến dịch của ông Donald Trump và việc này cần được bảo mật. Đồng thời bác bỏ cáo buộc của ông Donald Trump về việc ông Barack Obama đã nghe trộm điện thoại trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Cũng tại phiên điều trần kể trên, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mike Rogers đã bác bỏ thông tin, NSA yêu cầu Cơ quan Tình báo thông tin Anh bí mật theo dõi Tổng thống Donald Trump.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes cũng bác bỏ cáo buộc của ông Donald Trump. Nhưng nhấn mạnh, không có bằng chứng cho thấy sự liên hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Theo giới truyền thông, ông James Comey từng điều trần trước Ủy ban Tình báo của Hạ viện xung quanh nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, đặc biệt là khả năng Moskva thông đồng với chiến dịch của ông Donald Trump. Và việc này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi của dư luận và giới truyền thông.

Gần nửa năm trước (12-11-2016), nhiều người từng cho rằng, Giám đốc FBI sẽ phải từ chức sau cáo buộc của bà Hillary Clinton tại hội nghị từ xa với các nhà tài trợ hàng đầu của đảng Dân chủ. Và ông Jerome Israel, cựu quan chức cấp cao FBI cũng từng nhận định, ông James Comey có khả năng sẽ từ chức vì tái điều tra vụ bê bối thư điện tử của bà Hillary Clinton. Trước đó (2-7-2016), bà Hillary Clinton bị FBI chất vấn xung quanh việc sử dụng thư điện tử cá nhân khi làm Ngoại trưởng. Cuộc thẩm vấn của FBI diễn ra sau khi Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch tuyên bố, sẽ chấp nhận các đề xuất của nhân viên điều tra vụ bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân khi đương nhiệm. 

Thiện Lân
.
.
.