Tranh cãi về việc IS có thủ lĩnh mới

Thứ Tư, 19/07/2017, 22:49
Dư luận đã có phản ứng khác nhau sau khi kênh truyền hình Al-Arabiya của Saudi Arabia khẳng định, Jalaluddin al-Tunisi, chỉ huy IS tại Libya sẽ trở thành thủ lĩnh mới của tổ chức này sau khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt.


Bởi cho đến nay Jalaluddin al-Tunisi là ứng cử viên sáng giá nhất ngồi vào chiếc ghế của Abu Bakr al-Baghdadi, để khôi phục và mở rộng tầm ảnh hưởng của IS tại khu vực Bắc Phi sau khi tổ chức này phải chịu những thiệt hại nặng nề tại Syria và Iraq.

Theo giới truyền thông, tên thật của Jalaluddin al-Tunisi là Mohamed ben Salem al-Ayouni, sinh năm 1982 tại Masaken, tỉnh Sousse của Tunisia.

Sau khi di cư tới Pháp trong những năm 1990 của thế kỷ trước, Jalaluddin al-Tunisi đã có quốc tịch Pháp và trở lại Tunisia đúng thời điểm "Cách mạng hoa nhài" lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Zine El Abidine ben Ali.

Năm 2011, tên này tới Syria và năm 2014 hắn gia nhập IS, rồi nhanh chóng trở thành thân cận của Abu Bakr al-Baghdadi. Và Abu Bakr al-Baghdadi đã chỉ định Jalaluddin al-Tunisi làm thủ lĩnh IS tại Libya năm 2016.

Abu Bakr al-Baghdadi.

Những thông tin kể trên xuất hiện sau khi kênh truyền hình al-Sumaria của Iraq dẫn lại một thông cáo ngắn của IS xác nhận, Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng trong một vụ không kích của quân đội Nga và sẽ sớm lựa chọn người thay thế.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, có thể đã tiêu diệt được Jalaluddin al-Tunisi trong cuộc không kích gần Raqqa, Syria. Ngày 29-6, hãng thông tấn IRNA dẫn lời giáo sỹ Ali Shirazi, người đại diện của thủ lĩnh tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho biết, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi chắc chắn đã chết.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cũng xác nhận thông tin nói rằng, Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ tuyên bố thành lập cái gọi là "vương quốc Hồi giáo" trên một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria hồi tháng 7-2014 đã chết.

Nhưng ngày 14-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại tuyên bố, chưa có bằng chứng nào cho thấy Abu Bakr al-Baghdadi đã chết. "Nếu biết chúng tôi sẽ thông báo và hiện tôi không thể khẳng định hay bác bỏ thông tin đó", ông James Mattis tuyên bố. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, đối với Mỹ, Abu Bakr al-Baghdadi vẫn được coi là còn sống khi chưa có bằng chứng chứng minh hắn đã chết.

Trước đó (11-7), hãng Reuters dẫn lời Phó trợ lý của Tổng thống Mỹ, ông Sebastian Gorka cho biết, Washington chưa thể xác nhận tin thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt. Theo giới truyền thông, 72 thành viên của Liên minh chống IS đang xem xét cách thức tăng cường nỗ lực để đánh bại IS tại những khu vực tổ chức này đang chiếm giữ ở Iraq và Syria.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia vừa yêu cầu các công ty Internet tại quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới chặn tiếp cận đến 11 địa chỉ trang điện tử của Telegram.

Bởi đây là hành động cần thiết khi có nhiều kênh dịch vụ của Telegram đang được sử dụng để chiêu mộ công dân Indonesia gia nhập các nhóm phiến quân và truyền bá sự thù hận, cũng như các phương thức tiến hành tấn công, trong đó có chế tạo bom.

Cảnh sát Indonesia bắt nghi phạm khủng bố.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 14-7, Cục trưởng Cục ứng dụng tin học Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia Samuel Pangerapan cho biết, họ đang chặn các phiên bản trên trang web của ứng dụng gửi tin nhắn được mã hóa Telegram và sẽ chặn hoàn toàn ứng dụng này nếu đây tiếp tục trở thành diễn đàn cho các tuyên truyền cực đoan và bạo lực.

Việc tin nhắn được mã hóa mạnh khiến ứng dụng này vô cùng phổ biến với những người quan ngại về sự riêng tư và trao đổi liên lạc an toàn trong thời đại kỹ thuật số. Nhưng ứng dụng này đang bị các nhóm phiến quân và tội phạm lợi dụng.

Trước đó (12-7), Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto cho biết, sắc lệnh vừa được Tổng thống Indonesia Joko Widodo ký ban hành cho phép các cơ quan nhà nước có quyền hủy bỏ giấy phép thành lập nếu như tổ chức này vi phạm quy định. Đây là động thái nhằm ngăn chặn sự mở rộng hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại nước này.

Cảnh sát Indonesia vừa bắt Agus Wiguna, 21 tuổi, bị nghi là thành viên phiến quân Hồi giáo âm mưu đánh bom một số địa điểm công cộng tại Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java của nước này. Agus Wiguna bị bắt ngay sau khi xảy ra các vụ nổ tại căn hộ hắn thuê ở Bandung và cảnh sát xác định, thiết bị gây nổ là bom tự tạo.

Cảnh sát cho biết, Agus Wiguna đã khai nhận có âm mưu đặt bom ở một số địa điểm công cộng ở thành phố và Cafe Bali là mục tiêu tấn công đầu tiên. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại IS đang tìm cách thiết lập "chân rết" tại khu vực Đông Nam Á do bị truy quét mạnh tại Syria và Iraq.

Phạm Huy Anh
.
.
.