Tranh cãi việc xây dựng ngân hàng dữ liệu di truyền phục vụ phòng chống tội phạm

Thứ Sáu, 22/05/2020, 09:53
6h sáng ngày 26-2-2018, tại khu vực thị trấn Maubeuge ở Pháp, các nhà điều tra hình sự của Cảnh sát Lille đã yêu cầu dừng một chiếc xe Peugeot và bắt giữ người lái xe. Theo nhận định của cảnh sát, người ngồi sau vô lăng là nghi phạm mang biệt danh "kẻ hiếp dâm ở ven sông Sambre".


Đó là một tên tội phạm có liên quan tới hơn 60 vụ tấn công tình dục kể từ năm 1988. Hung thủ luôn hành động cực kỳ hung hãn, thời gian và địa điểm phạm tội trong suốt 30 năm không hề thay đổi: luôn xảy ra vào lúc sáng sớm trên những con đường chạy ven bờ sông Sambre.

Sơ xuất nhỏ của một tội phạm giầu kinh nghiệm

Những vụ phạm tội lạ lùng này vẫn luôn là điều bí ẩn trong suốt 30 năm qua. Hồ sơ vụ án đã qua tay nhiều nhà điều tra. Hàng loạt các biện pháp giám sát đã được áp dụng, hàng trăm cuộc kiểm tra DNA của nhiều nghi phạm đã được tiến hành để so sánh với DNA tìm thấy ở hiện trường nhưng chưa một lần có kết quả trùng khớp. Vụ án "kẻ hiếp dâm ở ven sông Sambre" đã trở thành cuộc điều tra dài hạn nhất của Cảnh sát vùng Lille kể từ khi được chính thức mở ra cách đây 22 năm.

Ngày 28-2-2018, Dino Scala đã bị bắt giữ để thẩm vấn về 19 vụ tấn công và cưỡng bức tình dục trong vùng lưu vực sông Sambre.

Ngày 5-2-2018, một sơ xuất nhỏ đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi hoạt động tội phạm kéo dài của "kẻ hiếp dâm ven sông Sambre". Vào lúc trời còn nhá nhem tối, một bé gái 15 tuổi ở thị trấn nhỏ Erquelinnes tại Bỉđã bị cưỡng hiếp khi đang trên đường tới trường. Lần đầu tiên video giám sát đã ghi lại được hình ảnh một chiếc xe Peugeot mầu xám và một phần của tấm biển số.

Rất nhanh chóng, Cảnh sát vùng Lille đã nhận ra các đặc điểm quen thuộc trong phương thức phạm tội của "kẻ hiếp dâm ven sông Sambre". Dựa vào việc phân tích các hình ảnh thu được từ camera giám sát ở Bỉ, các nhà điều tra đã lần ra chiếc xe của nghi phạm và sáng sớm ngày 26-2-2018 và bắt giữ người điều khiển phương tiện đó. Đó là Dino Scala, một công nhân 57 tuổi,chủ gia đình và là cha của ba đứa con.

Dino Scala khá nổi tiếng ở Pont-sur-Samoust, nơi ông ta làm huấn luyện viên và chủ tịch của câu lạc bộ bóng đá địa phương đã nhiều vài năm.Tên tuổi của Scalachưa hề xuất hiện trong các hồ sơ theo dõi của cảnh sát.

Một cuộc xét nghiệm DNA được khẩn trương thực hiện. DNA của Dino Scala hoàn toàn khớp với DNA của tên tội phạm lưu lại tại hiện trường. Sau hơn 30 năm bị truy lùng ráo riết, giờ đây danh tính thật của " kẻ hiếp dâm ven sông Sambre" đã bị phơi bày ra ánh sáng.

Phương thức phạm tội không thay đổi

Sau khi bị bắt và bị thẩm vấn Dino Scala đã thừa nhận mình là tác giả của hơn 40 vụ tấn công và cưỡng hiếp tình dục đã được cảnh sát ghi nhận trong vòng 30 năm qua. Lệnh tạm giam đầu tiên của Viện Công tố ký ngày 28-12-2018 chỉ mới liên quan tới 19 vụ đã được xác nhận với kết quả trùng khớp về DNA, những vụ khác cảnh sát vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Ngôi nhà của Dino Scala ở làng Pont-sur-Sambre.

Một số các nạn nhân của "kẻ hiếp dâm ở ven sông Sambre" đã được cảnh sát tiếp xúc và lấy lời khai, những thông tin mà họ cung cấp sẽ được bổ sung vào hồ sơ tư pháp và sẽ dẫn đến việc thay đổi bản cáo trạng đối với Dino Scala.

Dino Scala luôn hành động vào những buổi sáng sớm mùa đông, khi trời còn mờ tối.Gã luôn luôn sử dụng cùng một phương thức phạm tội:tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đe dọa họ bằng những vũ khí sắc nhọn, luôn sử dụng găng tay và mặt nạ che khuất toàn bộ hoặc một phần gương mặt.

Những người phụ nữ là đối tượng bị Scala tấn công tấn công và cưỡng hiếp có độ tuổi từ 13 đến 50, theo đánh giá của cảnh sát thì: "không có một mẫu điển hình nào đối với các nạn nhân, anh ta không tìm kiếm một mục tiêu cụ thể nào, đó có thể là một người phụ nữ bất kỳ nào mà anh ta gặp trên đường".

Trong những cuộc thẩm vấn của cảnh sát, nghi phạm đã nói về " những xung động bên trong" mà anh ta "không thể kiểm soát được". Dino Scala cũng thừa nhận với luật sư của mình rằng sau khi bị bắt giữ, anh ta cảm thấy được "giải thoát" khỏi những "sức nặng khủng khiếp đang đè nặng trên vai" và lời thú tội nhanh chóng của anh ta là "một hình thức để tự giải thoát"

Hệ dữ liệu di truyền quốc gia, một cuộc tranh cãi bất tận

Kể từ vụ đầu tiên vào năm 1988, "kẻ hiếp dâm ở ven sông Sambre" đã thành công trong việc trốn thoát khỏi sự truy nã của cảnh sát và sự trừng phạt của hệ thống tư pháp trong vòng hơn 30 năm. Trong quá trình điều tra cảnh sát đã tạo ra ba bức chân dung robot và sau khi Scala đã bị bắt, một trong ba bức đó đã trùng khớp gần như tuyệt đối với chân dung thực của tội phạm.

Dino Scala với đội bóng làng Pont-sur-Sambre.

Trong quãng thời gian 30 năm đó, cảnh sát đã nhiều lần thu thập DNA của " kẻ hiếp dân ở ven sông Sambre" để bổ xung vào hồ sơ, nhưng dữ liệu DNA của kẻ tội phạm này thì chưa bao giờ trùng khớp với bất kỳ dữ liệu DNA nào trong số hàng triệu hồ sơ lưu giữ trong Hệ dữ liệu di truyền quốc gia tự động của Pháp (FNAEG).

Dino Scala chưa bao giờ bị cảnh sát để ý đến và dữ liệu DNA của anh ta chưa bao giờ được lưu lại trong bất kỳ hồ sơ chính thức nào. Trong cuộc sống hàng ngày, anh ta vẫn luôn đóng vai một người đàn ông dễ mến, một người chồng và một người cha tốtcủa ba đứa con, một huấn luyện viên, một chủ tịch câu lạc bộ bóng đá địa phương nhiệt tình và năng nổ.

Theo nhận định của các chuyên gia tội phạm, trong vụ án của "kẻ hiếp dâm ở ven sông Sambre" này, nếu nước Pháp sở hữu một Hệ dữ liệu di truyền của toàn bộ công dân thì tên tội phạm đã nhanh chóng bị bắt giữ sau khi kiểm tra so sánh DNA của nghi phạm thu được tại hiện trườngvà các hồ sơ DNA đã lưu trữ tại hệ dữ liệu di truyền đó.

Việc này sẽ cho phép cứu thoát được hàng chục nạn nhân của tên tội phạm này. Về phương diện kỹ thuật, việc lưu dữ dữ liệu di truyền của mỗi công dân là hoàn toàn khả thi.

Về phương diện pháp luật, hiện tại ở Pháp chưa có quy định bắt buộc các công dân phải cung cấp DNA và những yếu tố di truyền để lưu trong các hồ sơ sức khỏe hay hồ sơ công dân do chính quyền quản lý, nhưng theo đà phát triển của xã hội, những điều luật mới cũng có thể được xem xét để ban hành.

Khó khăn phức tạp chủ yếu nẩy sinh từ khía cạnh đạo đức của vấn đề. Ủy ban Quốc gia về Thông tin và Tự do của Pháp (CNIL), cơ quan có trách nhiệm giám sát việc tôn trọng quyền riêng tư và đời sống của các công dân Pháp đã phản đối gay gắt những ý tưởng muốn thiết lập một hệ thống hồ sơ các dữ liệu di truyền của toàn bộ công dân.

Theo CNIL việc này sẽ vi phạm nghiêm trọng tự do cá nhân. Một số ý kiến phản đối khác thì nhấn mạnh đến những rủi ro mà sự tồn tại một ngân hàng các dữ liệu loại này có thể gây ra: chiếm dụng thông tin, hacker, lợi dụng thông tin cho các mục đích trục lợi về y tế hay chính trị, tống tiền..

Những năm gần đây, đã xuất hiện những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng di truyền học để điều tra tội phạm. Kể từ năm 2013, đã có thể phân tích các phần mã hóa DNA cho những dấu vết được tìm thấy tại hiện trường.

Trong những trường hợp này mục tiêu nhắm tới là tạo ra một bức chân dung robot về di truyền (PRG). Việc xác lập và sử dụng PRG đã được luật hóa bằng phán quyết ngày 25-6-2014 của Tòa giám đốc thẩm Pháp. PRG hiện đang được sử dụng để xác định nguồn gốc địa- sinh học, mầu của tóc , mắt, da cũng như những khuynh hướng xuất hiện hiện tượng hói và tàn nhang...

Áp dụng các nghiên cứu về tính di truyền từ cha hay mẹ trong điều tra tội phạm cũng là một phương pháp có thể gây ra tranh luận. Đây là một kỹ thuật đã được sử dụng ở Pháp kể từ năm 2012 khi các nhà điều tra phá án vụ Elodie Kulik.Nghiên cứu này dựa trên nguyên tắc một cá nhân sẽ thừa hưởng 50% các yếu tố di truyền từ cha và 50% từ mẹ mình. Do đó các nhà điều tra có thể tìm kiếm các dữ liệu DNA hiện đang có trên FNAEG của những người cha hay mẹ để kiểm tra so sánh các đặc điểm di truyền của hậu duệ.

Ngày 12-1-2002, thi thể của Elodie Kulik được phát hiện. Cô gái 22 tuổi này đã bị cưỡng hiếp rồi bị sát hại. Mẫu DNA của một người đàn ông, được tìm thấy tại hiện trường không trùng với bất kỳ dữ liệu DNA được lưu giữ tại FNAEG.

Gần 10 năm sau những tiến bộ về di truyền học đã chứng minh cho thấy rằng hung thủ là con trai của một tội phạm hiếp dâm, những dữ liệu DNA của người này đã được lưu lại tại FNAEG. Ở Pháp cho đến tận hôm nay những kết quả như thế này vẫn mới chỉ được xem như là một sự trợ giúp cho cuộc điều tra chứ chưa được công nhận là một phương pháp nhận dạng chính thức.

Việc thiết lập một hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về DNA và các yếu tố di truyền, áp dụng bắt buộc cho mọi công dân sẽ là một mối đe dọa cho các quyền tự do cơ bản của cá nhân hay ngược lại, nó là một biện pháp cần thiết để đem lại sự an toàn cho mỗi cá nhân và an ninh cho toàn xã hội?

Tại Pháp cũng như ở những nơi khác trên thế giới, đây là một cuộc tranh cãi dai dẳng và chưa có hồi kết, nhưng đối với những người làm công tác điều tra phá án, càng nhiều các hồ sơ DNA được lưu giữ thì khả năng tìm ra hung thủ càng nhanh chóng và độ chính xác trong các kết luận điều tra càng cao, trong một số vụ án độ chính xác này có thể lên tới 99%.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.