Tranh chấp quyền thừa kế gây chấn động Âu - Mỹ

Thứ Hai, 24/08/2020, 10:10
Cụ Dimiter Kisov 85 tuổi, cư ngụ tại tỉnh Sliven phía đông nam Cộng hòa Bulgaria và ông Pencho Kulev 54 tuổi, sống ở thủ đô Sofia là 2 công dân Bulgaria đang tranh chấp kịch liệt về khoản thừa kế 600 triệu USD từ một người họ hàng bên Mỹ.


Ngoài khoản tiền khổng lồ ra, còn là những bất động sản đắt giá khác như khách sạn, cao ốc, cơ sở ngân hàng, công xưởng… cùng đồ trang sức quý nằm phân tán rải rác trên cả 5 châu lục của hành tinh. Một câu chuyện được giới truyền thông quốc tế trong thời gian gần đây gọi là "Vụ tranh chấp quyền thừa kế gây chấn động Âu - Mỹ".

Cả 2 nhân vật nói trên đều một mực quả quyết, rằng chính mình là người thừa kế duy nhất từ bà dì Yanka Dimitrova Khristodiasis - một quả phụ giàu sụ người Mỹ gốc Bulgaria đã từ trần 2 năm trước, vào ngày 2/5/2018 tại Bệnh viện Lincoln ở New York. 

Tạm thời ông P.Kulev đang "thắng thế" bởi có trong tay một tập hồ sơ dày cộm, chứng minh mình là người thừa kế hợp pháp thực thụ. "Tôi có 2 tờ chúc thư và một giấy chứng nhận con nuôi do Tòa án Sofia cấp hẳn hoi. Các di chúc được lập tại New York và đã được giới tư pháp Mỹ công chứng xác nhận", ông P.Kulev thổ lộ.

Còn cụ ông D.Kisov ở xứ "tỉnh lẻ" Sliven nếu muốn phủ nhận các "chứng cứ" do P.Kulev tạo dựng, cần phải đưa ra các bằng chứng của mình, nhắm tới kết cục về quyền thừa kế sẽ được Tòa án tiểu bang New York bên Mỹ chính thức phân định.

Cụ D.Kisov (bìa trái) khăn gói lên Sofia chầu chực xin visa vào Mỹ.

Điều trớ trêu là cả 2 vị công dân Bulgaria này đều không được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sofia cấp thị thực nhập cảnh vào nước Mỹ, bất chấp sự nhẫn nại không khoan nhượng của họ. "Đừng tưởng bở là dễ lấy được 600 triệu USD ấy đâu - giới luật sư người Bulgaria am hiểu nhận định - Cho dù Tòa án New York có chấp nhận xử vụ tranh chấp gây chấn động này, thì tất cả mọi chứng cứ đều được người ta "săm soi" như trên… kính hiển vi điện tử vậy".

Một điều khác lạ trong dạng án kiểu này, là 2 bên tranh chấp từng quen nhau vì mục đích… thừa kế. Theo lời cụ D.Kisov, thì vào khoảng giữa những năm 2014-2015 gì đó, cụ đã chủ động tìm gặp P.Kulev để kể về người bà con giàu có bên kia bờ đại dương của mình.

"Một bữa nọ, dì tôi gọi điện từ Mỹ về và than vãn với tôi, rằng bà đã quá già yếu và có nhu cầu được người thân gần gũi bên cạnh. Dì đã gửi giấy mời thăm thân nhân cho tôi, nhưng rất tiếc là cơ quan lãnh sự Mỹ đã cự tuyệt việc cấp thị thực, chắc họ e ngại bởi tôi đã quá lớn tuổi và sẽ… chết bên ấy. Khi đó tôi quen với Pencho, hắn đang ngụ tại Sofia cùng khu nhà chung cư với cô em gái tôi. Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện với Pencho, hắn hứa là sẽ tìm cách giúp tôi…".

Tuy nhiên "ông cụ nhà quê" D.Kisov lại không có mảnh giấy "lận lưng" nào, minh chứng rằng người quá cố là dì ruột của mình. Cụ D.Kisov chỉ trưng ra được tấm ảnh đen trắng nhạt nhòa chụp từ năm 1959: "Đây là đám tang cha tôi, khi ấy cụ thọ 85 tuổi cũng bằng tuổi tôi bây giờ"; đồng thời chỉ cho thấy trong ảnh mình đang đứng cạnh bà dì Yanka. Cụ Dimiter lúc đó 24 tuổi, còn bà Yanka 21 tuổi. Cụ D.Kisov giải thích: "Sở dĩ có sự "so le" về tuổi tác như vậy, do bên ngoại nhà tôi rất đông anh em, ông bà ngoại sinh được tổng cộng tới 8 người con gồm 5 gái và 3 trai, với sự chênh lệch tuổi tác từ người con cả tới người con út phải hơn 20 năm".

Trước khi trở thành công dân Mỹ, bà Yanka từng lấy người chồng ở cùng làng Krusare trong tỉnh Sliven. Chồng bà vốn là kẻ "say xỉn suốt ngày". Tới cuối năm 1959 bà quyết định bỏ người chồng nát rượu, lấy một người Hy Lạp giàu có rồi vợ chồng họ chuyên sang Tân thế giới định cư. Cụ D.Kisov cho biết thêm: "Pencho từng là niềm hy vọng của tôi, nhưng hắn đã lừa tôi khi nói rằng mình là một sĩ quan mang hàm Đại tá, từng tại nhiệm trong đội đặc vụ chuyên bảo vệ các yếu nhân cao cấp nhất như Tổng thống hay Thủ tướng… khiến tôi tuyệt đối tin tưởng vào hắn".

Về phần mình, kẻ "lọc lõi" chốn thị thành P.Kulev lại một mực phủ nhận quyền thừa kế của cụ D.Kisov và luôn đưa ra các "luận cứ" của mình: "Dì Yanka nhận làm mẹ nuôi khi tôi mới lên 5 tuổi". Để thêm sức nặng, ông ta lôi ra tấm giấy "chứng nhận con nuôi" do Tòa án Sofia cấp ngày 2/1/1971, trong đó ghi: "Đồng ý chứng nhận cho Pencho Todorov Kulev được làm con nuôi của bà Yanka Dimitrova Khristodiasis theo thỏa thuận", nhưng do thời gian quá lâu nên giấy đã ngả màu với các hàng chữ nhòe nhoẹt rất khó đọc; rồi thêm: Đây chính là người mẹ thứ 2 của tôi, đã đến lúc tôi phải làm tròn bổn phận của mình"(?!).

Ngoài ra P.Kulev cũng cho biết là chỉ rõ câu chuyện trên vào năm 2011, khi bất ngờ nhận được lá thư của bà mẹ nuôi từ Mỹ gửi về. Sau đó ông ta đã sang bên ấy thăm mẹ và tìm cách nấn ná tại Mỹ tới 2 năm trời, cuối cùng bị giới hữu trách phát hiện ra và buộc phải quay về cố hương. "Âu cũng là một lý do để Đại sứ quán Hoa Kỳ cự tuyệt việc cấp thị thực mới cho tôi", P.Kulev than vãn với giọng não nề…

Theo lời ông P.Kulev, thì nữ tỉ phú Y.Khristodiasis từng viết đến… 2 tờ chúc thư. Bức đầu đề ngày 9/9/2013, còn tờ di chúc sau đó được lập hôm 3/5/2014. Trong cả 2 chúc thư, bà đều khẳng định rằng mình được thừa hưởng gia tài của người chồng quá cố là ông Aristotle Khristodiasis, một sĩ quan người Mỹ gốc Hy Lạp phục vụ trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.

Phần tài sản khổng lồ của ông A.Khristodiasis do được thừa hưởng từ cha mẹ để lại. Vợ chồng nhà Khristodiasis từng có với nhau một đứa con trai, nhưng đã mất vì bệnh hiểm nghèo khi chưa thành niên. Bản thân gia đình viên sĩ quan A.Khristodiasis không còn ai thân thích, do vậy quyền thừa kế nghiễm nhiên chuyển sang đường bên vợ.

"Tôi hy vọng người ta sẽ cấp thị thực để tôi đến Mỹ. Tôi sẽ tranh đấu tới cùng cho quyền lợi hợp pháp của mình!", P.Kulev quả quyết với báo giới địa phương. Mặt khác, viên Đại tá rởm này còn gửi đơn thư lên Chính phủ và Nghị viện Cộng hòa Bulgaria, cũng như tới bà Herro Mustafa đương kim Đại sứ Hoa Kỳ tại Sofia.

Thậm chí P.Kulev còn "tự khoe" là đã nhận thư phúc đáp từ Văn phòng Nhà Trắng, cho biết vấn đề của ông ta đã được Tòa Bạch ốc lưu tâm gửi tới các cơ quan hữu trách giải quyết; trái với nội dung đích thực của lá thư từ Wasington D.C, phủ nhận việc tỉ phú Y.Khristodiasis có để lại di chúc trước lúc từ trần (suy ra 2 chúc thư mà viên "Đại tá" P. Kulev mạo nhận cũng là đồ rởm nốt); cũng như "Đại tá" P. Kulev không hề hé môi về việc đã từng bị Bộ Lao  động Mỹ cự tuyệt yêu cầu "xin trợ cấp thất nghiệp", khi ông ta đang nấn ná tại Mỹ dạo nào…(!). P.Kulev cho rằng vấn đề chỉ có thể được giải quyết duy nhất bởi giới tư pháp Mỹ; nhưng ông ta lại cố tình "quên khuấy" một điều đơn giản do Cộng hòa Bulgaria là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), thì công dân Bulgaria cũng có thể gửi đơn lên cơ quan tư pháp EU nhờ can thiệp để đòi quyền lợi cá nhân, chiểu theo các thỏa thuận chung đã ký giữa Hoa Kỳ và EU thay vì phải cất công lặn lội sang tận bên kia bờ đại dương mới được.

Dù sao đi nữa, chuyện nữ tỉ phú Y.Khristodiasis vốn người Mỹ gốc Bulgaria là điều "2 năm rõ 10", nhưng quyền thừa kế lại là chuyện khác. Theo luật Mỹ, nếu người quá cố không để lại di chúc cho ai cả, nghiễm nhiên tài sản sẽ được ưu tiên chuyển vào tài khoản của các cơ sở chuyên tâm với công tác từ thiện.

"Vụ tranh chấp quyền thừa kế gây chấn động Âu - Mỹ" như báo giới quốc tế từng gọi, thực ra chỉ thuộc phạm trù tranh chấp dân sự thuần túy, vốn xảy ra… vô thiên lủng hằng ngày. Quyền quyết định ở đây chính là do bà Y.Khristodiasis, mà nữ tỉ phú lại "quên" ghi rõ họ tên đích thực của người sẽ được thừa kế. Hiển nhiên tư pháp Mỹ chỉ giải quyết theo hướng bổ sung vào các quỹ thiện nguyện mà thôi.

Xuân Hiếu (tổng hợp)
.
.
.