Trật tự của sự hỗn loạn

Thứ Sáu, 22/05/2020, 20:39
Một cuộc điều tra "độc lập, công bằng và toàn diện" về hoạt động ứng phó với các diễn biến đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được thông qua ngày 19-5, bởi toàn bộ 194 quốc gia thành viên, trong phiên họp trực tuyến của chính Đại hội đồng WHO.


Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ mình WHO bị công kích. Và với những diễn biến song song khác, phiên họp ấy cũng đã chứng kiến những phản ứng mạnh mẽ không chỉ hướng về phía Trung Quốc.

Nhu cầu "truy tìm thủ phạm"

Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu ý tưởng mở cuộc điều tra ấy, trong dự thảo nghị quyết, đã cố gắng tỏ ra "ngoại giao" hết mực khi không nhắc đích danh bất cứ một quốc gia cụ thể nào. Song, không cần phải là một nhà quan sát quốc tế chuyên nghiệp, bất cứ ai cũng hiểu: Cuộc điều tra này là mũi giáo nhọn hướng về phía Trung Quốc, dựa trên những cáo buộc gay gắt về chuyện thao túng WHO, che giấu tình hình dịch bệnh và đẩy cả hành tinh vào trạng thái tê liệt, với việc nhiều nước khác không nắm được đầy đủ thông tin dẫn đến bỏ lỡ những "cơ hội vàng" nhằm đưa ra các biện pháp phòng vệ kịp thời.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng ủng hộ việc mở một cuộc điều tra.

Những tổn thất quá lớn về người và của trong thảm họa khủng khiếp nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai này đã khiến rất nhiều quốc gia thay đổi cách tiếp cận. Nếu lúc đầu, khi Australia (nước thứ hai sau Mỹ) đưa ra gợi ý mở cuộc điều tra quốc tế về nguyên nhân của sự bùng phát đại dịch COVID-19, chỉ có khoảng 60 nước ủng hộ thì con số đồng thuận 100% tại Đại hội đồng WHO hôm 19-5 đã cho thấy một tâm trạng chung hoàn toàn khác.

  Một cách ngắn gọn, toàn thế giới đang cảm thấy mình là nạn nhân, và việc tìm ra một "thủ phạm" để chịu toàn bộ trách nhiệm đã trở thành một nhu cầu không thể phủ nhận.

Xuyên suốt quá trình đó, Bắc Kinh đã cố gắng làm tất cả để thể hiện rằng mình "vô tội". Họ luôn nhấn mạnh rằng họ đã hết sức công khai và minh bạch các thông tin cần phải công khai và minh bạch. Họ đẩy mạnh "ngoại giao y tế", mở các chuyến bay hỗ trợ vật tư cũng như nhân lực để giúp đỡ các nước có nguồn lực hạn chế, và thu được những thành quả ngoại giao đáng kể (cho dù, chất lượng thiết bị y tế viện trợ cũng làm xói mòn không ít những hiệu quả đó). Họ luôn nhấn mạnh những gợi ý "kiện tụng" và đòi hỏi Trung Quốc phải bồi thường cho việc để virus SARS-CoV-2 lây lan chóng mặt là "trò cười".

Họ sẵn sàng áp dụng chiến thuật "ngoại giao chiến lang", đáp trả mạnh mẽ mọi lời chỉ trích bằng kể cả những ngôn từ phi ngoại giao. Không chỉ "ăn miếng trả miếng" từng câu một với hệ thống ngoại giao Mỹ, Trung Quốc còn vô cùng giận dữ với đề xuất của Australia, và sau những lời bóng gió, lệnh cấm nhập khẩu thịt đã được áp dụng đối với bốn lò mổ Australia.

Tuy nhiên, khi nước Anh "vào cuộc" để nhấn mạnh rằng cần phải đánh giá sâu sắc các bài học về đại dịch COVID-19 bao gồm cả nguyên nhân bùng phát, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người cũng đã từng ca ngợi những thành tựu khống chế dịch bệnh của Trung Quốc - cho rằng công tác xử lý sự cố y tế công cộng vẫn còn nhiều "khoảng xám" mà Bắc Kinh chưa thể kiểm soát, khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng ủng hộ việc mở một cuộc điều tra, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nếu virus SARS-Cov-2 có nguồn gốc nhân tạo thì đó sẽ là một "tội ác chống lại loài người"… và đặc biệt là khi đến cả nước Nga cũng không còn phản đối ý tưởng về cuộc điều tra kia nữa, thì Trung Quốc cũng thay đổi thái độ.

Họ cũng được mời tham vấn về nội dung nghị quyết của Đại hội đồng WHO, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ "cuộc rà soát toàn diện" đó. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là sự ủng hộ về đại thể, còn chi tiết cụ thể các cách thức tiến hành điều tra thì sẽ là câu chuyện khác.

Đồng thuận trong bất đồng

Ở đây, có lẽ nhận xét của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 19-5, rằng "WHO không nên trở thành công cụ, thành một thứ đòn bẩy để theo đuổi các mục tiêu khác ngoài mục tiêu xây dựng sự hợp tác quốc tế hiệu quả nhất chống lại đại dịch" là rất đáng suy ngẫm. Ông nhấn mạnh: Nước Nga phản đối việc chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2, và ủng hộ những phương thức cho phép tiến tới một giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề liên quan đến đại dịch, thông qua việc củng cố vai trò của WHO và ngăn chặn tổ chức này suy yếu.

Hội nghị năm nay được tổ chức trực tuyến.

Quan điểm của Moskva đã gặp quan điểm của EU tại đó, nơi WHO và sự tồn vong của mình trở thành giao lộ của những toan tính chính trị.

Nước Mỹ, dẫn đầu thế giới về số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2, từ lâu đã cáo buộc WHO bị Trung Quốc thao túng. Đó vừa là một kiểu phản ứng khôn khéo của Washington trước các diễn biến ghê gớm của đại dịch ngay tại đất nước mình nhằm dẫn dắt tâm trạng xã hội, vừa có thể là đòn tiếp nối của cuộc chiến tranh thương mại vẫn còn đang sẵn sàng tiếp diễn. Và WHO "được chọn" để trở thành "đột phá khẩu" tấn công Trung Quốc.

Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra "tối hậu thư": "Nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ viện trợ của Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này". Cần biết, Mỹ hiện đang là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với khoảng 450 triệu USD/năm (khoảng 15% ngân sách WHO). Con số này, nếu lời đe dọa được thực hiện, có thể tụt xuống 40 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, lần này nước Mỹ không có được sự ủng hộ nhiệt thành truyền thống của những bạn bè cố cựu tại châu Âu. EU chọn một hướng tiếp cận khác, cho dù cũng vẫn xem cuộc điều tra về nguyên nhân bùng phát đại dịch là cần thiết. 

Mỹ hiện có gần 1,6 triệu người nhiễm, gần 95.000 người chết vì COVID-19.

Phát ngôn viên phụ trách đối ngoại của EU Virginie Battu Henriksson tuyên bố: "Đây là thời điểm thể hiện sự đoàn kết chứ không phải lúc làm xói mòn hợp tác đa phương". Cùng đó, bà khẳng định EU ủng hộ WHO trong nỗ lực ngăn chặn và giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời đã tài trợ thêm nhằm hỗ trợ nỗ lực này của WHO.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định: "Càng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng nhanh chóng chiến thắng đại dịch", và khẳng định WHO vẫn là "cơ quan toàn cầu và hợp pháp, cần được các nước xem xét cách thức để tiếp tục nâng cao chức năng cũng như vai trò, trong đó có việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững". Điều này tương thích hoàn hảo với phát biểu của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres: "WHO vẫn là không thể thay thế, và cần có những nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển".

Giữa những chiến tuyến vô hình với những xung đột chồng lấn ấy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong vòng 2 năm, cho những kế hoạch ngăn chặn và đẩy lùi COVID-19.

Trung Quốc bị nghi ngờ. WHO phải chịu trách nhiệm liên đới. Song, hành động của Washington cũng không được ai hoan nghênh. Thậm chí, chúng còn tạo tiền đề cho Bắc Kinh "phản kích", khi kêu gọi nước Mỹ "ngừng đổ lỗi cho người khác và hợp tác với cộng đồng quốc tế trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19".

Và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng có cơ hội để khẳng định rằng WHO "sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19".

Và EU có đầy đủ lý do để hài lòng, cũng như tận hưởng vị thế tiên phong vừa bất ngờ được thời thế mang lại.

"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", nhưng cuối cùng, bản giao hưởng hỗn loạn ấy vẫn kết thúc được bằng những hợp âm vừa tai…

Thiên Thư
.
.
.