Trẻ em di cư "đổi tình lấy tiền" cho cuộc hành trình đến miền đất hứa châu Âu

Thứ Hai, 24/04/2017, 15:57
Theo một báo cáo mới công bố của Đại học Harvard, trẻ em tị nạn ở Hy Lạp mong mỏi được đến Anh và nhiều quốc gia khác ở Bắc Âu buộc phải bán dâm để kiếm tiền, trả cho những kẻ buôn người.


Báo cáo kêu gọi các chính phủ phải có hành động ngay lập tức để chấm dứt "hành vi vi phạm nhân quyền vô cùng tồi tệ" này.

Bán dâm với giá 15 euro/lần

Báo cáo do Tiến sỹ Vasileia Digidiki và Giáo sư Jacqueline Bhabha thuộc Trung tâm Y tế và nhân quyền của Trường Đại học Harvard thực hiện. Bản báo cáo mô tả những gì đang diễn ra là "đại dịch lạm dụng tình dục trẻ em di cư ở Hy Lạp đang bùng nổ".

Theo đó, trẻ em tị nạn đến từ các khu vực xung đột như Syria, Afghanistan và Pakistan cố gắng tìm đường đến miền đất hứa châu Âu đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp do không đủ khả năng chi trả những khoản phí mà những kẻ buôn người đưa ra. Một số trẻ em chuyển sang bán dâm để có tiền tiếp tục cuộc hành trình. 

Trẻ em trong một trại tị nạn ở phía đông bắc Hy Lạp.

Báo cáo cho biết, giá trung bình của một giao dịch tình dục với trẻ em tị nạn là 15 euro. Nhóm trẻ em bán dâm lớn nhất là nam thanh thiếu niên Afghanistan, Syria, Iraq và Iran.

Đa số khách hàng mua dâm là nam giới, trong độ tuổi từ 35 trở lên. Những kẻ buôn người thường đưa ra mức giá hàng ngàn euro cho cuộc hành trình đến châu Âu. Vì vậy, dù bán dâm nhiều lần, trẻ em tị nạn cũng không kiếm đủ tiền để trả cho bọn buôn người. 

Theo các cơ quan bảo vệ trẻ em Hy Lạp, năm 2016, quốc gia này đã tiếp nhận 5.174 trẻ em di cư không có người lớn đi cùng. Đây là nhóm trẻ em có nguy cơ  bị bóc lột tình dục cao nhất. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12 năm 2016, chỉ có 191 trẻ em trong số đó đã được chuyển sang các nước châu Âu khác.

Mặc dù các nhà chức trách Hy Lạp đã đưa ra giải pháp đưa nhóm trẻ em di cư dễ bị tổn thương vào sống tại các trại và trung tâm chuyên biệt nhưng không nhiều trẻ em có cơ hội vào sống ở đó. Nguy cơ trẻ tị nạn bị bóc lột và bạo lực diễn ra phổ biến.

Báo cáo cho thấy rằng, tình trạng khai thác tình dục trẻ em diễn ra phổ biến cả ở khu vực thành thị và nông thôn Hy Lạp. Một số trẻ em bán dâm nghiện ma túy nên ít có khả năng kiếm đủ tiền cho những kẻ buôn người để tiếp tục cuộc hành trình.

"Hiếp dâm và các hình thức xâm hại tình dục trẻ em đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại, trong đó có nạn tảo hôn. Một số gia đình trẻ em tị nạn đã bị các băng nhóm buôn người tống tiền, đe dọa sẽ cung cấp những bức hình trẻ em bán dâm, bị lạm dụng hay tấn công tình dục", một đoạn trong báo cáo viết.

Cần có giải pháp ngay lập tức

Tiến sĩ Digidiki nói rằng, "tình trạng báo động này không thể bỏ qua. Chúng ta không thể ngồi nhìn trẻ em di cư bị ngược đãi và buộc phải bán cơ thể để sống sót ở Thủ đô Athens. Sự thất bại này ảnh hưởng lớn đến số lượng người di cư và người tị nạn ở châu Âu hiện nay.

Trách nhiệm của chúng ta là phải lên tiếng để chấm dứt sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này". Tiến sĩ Digidiki nói thêm rằng, nhiều quốc gia châu Âu miễn cưỡng cung cấp cho trẻ em tị nạn một ngôi nhà an toàn vĩnh viễn.

Tiến sĩ Digidiki kêu gọi Chính phủ Hy Lạp cải thiện hệ thống giám hộ pháp lý đối với trẻ em tị nạn, có giải pháp thu thập dữ liệu đầy đủ, chính xác hơn liên quan đến trẻ em tị nạn. Đồng thời, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em và gia đình trẻ em.

Đồng tác giả báo cáo, Giáo sư Bhabha cho rằng, "bản báo cáo đã đưa ra một khía cạnh gây sốc về cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay: trẻ em bị bóc lột tình dục như một giải pháp sống còn.

Các quốc gia trong khu vực, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương xem xét, giải quyết vấn đề này bằng cách xác định trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong làn sóng người di cư. Cần đào tạo nhân lực, phân bổ tài chính phù hợp để giải quyết vấn đề".

Trước những thông tin mà báo cáo nêu ra, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh cho biết, Chính phủ nước này đã nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Theo đó, trong năm 2016, Anh đã tiếp nhận hơn 900 trẻ em không có người lớn đi cùng, trong đó có hơn 750 người đến từ Pháp.

200 trẻ em đến Anh thông qua Đạo luật nhập cư năm 2016. 150 trẻ em khác sẽ được đưa đến Anh trong những tháng tới. Đồng thời, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh cũng cho biết, sẽ không bình luận sâu về những số liệu mà bản báo cáo của các chuyên gia Đại học Harvard mới công bố.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.