Triệt phá băng nhóm giang hồ bảo kê 'Công điên'

Thứ Tư, 24/06/2015, 17:00
Là một tay giang hồ cộm cán có “máu điên” ở Bình Dương, từng có một tiền án về tội bắt giữ người trái pháp luật, Công “điên” quy tụ dưới trướng của mình nhiều đàn em “chịu chơi” tham gia vào hoạt động bảo kê. Thấy ai mở tiệm kinh doanh hoặc làm ăn phát đạt, tên này sẽ cho đàn em đến ép buộc đóng tiền bảo kê, từ đó gây ra hàng chục vụ đánh người, thanh toán liên quan đến đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản… Công “điên” đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các hộ dân buôn bán kinh doanh trong khu 434…

“Công điên” - nỗi ám ảnh kinh hoàng của các hộ dân buôn bán

Với vẻ ngoài lỳ lợm, ngang tang, mới chỉ ngoài 30 tuổi nhưng “Công điên” (tên thật là Trần Thành Công, SN 1982, quê Khánh Hòa) đã có những thành tích bất hảo mà đám giang hồ ở Bình Dương phải nhiều phần kiêng sợ. Đồng thời, “Công điên” cũng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các hộ dân buôn bán kinh doanh trong khu 434…

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, vào đầu tháng 11/2014, anh Trần Văn Hải, (SN 1980, quê Nam Định) thuê ki ốt mở điểm trò chơi điện tử bắn cá trong khu dân cư 434, khu phố Bình Đáng (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An). Ngày khai trương, một đàn em của “Công điên” là Lưu Đức Đăng (SN 1991, quê Nghệ An) đã đến quán đòi anh Hải phải chi tiền bảo kê mỗi tháng 90 triệu đồng. 

Đối tượng cầm đầu “Công điên”.

Tại đây, Đăng đe dọa: “Mày về đây làm ăn mà không hiểu luật à? Nếu không có tụi tao bảo kê, mày đừng hòng kiếm cơm ở đây. Biết khôn thì nộp tiền, nếu không tao không bảo đảm mấy cái máy bắn cá của mày sẽ không thành đống sắt vụn”. Lo sợ băng nhóm giang hồ này sẽ quậy phá ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình nên anh Hải đã đồng ý chi số tiền bảo kê 3 triệu đồng/ngày. 

Tuy nhiên, “thấy bở đào mãi”, cho rằng đàn em Lưu Đức Đăng đưa ra phí bảo kê như vậy là quá “bèo” nên “Công điên” đã chửi và cho đàn em biết rằng, nguyên tắc bảo kê của Công ở khu vực này đối với dịch vụ kinh doanh trò chơi bắn cá là 10% số tiền thu được mỗi ngày. Số tiền bảo kê này sẽ được thu một lần vào cuối tháng. Nhận được lệnh của “đại ca”, Đăng gọi điện buộc Hải đến gặp “Công điên” để bàn bạc lại giá bảo kê.

Sau đó, tại một quán nhậu trong khu 434, “Công điên” và đàn em đã ép anh Hải phải chi số tiền bảo kê theo phần trăm như nói trên. Thấy anh Hải còn chần chừ, cả đám đã đe dọa rằng, nếu anh Hải không đồng ý sẽ bị “xử theo luật giang hồ”. Quá hoảng sợ, một lần nữa anh Hải buộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt, làm theo ý của đám giang hồ này. Sau khi thỏa thuận xong, Đăng được phân công nhiệm vụ hằng ngày xuống điểm kinh doanh trò chơi bắn cá của anh Hải để theo dõi sát sao thu nhập.

Ngày 24/11/2014, do thiếu tiền tiêu xài, Đăng xuống yêu cầu anh Hải đưa 2 triệu đồng tiền bảo kê của ngày 23/11 (do doanh thu trong ngày này của cửa hàng anh Hải là 20 triệu đồng). Có tiền trong tay, Đăng rủ Nguyễn Văn Hiền (tự Hiền “còi” SN 1980, quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Đạo Thắng (SN 1983, quê Nghệ An) đi nhậu, hát karaoke. 

Cuộc vui đang giữa chừng thì hết tiền. Cả ba tên bàn bạc quay trở lại tìm anh Hải để đòi thêm tiền. Thấy quá vô lý vì vừa mới nộp tiền xong nên anh Hải không đồng ý đưa thêm. Không ngờ cả bọn này đã lao vào hành hung khiến anh Hải bị trọng thương. Không còn cách nào khác, anh Hải buộc phải đi mượn tiền đưa thêm cho chúng 3 triệu đồng. Không thể chịu đựng thêm được nữa nên trong ngày hôm sau, anh Hải đã đến Công an thị xã Thuận An trình báo.

Thế nhưng, trong thời gian cơ quan Công an đang truy tìm ba đối tượng này thì tại địa bàn khu chợ 434, nhiều tên giang hồ khác vẫn liên tục lượn lờ trong chợ với danh nghĩa “đàn em của “Công điên”, ai muốn yên ổn làm ăn thì phải “hợp tác”. Theo đó, nhiều vụ cưỡng đoạt, lấy trộm tài sản của những người dân buôn bán vẫn thỉnh thoảng xảy ra… 

Để nắm bắt tình hình an ninh khu vực, nhiều trinh sát Công an thị xã Thuận An đã hóa trang thường phục để âm thầm theo dõi các đối tượng “ăn chặn” tiền của người dân. Qua thời gian theo dõi địa bàn, phối hợp với Công an phường và người dân địa phương, Công an đã nhận dạng được các đối tượng trong băng nhóm do “Công điên” cầm đầu hoạt động. Ngay lập tức, kế hoạch triệt phá băng nhóm trên và bắt giữ các đối tượng liên quan đã được gấp rút tiến hành.

Người dân vui mừng khi Công an triệt phá băng nhóm giang hồ “Công điên”

Trong khi đó, liên quan đến nhóm đối tượng Hiền, Đăng, Thắng, sau khi biết tin cơ quan Công an đang lập hồ sơ truy bắt các đàn em của mình, “Công điên” đã ra lệnh cho đàn em tạm giải tán và bỏ trốn theo nhiều hướng khác nhau nhằm đánh lạc hướng điều tra. 

Theo đó, Thắng đã trốn về quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) làm “cò” nhà đất, Đăng thì về quê cưới vợ, sau đó quay vào làm công nhân ở thị xã Dĩ An. Còn Hiền cũng vào vai một công nhân chăm chỉ cần mẫn làm việc trong một công ty trên địa bàn thị xã Thuận An.

Nhóm đối tượng đàn em của Công “điên” bị bắt giữ. 

Tuy nhiên, ngày 27/5, khi bộ ba này quay lại địa bàn cũ để tụ tập cùng một số chiến hữu khác thi bị các trinh sát phát hiện, bao vây và bắt giữ được cả ba đối tượng Hiền, Đăng, Thắng vì hành vi cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích.

Tại cơ quan điều tra, nhóm của Hiền khai nhận rõ hành vi đánh người, đòi bảo kê tại cửa tiệm của anh Hải. Đồng thời, ba đối tượng cũng cho rằng mình làm việc theo sự chỉ đạo của “Công điên”. Lần theo từng dấu vết và manh mối băng nhóm này, Công an đã bắt gọn Công “điên” khi tên này đang xuất hiện tại một đại lý tạp hóa để giao nước uống tinh khiết. 

Ngay khi thấy lực lượng Công an ập vào bắt giữ “Công điên”, nhiều chủ khu trọ và đại lý bán hàng đã tỏ thái độ vui mừng và thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng mà họ “bỗng dưng” phải chịu đựng một thời gian dài trước đó.

Theo một số người dân ở khu vực này thì lâu nay Công “điên” có một xưởng sản xuất nước uống tinh khiết để núp danh hoạt động bảo kê. Điều đáng nói, nếu phát hiện có ai mở dịch vụ kinh doanh nước uống đóng bình thì “Công điên” sẽ lập tức cho đàn em đến quấy phá. 

Đồng thời, tên này còn ngang nhiên đi tới các khu trọ để ép chủ nhà trọ phải lấy nước của hắn bán cho các phòng trọ công nhân. Những chủ nhà trọ nào dám “trái ý”, không chịu mua nước uống, “Công điên” liền tổ chức cho đàn em đến quậy phá, đánh người. Từ đó, Công “điên” gần như độc quyền mặt hàng này trong khu dân cư 434, mỗi ngày tên này có thể bán được hàng trăm, hàng ngàn bình nước uống.

Ngoài ra, nhiều thanh niên mặt mũi bặm trợn cũng ngang nhiên đi “vòi tiền” của người dân buôn bán trong khu vực với danh nghĩa “anh Công chỉ đạo, ai không làm theo đừng trách”. Vì biết rõ sự ngang ngược và hung bạo của băng nhóm này nên đa số người dân đều khiếp sợ. Những ai bất bình, bức xúc đi trình báo cơ quan chức năng thì ngay trong ngày hôm sau sẽ bị đám giang hồ này đến kiếm chuyện, đánh đập… 

Chính vì những điều này nên khi chứng kiến cảnh “Công điên” sa lưới, người dân cảm thấy rất vui mừng vì đã trút bỏ được gánh nặng. Điều họ mong muốn nhất là pháp luật sẽ xét xử nghiêm minh những tội trạng của “Công điên” để có những hình phạt thích đáng đối với tên giang hồ có “máu điên” này.

Theo hồ sơ tại cơ quan Công an, “Công điên” đã có một tiền án về tội bắt giữ người trái pháp luật vào năm 2008. Biệt danh “Công điên” do đàn em đặt cho đã nói lên bản chất thật của tên giang hồ này - hắn ngang nhiên “ăn chặn”, đánh người, coi thường pháp luật khi sẵn sàng cho đàn em dùng hung khí tấn công người dân, lộng hành bảo kê, cưỡng đoạt tiền… 

Băng nhóm của “Công điên” đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các hộ dân buôn bán kinh doanh trong khu dân cư 434… Do đó, triệt phá được băng nhóm này, cơ quan Công an đã giúp đem lại bình yên cho cuộc sống của người dân ở khu vực này. Hiện cơ quan Công an vẫn đang mở rộng điều tra vụ việc nhằm tiếp tục truy tìm những đối tượng khác, loại bỏ hoàn toàn băng nhóm này.

Ánh Xuân
.
.
.