Cảnh sát Anh và Hà Lan:

Triệt phá đường dây buôn người tị nạn Syria xuyên châu Âu

Chủ Nhật, 23/03/2014, 09:00

Sau khi trải qua hành trình vạn dặm đầy căng thẳng, mệt mỏi, mạng sống mong manh như chỉ mành treo trước những hiểm nguy tiềm tàng đang rình rập phía trước để mong thoát cuộc nội chiến tang thương, người tị nạn Syria từng mơ về viễn cảnh có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước Tây Âu.

Nhưng giấc mơ đó đã vỡ tan trong nỗi tuyệt vọng và đau khổ, khi họ bị bọn tội phạm buôn người lừa bán, trở thành nô lệ lao động hoặc nô lệ tình dục. Có 5 người nhập cư trái phép thừa nhận trong khi cố thoát khỏi cuộc nội chiến Syria, thậm chí họ chưa từng nghĩ sẽ chạm chân đến bờ biển Vương quốc Anh.

4 bé gái tuổi vị thành niên và một người đàn ông đã bị Ali Mohammed Raza bóc lột sức lao động. Ali Mohammed Raza kết hợp công việc rửa xe ôtô ở phía Đông thành phố Hull với hoạt động cầm đầu một đường dây buôn người xuyên quốc gia.

Hiện tại, sau khi trải qua một quá trình điều tra vô cùng khó khăn, phức tạp, đường dây tội ác đó đã bị triệt phá và 4 kẻ bất hảo đang phải ngồi sau song sắt xà lim. Tên Raza, 38 tuổi, bị bắt tại nhà riêng của hắn ở Đại lộ Brendon, phía Đông thành phố Hull (Anh), cùng ngày cảnh sát cũng tìm thấy 4 thiếu niên nằm trong cốp sau của một chiếc xe ôtô bán tải ở Hà Lan.

Ngày 14/3, đường dây buôn người bị đánh sập khi Raza bất cẩn hỏi 2 sĩ quan cảnh sát mật đóng giả những tài xế xe tải người Hà Lan để chuyển người nhập cư vào nước này để đổi lấy một khoản tiền mặt. Tham gia công tác điều tra phá án gồm có: Cơ quan Phòng chống tội phạm Quốc gia, Sở Cảnh sát Humberside và Cảnh sát Quân đội Hà Lan.

Raza khoác lác với 2 viên sĩ quan cảnh sát đóng giả tài xế rằng có một số tài xế khác đang đợi hắn, sau 3 tháng "lao động" hắn kiếm được 120.000 bảng Anh. Raza đã sắp xếp thời gian cho 2 sĩ quan cảnh sát điều tra bí mật có "cơ hội tốt" để gặp gỡ đối tác của hắn là tên Emrullah Tozsu, 35 tuổi, đến từ London (Anh) và tên Arras Monsar Chafik, 25 tuổi, từ Pháp "chạy" sang Hà Lan để làm trung gian.

Cảnh sát Hà Lan đang khám xét một đối tượng trong đường dây buôn người tị nạn Syria.

Ở Hà Lan, chúng "gom, nhặt" người nhập cư, những con người đau khổ đã phải trải qua một hành trình rất dài đầy mệt mỏi từ Syria xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Italy, Pháp và Bỉ để bắt đầu chuyến đi cuối cùng đến Vương quốc Anh trên một chiếc phá đi vào bến tàu Hoàng đế Goerge thuộc thành phố Hull.

Công tác khám xét bãi rửa xe Siêu sao, bãi rửa xe Posh ở đường Stoneferry, phía Đông thành phố Hull cũng được tiến hành, những nơi này được cho là "sở chỉ huy" điều hành hoạt động buôn người của bọn tội phạm. Bản phân tích dữ liệu cuộc gọi điện thoại và tin nhắn điện thoại di động cho thấy Tozsu và Monsar-Chafik đã gọi cho nhau 17 lần vào giữa đêm và rạng sáng lúc 3 giờ 27 phút vào ngày 26/9 năm ngoái, trước khi chúng bị bắt.

Để "che mắt" cơ quan cảnh sát, chúng "đặt mật khẩu" cho "hàng hóa" là người di cư với mật danh chung: Marlboros (một loại thuốc lá điếu), đối với phụ nữ thì được gọi "Marlboros đỏ," còn với nam giới là "Marlboros trắng". Sĩ quan Cảnh sát điều tra án hình sự Mike Reed phát biểu: "Chúng tôi hài lòng với sự thành công của chiến dịch này, kết quả đã bắt giữ được một số đối tượng mà chúng tôi tin hoạt động xuyên qua hàng loạt đường biên giới ở châu Âu trong đó có Anh".

Những người di cư đã được tìm thấy bị giam giữ trái phép ở Hà Lan, thì điều đó đồng nghĩa họ sẽ bị xét xử. Họ sẽ không bao giờ có thể chứng minh họ đến từ Syria.

Người ta tin rằng người di cư có ý định tìm/xin qui chế sống tị nạn ở Vương quốc Anh chứ không hề biết trước sẽ bị lừa bán làm nô lệ hay vào các ổ mại dâm.

Ông Heral Meijer, sĩ quan công tác tại đơn vị bài trừ tội phạm có tổ chức trực thuộc Cảnh sát quân đội Hà Lan cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với Cơ quan Phòng chống tội phạm Quốc gia của Vương quốc Anh và các đối tác khác của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại những tên tội phạm cố tình buôn người để kiếm nhiều tiền. "Đây là loại tội phạm mà chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ và vì thế mà cuộc chiến đấu này là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chúng tôi", ông Heral Meijer cho biết thêm.

Đến nay, 4 đối tượng tham gia đường dây buôn người xuyên biên giới đã chịu án tù tổng cộng 17 năm vì âm mưu tạo điều kiện nhập cư trái phép. Còn đối với những người nhập cư, hoạt động triệt phá đường dây tội phạm buôn người của cảnh sát Anh và Hà Lan đã kết thúc "đường dài đi đến giấc mơ châu Âu", một sự kết thúc khác xa so với mong mỏi của họ

Phạm Hữu Tùng
.
.
.