Triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả quy mô lớn

Thứ Hai, 05/09/2016, 11:04
Theo cơ quan điều tra, gia đình đối tượng Mai Công Phu có "truyền thống" sản xuất tân dược giả. Phu đã từng cùng em trai, con gái, con rể… nhận tổng cộng mức án 21 năm 6 tháng tù giam; trong đó Phu bị phạt 5 năm 5 tháng tù về tội danh "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".

Tuy nhiên, sau khi mãn hạn tù, Mai Công Phu cùng đồng bọn tiếp tục "ngựa quen đường cũ" lập đường dây chuyên sản xuất tân dược giả để trục lợi… Thủ đoạn của Phu là mua các loại tân dược do Việt Nam sản xuất, sau đó thuê nhân viên bóc tách ra từng viên rồi dập thành thuốc ngoại, bán lấy lời…

Công nghệ "lên đời" thuốc nội thành thuốc ngoại

Ngày 29-8, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết vừa bắt khẩn cấp các đối tượng Mai Công Phu (63 tuổi), Mai Hữu Hoàng (39 tuổi, con ruột của Phu), Trần Quang Bình (26 tuổi cả ba đều ngụ quận Tân Phú; Khưu Tấn Cường (47 tuổi), Trần Quang Sơn (30 tuổi), cả hai ngụ quận 6 để điều tra làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Trong đó, Mai Công Phu được xem là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất tân dược giả quy mô lớn này.

Đối tượng Mai Công Phu  cầm đầu đường dây sản xuất tân dược giả

Theo thông tin ban đầu, đầu năm 2016, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Phòng PC46 đã phát hiện ra đường dây chuyên sản xuất tân dược giả này.

Sau một thời gian điều tra, trưa 25-8, các trinh sát PC46 đã bắt quả tang đối tượng Mai Hữu Hoàng đang giao một thùng carton chứa tân dược cho đối tượng Khưu Tấn Cường tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh).

Qua kiểm tra, bên trong thùng carton chứa 13 bịch thuốc tân dược dạng viên con nhộng không ghi nhãn hiệu, cân nặng 25kg.

Hoàng khai nhận, 25kg thuốc con nhộng này là thuốc Ibuparavic (trị đau nhức) do Công ty Khacopharma sản xuất, Hoàng mua tại chợ thuốc tây ở quận 10 rồi đưa về nhà chị vợ trên đường Bùi Tư Hoàng (phường An Lạc, quận Bình Tân) để bóc bỏ vỉ.

Sau đó, Hoàng mua vỉ thuốc trị đau nhức do nước ngoài sản xuất giao cho Cường làm mẫu dập thành thuốc ngoại để bán ra thị trường với giá cao thu lợi. Trong khi Hoàng đang giao thuốc cho Cường thì bị bắt giữ.

Khám xét khẩn cấp nhà Cường trên đường Rạch Cát - Bến Lức (phường 7, quận 8), Công an phát hiện đối tượng Trần Quang Sơn đang sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Pharmaton và thuốc nhãn hiệu Di-Ansel.

Làm việc với Công an, Sơn khai đang thực hiện việc ép vỉ thuốc, cắt vỉ và đóng hộp thành phẩm để sản xuất thuốc giả theo yêu cầu của Cường.

Khám xét nhà vợ Phu ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), cơ quan Công an đã thu giữ được bốn thùng thuốc giả thành phẩm các loại và hai thùng vỏ hộp thuốc làm giả.

Bước đầu Phu khai mua các loại thuốc tây do Việt Nam sản xuất (có giá rẻ) tại các quầy thuốc trên địa bàn thành phố, đem về bóc ra thành từng viên giao cho Cường để sản xuất thuốc giả.

Riêng Trần Quang Bình thì được Cường thuê làm bao bì giả các loại. Theo đó, Bình là người trực tiếp thiết kế mẫu bao bì thuốc ngoại nhập, rồi thuê người in thành các loại bao bì, nhãn hướng dẫn sử dụng.

Khi hoàn thành, Bình giao cho Phu để sản xuất năm loại thuốc giả gồm Neo-Codion, Fugacar, Alpha Chymotrypsine Choay, Laroscorbine, Neo-Tergynan.

Các đối tượng Hoàng, Cường, Bình.

Làm việc với cơ quan điều tra, bước đầu Phu khai nhận đã cùng con trai mua các loại tân dược do Việt Nam sản xuất, sau đó bóc ra thành từng viên giao cho Cường để làm giả thuốc ngoại. Phu cũng thuê người làm giả bao bì, rồi giao cho Cường.

Công an cũng khám xét, thu giữ nhiều tang vật dùng để tạo mẫu sản phẩm thuốc giả cùng nhiều bao bì tân dược dùng để làm mẫu, nhãn hướng dẫn sử dụng... chủ yếu là các loại: Neo-codion, Fugacar, Alpha Choay, Laroscorbine, Neo-Tergynan…

Theo lời khai của các đối tượng, trung bình một vỉ thuốc tây làm giả sau khi trừ các chi phí sẽ đem lại lợi nhuận 2.000 - 2.500 đồng (?) Cơ quan điều tra cho biết, số thuốc giả do đường dây này sản xuất sau đó sẽ mang đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây và miền Trung.

Gia đình có "truyền thống" sản xuất tân dược giả

Tìm hiểu thêm thông tin về đối tượng cầm đầu Mai Công Phu mới thấy đây là một tên "trùm" sản xuất tân dược giả với mức tội trạng khá dày. Bởi ngay đầu những năm 2000, Phu từng bị Công an quận 11 (TP Hồ Chí Minh) bắt giữ về hành vi sản xuất tân dược giả. Sau đó Phu bị Tòa án tuyên phạt 11 năm tù giam.

Ra tù năm 2009, Phu cùng con trai Mai Hữu Hoàng lại tổ chức làm giả tân dược. Lần đó Phu cũng bị Phòng PC46 bắt vào buổi sáng 14-1-2009, Đội 9 Phòng PC15 (nay là PC46) đã bắt quả tang Phu dùng xe máy chở nhiều loại tân dược giả (Cota Xoang 28g, Voltasen 50mg, vỏ hộp thuốc Cézil... ) trên đường Âu Cơ, phường 14, quận 11.

Phu khai rằng mình buôn bán thuốc tự do, không có giấy phép kinh doanh. Loại thuốc Cota Xoang, Phu mua từ một người ở quận Tân Bình, sau đó vô chai và bán với giá 15 ngàn đồng/chai (200 viên).

Bên cạnh đó, Phu còn "lên đời" cho thuốc bằng cách mua các loại thuốc thông thường trong nước, sau đó mua bao bì về gắn cho nó "mác" thuốc nhập từ... Mỹ, Pháp. Các loại thuốc giả được Phu làm gồm Tanakan: 30 ngàn đồng/vỉ (10 viên), Vastaren: 30 ngàn đồng/vỉ (sáu viên), Cézil: 28 ngàn đồng/hộp (10 viên/vỉ)...

Khám xét nhà Phu ở quận Tân Phú, cơ quan Công an đã thu giữ hàng trăm hộp, vỉ thuốc giả thành phẩm và chưa thành phẩm. Mở rộng điều tra, Công an còn thu giữ nhiều dụng cụ sản xuất thuốc, vật liệu... tại nhà con gái Phu ở quận 7, thu giữ tại nhà Trung (quận 6) nhiều lọ thuốc bao bì, thu giữ tại nhà Việt (quận 6) nhiều vỉ thuốc. Ngoài ra, Phu còn khai mua bán thuốc với hai người ở quận 11 và quận 3.

Tại phiên tòa ngày 26-3-2010 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Phu đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khai nhận bắt đầu tiến hành sản xuất, buôn bán thuốc giả từ đầu năm 2008.

Phu trực tiếp thuê Lưu Văn Trung làm vỏ chai nhựa, thuê Trương Quốc Việt làm vỉ đựng thuốc bằng nhựa và Thanh (không xác định lai lịch) làm bao bì, máy móc phương tiện do Phu mua về để chế lại. Phu mua thuốc từ các công ty, xí nghiệp sản xuất trong nước mang về nhà tách thuốc ra khỏi vỉ.

Một số loại thuốc bị làm giả.

Phu chỉ đạo Mai Công Thành, Mai Thanh Hoàng cùng tham gia thực hiện, trong đó Thành có nhiệm vụ đi lấy vỏ chai nhựa về để đóng chai và chở thuốc giả đến gửi tại quán cà phê vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt để Phu đem đi tiêu thụ.

Hoàng lấy thuốc đã tách ra khỏi vỉ ở nhà Phu đem đến nhà của vợ chồng Nguyễn Tấn Hải và Mai Thị Liễu Bích. Hoàng thuê Nguyễn Tấn Đạt cùng phụ giúp làm thành vỉ thuốc giả ngoại, rồi mang về giao cho Phu.

Tất cả tân dược giả đều do Phu đem đi bán. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thì tất cả các mẫu thuốc giám định đều là thuốc giả (không xuất xứ từ nhà sản xuất) và không đạt chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở).

Lần đó, với tội trạng của mình, Phu đã bị hội đồng xét xử tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam. Riêng Hoàng bỏ trốn nên bị truy nã. Ba năm sau, Hoàng bị bắt giữ theo lệnh truy nã và bị xử phạt 2 năm tù treo.

Chưa kể năm người khác trong gia đình Phu như em trai, con gái, con rể cũng bị phạt tổng cộng 16 năm tù. Tuy nhiên, khi vừa được ân xá, hai cha con Phu lại tiếp tục tổ chức "lò" làm giả tân dược tinh vi hơn như đề cập bên trên.

Theo PC46, thực tế thời gian qua, cơ quan này đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ sản xuất thuốc tây giả, thực phẩm chức năng giả. Thủ đoạn làm giả của các đối tượng là ra các hiệu thuốc, chợ thuốc tây gom mua các loại thuốc do các công ty Việt Nam sản xuất có giá rẻ, bán không chạy, gần hết hạn sử dụng rồi đem về làm giả các loại thuốc có hoạt chất tương tự do các công ty nước ngoài sản xuất. Hầu hết thuốc giả được các đối tượng này đem tiêu thụ ở các tỉnh.

Việc gia tăng các đường dây làm giả tân dược bị phát hiện, triệt phá, theo các nhà chuyên môn thì tội phạm về sản xuất tân dược giả hoạt động ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, nhu cầu cần thuốc chữa bệnh của người dân rất lớn, trong khi đó kiến thức còn hạn chế, ý thức cảnh giác với thuốc giả chưa cao nên tội phạm dễ dàng hoạt động. Chúng nắm được tâm lý của người dân sính hàng ngoại, có bệnh thì "vái tứ phương", cứ nghe giới thiệu sơ sơ về thuốc là mua.

Vì thế, các đối tượng xấu đã chú ý việc in các bao bì nhãn mác sao cho thấy bắt mắt, xịn, là "hàng ngoại chất lượng", đồng thời đặt in tờ hướng dẫn sử dụng cho vào hộp, hoặc thay đổi nhãn mác biến thuốc nội thành thuốc ngoại, bán ra thị trường với giá cao như thuốc thật.

Chưa kể, các đối tượng còn thành lập "công ty" để hoạt động kinh doanh mua bán thuốc nhằm che đậy hoặc hợp thức hóa đường dây buôn bán thuốc giả.

Có thể nói, hành vi sản xuất tân dược giả là hành vi rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, gây hoang mang trong dư luận.

Theo một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do sử dụng tân dược giả. Tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức nhưng hệ lụy chắc chắn là không thể lường hết.

Và việc phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả như vừa qua cho thấy hiệu quả từ cuộc chiến chống tân dược giả, nhưng đồng thời cũng cho thấy nhiều nguy cơ nguy hại với người dân khi sử dụng phải tân dược giả.

Phú Lữ
.
.
.