Triệt phá nhóm đối tượng giả danh cán bộ điều tra, kiểm sát Trung Quốc để lừa đảo

Thứ Tư, 17/06/2015, 12:30
Sử dụng công nghệ cao thông qua đường internet xâm nhập vào các trang mạng để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân. Dùng tổng đài Voip gọi điện giả danh là công an, kiểm sát viên đang điều tra các vụ án kinh tế quốc tế. Tan Mao Heng, Ly Qing Yun, Wei Zhong, Wang Kang Ming mang quốc tịch Trung Quốc cùng hàng chục đối tượng người Đài Loan khác trong một thời gian dài đã hù dọa những doanh nhân và người làm ăn buôn bán quốc tế, lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm ngàn Nhân dân tệ.

Bị truy bắt, chúng tìm đường trốn sang Việt Nam với ý định tiếp tục thực hiện các phi vụ lừa đảo nhưng đã bị các trinh sát Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với các Cục V12, C44 - Bộ Công an và đơn vị K20 - Công an TP Hồ Chí Minh tóm gọn khi đang diễn trò lừa đảo.

1.Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh liên tục xảy ra các vụ sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hoang mang cho rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động làm ăn, kinh doanh với các đối tác nước ngoài. 

Bọn tội phạm chủ yếu là các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan câu kết với một số đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự người Việt sử dụng internet đột nhập vào các trang mạng đánh cắp các thông tin cá nhân về tài khoản và các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa. 

Sau khi đã đánh cắp được thông tin, chúng sử dụng tổng đài Voip gọi điện thoại tự xưng là công an, kiểm sát viên đang thực hiện nhiệm vụ điều tra một số vụ án kinh tế, yêu cầu những người này phải nộp một số tiền lớn để chúng thẩm định xem là tiền “sạch” hay tiền “bẩn” và sau đó chiếm đoạt luôn số tiền này. 

Cho đến nay, hàng chục băng nhóm lừa đảo đã bị lực lượng Công an Việt Nam triệt phá, hàng trăm đối tượng đã bị bắt. Tuy nhiên vẫn còn một số băng nhóm với quy mô rộng lớn hơn, hình thức tinh vi hơn còn lén lút hoạt động gây thiệt hại về kinh tế cho rất nhiều người yếu bóng vía. 

Các đối tượng Tan, Li, Wei, Wang và đồng bọn.

Để triệt phá đến tận gốc rễ loại tội phạm này, từ đầu năm 2015 đến nay, ngoài việc liên tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là thông qua các tổng đài điện thoại di động nhắn tin cảnh báo đến tất cả các số thuê bao, lực lượng Công an Việt Nam còn tăng cường các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, truy bắt các đối tượng phạm tội.

Vụ việc gần nhất diễn ra vào ngày 21/5/2015, sau khi nhận công văn của Bộ Công an Trung Quốc đề nghị giúp đỡ phối hợp điều tra, truy bắt và xử lý các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam đã chỉ đạo cho Tổng cục Cảnh sát tiến hành xác lập chuyên án mang bí số TQ2015, giao cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) phối hợp với các đơn vị V12, C44, K20 phía Nam và Công an TP Hồ Chí Minh lập tức vào cuộc, xây dựng kế hoạch và phân công lực lượng phá án. 

Bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ và công tác sàng lọc đối tượng, lực lượng phối hợp đã bắt quả tang 24 đối tượng bao gồm 21 nam, 3 nữ là người Đài Loan và Trung Quốc đang thực hiện hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao tại tòa nhà Everrich trên đường 3 tháng 2, phường 15, quận 11 và chung cư Bình dân trên đường Tản Đà, phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh...

Qua công tác khám xét khẩn cấp, lực lượng Công an còn thu giữ tại hiện trường 21 điện thoại di động, 12 máy tính xách tay, 33 điện thoại Voip, hàng trăm thẻ sim, 8 bàn phím máy tính rời, 10 Voip gateway, 20 giấy chứng minh nhân dân và thẻ ngân hàng của công dân Trung Quốc, 1 Fiber Router Day Tek, 6 bộ đàm, 1 Dlink cùng nhiều loại thiết bị, tài liệu liên quan đến vụ án. Khai thác, phân tích dữ liệu trên các máy tính thu được tại hiện trường, lực lượng Công an còn thu được nhiều loại tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng nên đã tiến hành cho in ngay tại chỗ để các đối tượng ký xác nhận theo quy định.

Theo bà H, một người gốc Hoa sinh sống và làm ăn  tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Đầu năm 2015, bà bị một nhóm đối tượng giả danh cơ quan Cảnh sát điều tra Việt Nam gọi điện thoại với giọng điệu: “Công việc làm ăn của bà có dính líu đến một số băng nhóm tội phạm quốc tế hiện đang bị Công an bắt giữ để điều tra. Để tiếp tục làm rõ vụ việc, đề nghị bà nộp một số tiền vào tài khoản của chúng tôi để kiểm tra xem số tiền đó có dính líu đến các băng nhóm tội phạm này không. Nếu có, chúng tôi sẽ giúp giảm nhẹ tội, còn không thì bà sẽ được trả lại tiền ngay sau đó”. 

Nghi ngờ bị bọn lưu manh giở trò lừa đảo nên bà đã trình báo cơ quan Công an và đến ngày 7/4/2015, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 7 bất ngờ ập vào căn nhà số 25, đường số 3, phường Tân Phong, quận 7 bắt quả tang 11 đối tượng là người Đài Loan đang sử dụng mạng internet xâm nhập vào các tài khoản cá nhân của nhiều người để đánh cắp thông tin về thẻ tín dụng. Ngoài ra còn có hai đối tượng khác đang sử dụng điện thoại tự xưng là cán bộ điều tra đang thụ lý một số vụ án quốc tế, hù dọa những người từng làm ăn buôn bán với nước ngoài rồi bắt buộc họ phải nộp một số tiền lớn để phục vụ công tác điều tra. 

Tại hiện trường, cơ quan Công an đã thu giữ 5 máy tính xách tay, 18 điện thoại bàn, 33 moderm cùng rất nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo.

2. Theo lời khai ban đầu của Tan Mao Heng, Ly Qing Yun, Wei Zhong, Wang Kang Ming cùng các đối tượng khác, trước đây tại Trung Quốc, chúng đã từng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản lấy tiền hút chích ma túy. Năm 2014, trước sự truy quét mạnh của công an Trung Quốc, bọn chúng mất đất “làm ăn” nên chuyển sang trộm cắp vặt nhưng cũng không đủ để ăn xài. 

Đầu năm 2015, khi đang lang thang lừa đảo ở tỉnh Sơn Đông, bọn chúng được một nhóm người tiếp cận và đề nghị sang Việt Nam quản lý mạng với thù lao hậu hĩnh. Đang trong lúc túng quẫn, không cần biết đó là việc gì, bọn chúng đã gật đầu nhận lời và chỉ hai ngày sau đó đã được đưa đến TP Hồ Chí Minh. Cả bọn được một tên trong nhóm chủ thuê mướn đào tạo cho cách đột nhập đánh cắp thông tin ngân hàng của các trang mạng cá nhân và cách xây dựng kịch bản lừa đảo và sau gần một tháng khi đã thuần thục, cả bọn được ném vào các phi vụ “ăn hàng”. 

Cũng theo lời khai của Tan, Ly, Wei, Wang, từ đầu năm 2015 đến nay, bọn chúng đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo mà nạn nhân chủ yếu là người Trung Quốc hoặc Đài Loan, thu lợi bất chính được hàng trăm ngàn Nhân dân tệ. Với sự giám sát chặt chẽ của những tay anh chị nên sau khi các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, chúng buộc phải thực hiện ngay các lệnh giao dịch khác để chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản và cuối cùng là người chủ đích thực của đường dây. 

Tuy nhiên cho đến nay, cả bọn chưa từng  được tiếp cận và hoàn toàn không biết “ông chủ” của mình là ai , hiện đang ở đâu. Tất cả việc trao đổi công việc, thông tin đều thực hiện qua chat QQ hoặc thông qua tên môi giới trước đó đã trực tiếp thuê làm việc nhưng tên này đang ở Trung Quốc.

Trước đây chúng đã từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện nhiều vụ lừa đảo đối với người bản địa. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Công an Việt Nam đã thông qua mạng điện thoại di động nhắn tin đến tất cả các số thuê bao thông tin cảnh báo về những vụ lừa đảo bằng công nghệ cao nên người dân Việt Nam đã cảnh giác rất nhiều dẫn đến việc lừa đảo của bọn chúng khó thực hiện được. 

Nhận thấy đây là cách nhanh nhất có thể kiếm được nhiều tiền, bọn chúng vẫn đặt “đại bản doanh” ở Việt Nam nhưng thông qua mạng internet thực hiện các cuộc gọi điện thoại Voip đến các đối tượng là người Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… để lừa đảo và chúng đã thực hiện trót lọt được hàng chục vụ, thu lợi bất chính hàng trăm ngàn Nhân dân tệ.  

Để che giấu hành tung của mình, nhóm người này còn dự định lôi kéo một số đối tượng là người Việt Nam giỏi về công nghệ thông tin vào làm thuê cho chúng với thù lao hậu hĩnh nhưng đang chuẩn bị tuyển thì bị lực lượng Công an Việt Nam phát hiện, bắt giữ.

Cho đến nay, số vụ lừa đảo theo dạng này đã xảy ra rất nhiều trên khắp các tỉnh, thành nhưng những người đến cơ quan Công an trình báo còn rất ít. Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải mạnh dạn hợp tác nhiều hơn nữa để cơ quan Công an nhanh chóng triệt phá các băng nhóm tội phạm này bảo vệ tài sản cho bà con nhân dân.

Đức Cương
.
.
.