Triều Tiên đi nước hiểm

Thứ Sáu, 25/05/2018, 15:04
Sau nhiều tuần lễ không khí trên bán đảo Triều Tiên hòa dịu đến mức tưởng chừng hòa bình sắp được lặp lại, Bình Nhưỡng bất ngờ dội một gáo nước lạnh vào sự kỳ vọng của thế giới khi tuyên bố hủy Hội nghị cấp cao liên Triều vào phút chót; đồng thời dọa rút lui khỏi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.


Toan tính của Bình Nhưỡng?

Lý do được Bình Nhưỡng đưa ra: Những cuộc tập trận Mỹ - Hàn đang diễn ra trong khu vực. “Các cuộc tập trận là một thách thức không được công bố đối với Tuyên bố Bàn Môn Điếm và là sự khiêu khích quân sự có chủ ý đối với xu hướng phát triển thuận lợi đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên", Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 16-5.

Động thái của Bình Nhưỡng khiến người ta phải sững sờ. Một số người tin rằng Bình Nhưỡng đang dùng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” để gia tăng sức nặng cho các yêu sách trong hội đàm Mỹ - Triều sắp tới, chứ không phải thực sự muốn hủy đàm phán. 

Nhà báo Frédéric Ojardias cho biết, theo các nhà phân tích ở Seoul, những lời đe dọa nói trên là một phần của tiến trình thương lượng đang diễn ra: Triều Tiên tìm cách củng cố vị thế của họ trước cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump; đồng thời nhắc lại rằng họ muốn Washington phải có những nhân nhượng đáng kể.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bên phải) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng. Ảnh công bố ngày 26-4-2018.

Nhà phân tích Joshua Pollock, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết thời gian qua dường như giới lãnh đạo Bình Nhưỡng “nuốt không trôi” những biểu hiện đắc thắng của Washington, khi nghe các quan chức Mỹ cứ nhắc đi nhắc lại rằng chính những “áp lực tối đa” của Washington đã buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận đối thoại.

Ngoài ra, CNN cũng cho rằng có thể lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn “thị uy” với các quan chức trong nước, muốn chứng tỏ ông là một nhân vật “ngang cơ” với Tổng thống Mỹ. 

Theo CNN, sở dĩ ông Kim phải làm như vậy vì khả năng ông đang chịu áp lực trong nội bộ. Việc lên giọng với Tổng thống Mỹ ông Donald Trump có thể giúp trấn an giới quân sự Triều Tiên, những người đang lo ngại vì thấy chính sách đối với Mỹ thay đổi hoàn toàn.

Còn theo tờ Nikkei của Nhật Bản, Bình Nhưỡng có thể được khuyến khích bởi những thành công ngoại giao gần đây của mình, khi liên tục cải thiện quan hệ với Seoul trong năm nay. 

Quan trọng hơn, Trung Quốc bây giờ dường như sẵn sàng chống lưng Triều Tiên, đặc biệt sau những chuyến thăm liên tiếp của ông Kim tới Bắc Kinh. Trung Quốc và Triều Tiên cổ súy phương án "loại bỏ hạt nhân theo giai đoạn", một cách tiếp cận từng bước mà Bình Nhưỡng ủng hộ nhưng Mỹ và Nhật Bản lo lắng.

Lấy cứng chọi cứng

Đáp lại đe dọa của Bình Nhưỡng, ông Moon Chung-in, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho biết hôm 16-5 rằng máy bay ném bom chiến lược B-52 sẽ không được triển khai đến bán đảo Triều Tiên cho các cuộc tập trận. 

Quyết định này nhằm giảm tầm mức các cuộc tập trận đã lên kế hoạch trước đó giữa Tư lệnh Lực lượng Mỹ - Hàn Vincent Brooks và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo. Đây được xem là động thái nhân nhượng của Mỹ - Hàn.

Các quan chức Mỹ hôm 16-5 vẫn tỏ ra lạc quan, bày tỏ tin tưởng một hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên sẽ tiếp tục ngay cả sau khi Bình Nhưỡng đe dọa "xem xét lại". Dù vậy, Nhà Trắng đã ban hành cảnh báo riêng rằng sẽ không giảm các biện pháp trừng phạt quốc tế. 

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đi đến một cuộc họp thành công, nhưng chúng tôi sẽ không quay lưng lại với mục tiêu của cuộc họp, đó là giải giáp hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói với Fox News Radio. 

Tương tự, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết Nhà Trắng "vẫn hy vọng cuộc họp sẽ diễn ra, và chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đó", nhưng nói thêm rằng phản ứng của Bình Nhưỡng "không phải là điều bất thường”. Bà Sanders cũng khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch áp lực tối đa nếu hội nghị không diễn ra.

Có thể, Washington tin rằng dù Bình Nhưỡng rắn giọng, nhưng họ sẽ không vứt bỏ cơ hội đàm phán trực tiếp với Mỹ, điều họ đã tìm kiếm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Đài RFI của Pháp cho rằng việc Bình Nhưỡng dọa hủy thượng đỉnh Kim-Trump cho thấy tiến trình đối thoại giữa 2 nước còn rất bấp bênh. 

“Dù có diễn ra, cuộc gặp lịch sử tại Singapore sẽ khó đạt ngay được những kết quả ngoạn mục, vì những đòi hỏi của 2 bên có quá nhiều cách biệt”, RFI nhận định.

Anh Kiệt
.
.
.