Trốn thuế tầm quốc tế

Thứ Năm, 06/10/2016, 16:24
Thời gian gần đây, Thanh tra Bộ Y tế đang tiến hành thanh tra toàn diện PepsiCo Việt Nam. Ðiều này một lần nữa làm dấy lên những nghi án trốn thuế khác của các đại công ty toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Quả táo lại lên báo

Ngày 30-12-2015, tin cho biết Apple sẽ phải trả cho Tổng cục Thuế Italia số tiền lên tới 318 triệu EUR (477 triệu USD) để hòa giải cáo buộc trốn thuế trong vòng 6 năm. Nhà sản xuất iPhone và iPad cũng sẽ ký một hiệp ước trong năm nay về cách quản lý nợ thuế từ năm 2015 trở đi. 

Các công tố viên Italia đã tiến hành điều tra những cáo buộc về việc Apple không nộp thuế trong giai đoạn từ 2008-2013 bằng cách chuyển lợi nhuận làm ra ở Italia sang công ty con ở Ireland. Cơ quan thuế trước đó xác nhận một bài báo trên tờ La Repubblica rằng họ đã đạt được một thỏa thuận với Apple, nhưng từ chối cho biết đại gia công nghệ Mỹ sẽ phải trả bao nhiêu tiền. 

Nguồn tin của Reuters cho biết trong khi việc điều tra vẫn tiến hành, việc đạt thỏa thuận có thể sẽ có tác động tích cực vào cuộc điều tra. Trước đó, Apple nói với Reuters rằng hãng là một trong những công ty đóng thuế lớn nhất thế giới và trả mọi đồng tiền thuế họ kiếm được ở bất cứ nơi nào công ty kinh doanh.

Liệu những nỗ lực của các chính phủ có thể kiểm soát được hành vi trốn thuế của các đại công ty?

Thỏa thuận với Italia diễn ra trong bối cảnh EU sắp đưa ra phán quyết thuế về các giao dịch của Apple với Ireland. Năm 2014, EU cáo buộc Ireland vi phạm các quy tắc thuế quốc tế khi cho phép Apple chuyển hàng chục tỷ USD lợi nhuận sang nước này để né thuế, nhằm đổi lại việc làm cho người lao động trong nước. 

Phán quyết của EU có thể tác động lớn đến Apple nếu xác định rằng chính sách thuế Dublin là hỗ trợ cấp nhà nước không lành mạnh. Khi đó, Apple có thể bị truy thu thuế lên tới 10 năm. 

Cùng với Apple, Google và Amazon cũng nằm trong số các công ty đang là mục tiêu điều tra thuế của châu Âu và một số nơi khác. Ủy ban châu Âu (EC) đã ra lệnh cho các nhà chức trách Hà Lan thu hồi tiền thuế lên tới 30 triệu EUR từ chuỗi cà phê Starbucks ở Mỹ, và Luxembourg làm tương tự với Fiat Chrysler.

Tuyệt chiêu đảo ngược

Cuối năm 2015 cũng là lúc tin tức xôn xao về thương vụ sáp nhập khủng trị giá 160 tỷ USD giữa Pfizer và Allergan. Pfizer, với trị giá gần 200 tỷ USD, sẽ được công ty nhỏ hơn là Allergan mua lại. Công ty này hoạt động ở New Jersey, Mỹ nhưng về mặt kỹ thuật lại có trụ sở ở Ireland. 

Điều này sẽ cho phép Pfizer, có trụ sở ở New York, trở thành công ty Ireland. Một khi thương vụ hoàn tất, hầu hết doanh thu của Pfizer (bao gồm cả doanh thu làm ra ở Mỹ) sẽ được tính theo thuế suất toàn cầu (thường thấp hơn thuế suất của Mỹ).

Trong những năm qua, hàng chục công ty Mỹ đã dùng cách thức tương tự, được gọi là “đảo ngược”, để chuyển thành công ty ở Ireland, Anh hay những nước khác nơi có thuế doanh nghiệp thấp hơn Mỹ - dự kiến sẽ khiến Bộ Tài chính nước này thất thu ngân sách hơn 20 tỷ USD trong 10 năm. 

Apple cũng dùng thủ thuật đảo ngược này. Apple giữ 248 tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ công ty Mỹ nào khác, và sẽ nợ ước tính 59,2 tỷ USD tiền thuế nếu mang số tiền đó trở về Mỹ, theo một nghiên cứu gần đây của SEC. Tuy nhiên, thương vụ đảo ngược của Pfizer là lớn nhất từ trước đến nay.

Apple sẽ phải trả cho Tổng cục Thuế Italia số tiền lên tới 318 triệu EUR (477 triệu USD) để hòa giải cáo buộc trốn thuế trong vòng 6 năm.

Các công ty đảo ngược hầu như luôn giữ trụ sở chính và các nhà điều hành hàng đầu tại Mỹ; họ cũng vẫn niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, nơi họ có thể huy động vốn và được Luật Chứng khoán Mỹ bảo vệ. 

Thêm vào đó, các công ty đảo ngược tiếp tục hưởng sự bảo vệ của Luật Bản quyền Mỹ, cũng như các kết nối của họ với các cơ quan nghiên cứu liên bang - những điều rất quan trọng đến lợi nhuận của một công ty dược. 

Trái ngược với niềm tin phổ biến, những nghiên cứu phát triển mở đường, nhiều rủi ro không phải do các công ty dược phẩm lớn thực hiện, nhưng do một cơ quan hoạt động bằng tiền thuế là Viện Y tế quốc gia (NIH).

Các nhà điều hành Pfizer, cũng như các công ty đảo ngược khác, biện hộ rằng công ty không thể cạnh tranh nếu trả thuế suất lợi nhuận ở mức cao 35% như Mỹ quy định. Nhưng lý lẽ đó không thuyết phục. Các công ty đa quốc gia Mỹ thường xuyên tận dụng việc khấu trừ thuế để giảm thuế suất phải nộp. 

Việc xây dựng luật và quy định để cấm hoạt động đảo ngược công ty không khó, và hiện có nhiều dự luật ở quốc hội có thể nhanh chóng chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, điều bị thiếu là ý chí chính trị để ngăn cản các nhóm hoạt động vì lợi ích doanh nghiệp, vốn rất quyền lực.

Chiến lược tinh vi

Trong một bài viết ngày 24-11-2015, báo Financial Times (FT) cho biết Ngân hàng Đức Deutsche Bank (DB) đã vạch ra một chiến lược né thuế quốc tế rất tinh vi và phức tạp cho một số khách hàng lớn ngân hàng. 

Theo đó, những kế hoạch né thuế được vạch ra trong năm 2015 cho một số khách hàng của DB có văn phòng ở Brazil, bao gồm Hãng bia AB InBev và các tập đoàn hàng hóa Archer Daniels Midland, Bunge và Cargill. Những công ty này liên quan đến cái gọi là công cụ tham gia lợi nhuận, hay giao dịch PPI. 

Theo chiến lược đề xuất, một khách hàng của DB tại Brazil sẽ hợp tác đầu tư với chi nhánh tại Áo của ngân hàng trong một thực thể mới được thành lập ở Áo. Thực thể ở Áo sau đó sẽ lấy vốn và cho vay trở lại đối với khách hàng của công ty dưới thẩm quyền bên ngoài Brazil với các quy định khấu trừ thuế thuận lợi - giống như ở một quốc gia châu Âu.

Cả khách hàng và DB sẽ được hưởng lợi từ "lợi nhuận" của thực thể ở Áo - được tạo ra từ các khoản cho vay - và dùng chúng trả như cổ tức và cũng hội đủ điều kiện miễn giảm thuế. DB thiết kế các giao dịch theo cách này để thiết lập một lý do thương mại, chẳng hạn như nâng cao tài chính, chứ không chỉ đơn giản là thay đổi đường đi của dòng tiền để tránh thuế. Những giao dịch tương tự đã được đề xuất để tận dụng lợi thế của các thỏa thuận về thuế giữa các nước khác, chẳng hạn như Mexico và Luxembourg. Tất cả các đề xuất đều không phạm pháp. 

Thương vụ đảo ngược của Pfizer là lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, ranh giới giữa việc né thuế (hợp pháp) và trốn thuế (phi pháp) là rất mong manh. Giới chuyên môn cho rằng không có ngân hàng nào có thể biết rõ khách hàng của mình hoàn toàn, để đảm bảo những chiến lược phức tạp như của DB không bị dùng cho các mục đích phi pháp. Vì vậy, một ngân hàng công chính không nên cung cấp những kế hoạch như vậy.

Trước đó không lâu, chi nhánh tại Thụy Sĩ của DB ngày 25-11 đã chấp nhận nộp phạt 31 triệu USD để hòa giải cáo buộc giúp né thuế ở Mỹ. Hồi tháng 9-2015, các nhà chức trách Mỹ tuyên bố điều tra việc DB gian lận thuế hơn 190 triệu USD.

Tổn thất 240 tỷ USD/năm

Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) ước tính hoạt động trốn/né thuế của các công ty đa quốc gia khiến thế giới tổn thất khoảng 240 tỷ USD mỗi năm. Nhưng giới quan sát tin rằng ước tính này còn quá thấp, nếu xem xét trường hợp báo cáo của ATO. Theo đó, gần một nửa các công ty nước ngoài có tổng doanh thu 21,2 tỷ AUD chẳng trả một xu tiền thuế nào.

Hai trong số những công ty khai khoáng đa quốc gia lớn nhất ở Australia là BHP Billiton và Rio Tinto đã dùng những biện pháp chuyển giá phức tạp để che giấu hàng tỷ USD lợi nhuận. Khi các công ty toàn cầu lớn và được trọng vọng bất chấp liêm sỉ và đạo đức để né thuế theo kiểu này, họ làm tổn hại tới xã hội và làm gương xấu cho các công ty khác. Tình trạng này khá phổ biến. 

Tại Việt Nam, các công ty toàn cầu như: Coca Cola, Metro, Adidas, Keangnam, PepsiCo… cũng bị lên án đã né thuế nhiều năm trời bằng cách chuyển giá. Theo VnExpress, từ khi thành lập vào tháng 2-1994  đến năm 2014 chưa năm nào Coca Cola Việt Nam khai có lãi, dù doanh thu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, nên chưa hề đóng 1 xu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào. 

Tại Mỹ, các đại gia như Apple, Google hay gần đây là Pfizer cũng cố thay đổi cấu trúc công ty để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (xem Kỳ 1). Tại Anh, đại gia mạng xã hội Facebook khai báo lỗ 28,5 triệu bảng, nhưng lại thưởng cho cán bộ-công nhân viên tổng số tiền lên tới 35 triệu bảng…

Gabriel Zucman, tác giả cuốn "The Hidden Wealth of Nations: The Scourge of Tax Havens", viết: “55% tất cả lợi nhuận nước ngoài của các công ty Mỹ hiện đang được giữ ở các thiên đường né thuế. Hành vi này khiến Mỹ tổn thất 130 tỷ USD mỗi năm”. 

Tầm mức to lớn của hành vi né thuế là nguyên nhân khiến cuộc họp thượng đỉnh các nước G20 ở London năm 2009 các nhà lãnh đạo đã triển khai một cuộc tấn công và các thiên đường thuế, tuyên bố sẽ “chấm dứt thời đại bí mật ngân hàng”. Tuy nhiên, đáng thất vọng là từ đó đến nay số tiền giữ ở các thiên đường né thuế lại tăng thêm 25%.

Những đề xuất cải tổ luật thuế

Vì hầu hết hành động trốn/né thuế của doanh nghiệp đều hợp pháp hoặc gần như hợp pháp, nên việc ngăn chặn hoạt động này đòi hỏi phải đi từ việc cải tổ luật thuế. Sau đây là những cải tổ lớn các nhà làm luật quốc tế đang hướng đến để ngăn chặn hoạt động trốn/né thuế của doanh nghiệp. 

Một cách để giảm thiểu hoạt động chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp là bãi bỏ việc hoãn nộp thuế, hoặc thành lập một cơ quan thuế toàn cầu đúng nghĩa để thu thuế thu nhập ở nước ngoài. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế hiện hành về thu nhập của chi nhánh nước ngoài, dù sau đó họ có thể lấy tín thuế (tax credit) nước ngoài. Các chuyên gia ước tính nếu thay đổi theo hướng này, Mỹ sẽ thu thêm được 63-83 tỷ USD/năm.

Có nhiều vấn đề xung quanh việc bãi bỏ hoãn nộp thuế này, chủ yếu xoay quanh tác động của nó tới việc phân bổ vốn. Từ trước đến nay, những phân tích kinh tế cho thấy bỏ hoãn nộp thuế sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế, nhưng gần đây có người cho rằng lợi cũng chỉ bằng hại, vì doanh nghiệp sẽ suy giảm sức sản xuất tại các nước có thuế cao. 

Để dung hòa giữa lợi và hại, một số nhà nghiên cứu đề xuất triển khai bãi bỏ hoãn nộp thuế từng phần, có chọn lọc. Chẳng hạn, chỉ triển khai bỏ hoãn nộp thuế đối với phần thu nhập được chuyển tới các thiên đường thuế; những nước có thuế suất doanh nghiệp thấp hơn... 

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các doanh nghiệp vẫn có thể tránh được ảnh hưởng của bãi bỏ hoãn thuế bằng việc có công ty mẹ ở nước ngoài, nơi vẫn cho phép hoãn nộp thuế. Trực tiếp và có lợi nhất cho việc giảm nợ thuế của các công ty là việc tiến hành “tuyệt chiêu đảo ngược” như đã nêu trong Kỳ 1.

Công thức phân bổ

Một đề xuất khác là không bãi bỏ việc hoãn nộp thuế, mà làm cho việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trở nên kém hấp dẫn bằng những quy định về phân bổ các khoản khấu trừ và tín thuế, nhằm triệt tiêu những lợi ích của hoạt động chuyển lợi nhuận cho đến khi nó hồi hương. 

"Thật buồn cười và cũng thật bất công khi biết rằng một đại công ty toàn cầu đóng thuế cho nhà nước ít hơn một người lao động bình thường trong hàng chục năm qua". Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách thuế và quản trị OECD.

Theo đó, một phần khấu trừ thuế tương đương với lợi ích thu được từ việc chuyển lợi nhuận sang nước ngoài sẽ không được phép. Nguyên tắc phân bổ tín thuế nước ngoài có thể có một loạt hiệu ứng. Nó sẽ khiến đầu tư ra nước ngoài kém hấp dẫn vì sẽ làm tăng thuế thu nhập một khi khoản lợi nhuận cuối cùng cũng phải hồi hương. Nó cũng làm nản lòng những doanh nghiệp muốn đầu tư vào các nước có thuế suất thấp trong khi khuyến khích hồi hương các khoản thu nhập đối với các hoạt động hiện tại vì thuế thu nhập tiềm năng sẽ cao hơn.

Một cách khác để giải quyết vấn đề chuyển doanh thu là đưa ra công thức phân bổ, đó sẽ là một sự thay đổi lớn trong hệ thống thuế quốc tế. Với công thức phân bổ, thu nhập sẽ được phân bổ cho các khu vực pháp lý khác nhau dựa trên đóng góp về doanh số, tài sản và việc làm. Cách tiếp cận này đã được nhiều tiểu bang Mỹ và các tỉnh ở Canada sử dụng. Các nghiên cứu ước tính việc áp dụng công thức phân bổ sẽ giúp gia tăng đáng kể tiền thu thuế. 

Nhà nghiên cứu Slemrod và Shackleford ước tính thu thuế sẽ tăng 38% nếu áp dụng một công thức phân bổ gồm 3 yếu tố. Tuy nhiên, hệ thống công thức phân bổ không giải quyết được việc chuyển đổi thu nhập đối với tài sản vô hình. 

Nếu tất cả vốn là tài sản hữu hình, như các tòa nhà và thiết bị, hệ thống công thức phân bổ dựa trên vốn ít nhất sẽ dẫn đến cùng một tỷ lệ lợi nhuận cho các doanh thu ở nơi có thuế suất cao và thuế suất thấp. 

Nhưng hệ thống phân bổ dựa trên tài sản sẽ trở nên khó khăn hơn khi tài sản là vô hình, vì việc ước tính các khoản đầu tư vô hình là khá khó khăn (do thiếu thông tin về các mô hình lợi nhuận tương lai).

Nhà nghiên cứu Michael McIntyre của Mỹ đề xuất một số kiến nghị để đối phó với hoạt động chuyển giá, trong đó bao gồm việc ra hình phạt chuyển giá gần như tự động đối với các công ty không giữ được hồ sơ chứng từ hiện hành. 

Ông cũng gợi ý sử dụng một số loại công thức phân bổ để xác định hoạt động chuyển giá một cách nhanh chóng, như vậy cơ quan thuế không cần phải tốn nhiều công sức để điều tra chuyển giá. Đề xuất của ông McIntyre sẽ giải quyết một số vấn đề chuyển giá liên quan đến việc chuyển các tài sản vô hình, bằng cách làm rõ tài sản vô hình bao gồm lực lượng lao động tại chỗ, lợi thuế doanh nghiệp.

Văn Cường
.
.
.