Trùm khủng bố thế kỷ bị tiêu diệt - chủ nghĩa khủng bố liệu có chết theo?

Thứ Ba, 20/01/2015, 07:00
“Ngày hôm nay với chỉ thị của tôi, Hoa Kỳ đã mở một chiến dịch có mục tiêu tại Abbottabad, Pakistan. Một tiểu đội Mỹ đã thực hiện chiến dịch này bằng khả năng và lòng dũng cảm khác thường. Không có người Mỹ nào bị tổn thương. Họ đã cẩn trọng tránh gây thiệt hại cho dân chúng. Sau trận đấu súng, họ đã giết chết Osama bin Laden”. Lời Tổng thống Barack Obama, ngày 1 tháng 5, 2011

Và ngày hôm đó trở thành một ngày đặc biệt, nhiều người dân Mỹ đã khóc, đặc biệt là những người Mỹ có thân nhân bị thiệt mạng trong vụ 11 tháng 9. Với người dân trên toàn thế giới thì cái tên Osama bin Laden là cái tên không thể nào quên. Là một trong những đối tượng truy nã số một của CIA, là người anh hùng, vị thánh trong mắt hàng nghìn thanh niên Ả rập, là nhà triệu phú và là trùm khủng bố quốc tế trong mắt phương Tây, kẻ thù không đội trời chung của Mỹ… Tất cả vẫn chưa đủ để vẽ lên chân dung của Osama bin Laden.

Huyền thoại khủng bố

Osama bin Laden sinh tại thủ đô Riyadh của Ảrập Xê út vào ngày 10/3/1957, trong một gia đình Hồi giáo triệu phú gốc Yemen. Cha ông ta, Mohammed bin Laden (đã chết), là sáng lập viên của một công ty xây dựng và được hoàng gia bảo trợ, nên “tiền vào như nước”. Những mối quan hệ rất hữu ích của công ty cho phép họ giành được nhiều hợp đồng béo bở, chẳng hạn như thầu toàn bộ công trình tu bổ các thánh đường Hồi giáo ở Mecca và Medina.

Mohammed bin Laden lấy nhiều vợ và có tới 50 con. Osama là con thứ 17. Vì mẹ là vợ bé nên Osama hẳn đã phải chịu một thân phận thấp kém trong đại gia đình. Lớn lên, ông ta học quản trị kinh doanh và kinh tế ở Đại học Quốc vương Abdul Aziz (Jedda, Ảrập Xê út), chịu nhiều ảnh hưởng của các giáo viên ngoan đạo. Chính những người này đã góp phần quan trọng đưa ông ta đến với thế giới rộng lớn của đạo Hồi. Bin Laden tốt nghiệp cử nhân năm 1981.

Sự kiện Liên Xô đem quân vào Afghanistan (năm 1979) làm cuộc đời Osama bin Laden rẽ sang một ngả mới. Ông ta ủng hộ cuộc thánh chiến của người Hồi giáo chống quân đội Xô Viết. Điều đáng nói là khi đó, Mỹ là nước bảo trợ chính của Afghanistan, thậm chí còn có tin là bin Laden được chính CIA đào tạo. Cho nên việc Mỹ bị Osama bin Laden “phản thùng” về sau này cũng có thể được ví như chuyện phù thủy dạy âm binh và cuối cùng bị âm binh quật lại, không kiểm soát nổi vậy.

Mỹ đã cùng Ả rập Xê út và Pakistan thành lập các trường Hồi giáo ở Pakistan, dành riêng cho dân tị nạn Afghanistan. Về sau, những trường này phát triển thành trung tâm huấn luyện các chiến binh Hồi giáo. Giữa thập niên 80, bin Laden chuyển sang sống ở Afghanistan. Tại đây, ông ta thành lập tổ chức Maktab al-Khidimat (MAK), tuyển mộ chiến binh Hồi giáo từ khắp mọi nơi trên thế giới, tạo cơ sở cho một mạng lưới Hồi giáo vũ trang quốc tế. Thời kỳ đó, MAK đã có văn phòng ở Detroit và Brooklyn (Mỹ).

Chân dung trùm khủng bố Osama bin Laden.

Sau khi Liên Xô rút quân (năm 1989), Bin Laden trở về Ả rập Xê út và làm việc trong công ty xây dựng của cha mình. Ông ta thành lập một tổ chức chuyên giúp đỡ cựu chiến binh Afghanistan. Những người này dần dần trở thành các chiến binh dày dạn, sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp của đạo Hồi. Chính họ đã hình thành đội ngũ cốt cán cho lực lượng ủng hộ Bin Laden hiện nay.

Năm 1990, Iraq kéo quân vào Kuwait. Để phản đối, chính phủ Ả rập Xê út cho phép Mỹ đem quân vào đóng ở nước họ, chuẩn bị đánh Iraq. Bin Laden rất tức giận vì chuyện này, cho rằng như thế là những kẻ vô đạo (binh lính Mỹ) đã được quyền đặt chân vào cái nôi của đạo Hồi, làm bẩn nơi tôn nghiêm. Ông ta cũng lên án chính quyền Ả rập Xê út lầm lạc, xa rời Hồi giáo. Cuối cùng, do có nhiều hoạt động chống chính phủ, bin Laden bị trục xuất năm 1991. Ông ta sang Sudan, làm việc cho một nhóm người Ai Cập chống chính phủ sống lưu vong ở đây.

Năm 1992, bin Laden lên tiếng nhận trách nhiệm về một âm mưu đánh bom binh lính Mỹ ở Yemen. Năm sau, một lần nữa ông ta nhận trách nhiệm tấn công quân Mỹ ở Somalia. Đến năm 1994, do bị áp lực từ phía Mỹ và Ả rập Xê út, chính quyền Sudan buộc phải trục xuất Bin Laden. Ông ta lại trở về Afghanistan. Năm 1998, bin Laden tuyên bố tất cả công dân Mỹ và Do Thái, kể cả trẻ em, phải chết. Thực sự là ông ta đã phát động một cuộc thánh chiến chống Mỹ. Phương Tây cho rằng kể từ đó, bin Laden đã dính vào hàng loạt vụ khủng bố, trong đó có vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào ngày 7/8/1998, làm chết 226 người (7/8/1990 là ngày Mỹ triển khai quân đội ở Ả rập Xê út).

Những cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào các mục tiêu ở Sudan và Afghanistan, tháng 8/1998, chẳng ảnh hưởng gì tới mạng lưới của bin Laden. Ông ta tiếp tục kêu gọi tín đồ tiêu diệt Mỹ, Israel, hoàng gia Ả rập Xê út, tuyên bố rằng chừng nào những chướng ngại vật này bị xóa sổ, 3 xứ sở thiêng liêng của đạo Hồi là Mecca, Medina và Jerusalem mới được giải phóng.

Bin Laden có 4 vợ và ít nhất 10 người con. Dư luận quanh ông ta nhận xét rằng đây là một người đàn ông ít nói và khiêm tốn, thậm chí nhút nhát, rất ngại trả lời phỏng vấn báo chí. Và trong khi phương Tây không ngớt lên án bin Laden, gần như toàn thể gia đình bin Laden chối bỏ ông ta, thì con người này lại như một vị anh hùng trong mắt tín đồ Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới. Đối với họ, bin Laden là một chiến sĩ can đảm, đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho Hồi giáo. Bin Laden lại có tài thuyết phục, nên không lấy gì làm lạ khi ông ta có rất nhiều người hâm mộ và sẵn sàng tử chiến để bảo vệ chủ. Tổ chức của ông ta giờ đây là Al Qaeda (nghĩa là “cơ sở”) có chừng 3.000 người theo. Bin Laden tài trợ cho Al Qaeda bằng số tài sản khổng lồ, ước tính trị giá 250 triệu USD của mình. Dường như ông ta chính là đại diện cho một “trào lưu” mới trong lịch sử khủng bố - trào lưu tư nhân hóa: Trước khi có bin Laden, các tổ chức khủng bố lớn thường có liên hệ này khác với chính phủ, nhưng từ khi có ông ta thì bằng tiền riêng và những tín đồ riêng, rất trung thành của mình, bin Laden có khả năng tự mình tổ chức những cuộc tấn công khủng bố cực lớn. Ông ta cũng không loại trừ khả năng dùng vũ khí hóa học hoặc nguyên tử để hành động, nói rằng bảo vệ đạo Hồi là nhiệm vụ thiêng liêng.

Washington dứt khoát cho rằng Osama bin Laden đứng sau vụ khủng bố nước Mỹ sáng 11/9, và thông báo họ đã nhận được những thông điệp mà các tín đồ của ông trao đổi với nhau, bàn về vụ tấn công. Bin Laden thì thẳng thừng bác bỏ mọi sự liên quan, nhưng như thường lệ, với chủ trương bài phương Tây, ông ta cho biết mình “ủng hộ nhiệt liệt hành động dũng cảm” đó.

Phái Taliban yêu cầu Mỹ phải đưa ra bằng chứng cụ thể và đầy đủ thì mới có thể ra lệnh bắt Osama bin Laden. Họ cũng nói rằng giữ bin Laden lại Afghanistan là vấn đề danh dự, cho dù LHQ cấm vận để buộc họ phải giao nộp ông ta. Theo tin mới nhất về Bin Laden và chính quyền Taliban, hiện nay đội ngũ vệ sĩ người Ả rập của ông ta đã được thay bằng cảnh sát Afghanistan, còn bản thân ông ta thì chuyển đến một địa điểm bí mật nào đó.

Người dân Iraq ở Baghdad theo dõi hình ảnh Osama bin Laden trên kênh Al-Arabiya.

Phe Taliban cho Mỹ chọn 1 trong 3 khả năng. Một là, nếu chính phủ Mỹ đưa ra bằng chứng xác thực, cho thấy bin Laden tham gia vào hoạt động khủng bố, thì ông ta sẽ bị dẫn độ cho Washington. Hai là, nếu không có bằng chứng nào được công bố, Taliban sẽ xét xử bin Laden ở tòa án riêng, theo luật Hồi. Nếu căn cứ vào luật Hồi mà ông ta bị kết tội, thì tòa án sẽ trừng phạt bin Laden. Ba là, tập trung tất cả các học giả Hồi giáo trên toàn thế giới để giải quyết vụ việc. Washington bác bỏ cả 3 khả năng này. Có thể cả hai bên Mỹ và Taliban sẽ chẳng nhất trí được điểm nào. Với Mỹ, Osama bin Laden là tên trùm khủng bố. Với Afghanistan, ông ta là người thân cận của lãnh tụ tối cao Mullah Omar và không chỉ vậy, còn là rể yêu của Omar. Nói cách khác, nếu Washington muốn bắt bin Laden “dù sống hay chết”, họ sẽ phải tự mình làm việc đó, chứ Taliban không đời nào dẫn độ người anh hùng của họ. Cho dù phương Tây có nói gì về Osama bin Laden, thì trong mắt nhiều tín đồ Hồi giáo, ông ta mãi mãi là một huyền thoại.

Phải chết

Chính phủ Mỹ đã trải qua một chiến dịch truy lùng trùm khủng bố vô cùng vất vả kéo dài cả thập kỷ. Bin Laden được cho là ẩn náu tại khu vực các bộ tộc hẻo lánh, nằm giữa biên giới hiểm trở Afghanistan và Pakistan và lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã không ít lần bắt hụt. Việc nhận dạng những người đưa tin của al-Qaeda là một ưu tiên ban đầu đối với những giới chức thẩm vấn tại các nơi bí mật của CIA và trại giam giữ tù nhân ở vịnh Guantanamo. Năm 2002, những người thẩm vấn có nghe qua lời khai không được kiểm chứng về một người đưa tin của al-Qaeda có bí danh là Abu Ahmed al-Kuwaiti. Năm 2003 Khalid Sheik Mohammed, người được cho là trưởng nhóm hành động của al-Qaeda, tiết lộ khi bị thẩm vấn rằng ông ta có quen với al-Kuwaiti nhưng người này không hoạt động trong tổ chức al-Qaeda.

Năm 2004 một tù nhân al-Qaeda tên Hassan Ghul cho những người thẩm vấn hay rằng al-Kuwaiti là người gần gũi với bin Laden cũng như Khalid Sheik Mohammed và người thay thế vai trò của Mohammed là Abu Faraj al-Libi. Ghul tiết lộ thêm rằng al-Kuwaiti đã biến mất, một sự thật mà khiến cho các giới chức Mỹ nghi ngờ rằng người này đã di chuyển cùng với bin Laden. Khi đối chất lời khai của Ghul, Khalid Sheik Mohammed vẫn bám chặt vào câu chuyện mà ông đã kể lúc ban đầu. Abu Faraj al-Libi bị bắt vào năm 2005 và cho các nhà thẩm vấn CIA biết rằng người đưa tin của bin Laden là một người đàn ông có tên là Maulawi Abd al-Khaliq Jan. Al-Libi được chuyển trại tù đến Guantanamo vào tháng 9 năm 2006. Ông ta từ chối là biết al-Kuwaiti. Vì cả Mohammed và al-Libi đều có ý giảm thiểu tầm quan trọng của al-Kuwaiti nên các giới chức Mỹ suy đoán rằng người này là một phần trong nhóm thân cận bên trong của bin Laden.

Năm 2007 các giới chức Mỹ biết được tên thật của al-Kuwait nhưng họ không tiết lộ tên cũng như không cho biết làm sao họ có thể biết được tên thật của người này. CIA chưa bao giờ tìm ra bất cứ ai có tên là Maulawi Jan và tin rằng al-Libi đã dựng ra cái tên này. Năm 2010, trong một cuộc nghe lén một phần tử khủng bố khác bị CIA theo dõi, vô tình CIA nghe được một cuộc nói chuyện giữa người này và al-Kuwaiti. Các giới chức CIA tìm ra vị trí của al-Kuwaiti và theo dõi người này đến khu nhà của bin Laden. Al-Kuwaiti và người anh em của mình sau này đã bị bắn chết cùng với bin Laden trong cuộc đột kích

Sau khi xem các hình ảnh chụp qua vệ tinh và các bản báo cáo tình báo, CIA nhận dạng được những người sống trong khu nhà mà người đưa tin thường đến. Tháng 9, CIA kết luận rằng khu nhà này "được xây đặc biệt để giấu người quan trọng nào đó" và rất có thể đây là nơi cư ngụ của bin Laden. Các giới chức Hoa Kỳ đoán rằng bin Laden đang sống tại đó với người vợ trẻ nhất. Khu nhà nằm biệt lập với xung quanh là khoảng đất trống và những ngôi nhà của người dân thuộc tầng lớp trung lưu hoặc sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Nơi này chỉ cách Học viện Quân sự nổi tiếng nhất Pakistan vài km. Theo nhiều nguồn tin, giới chức tình báo Mỹ bắt đầu nhận được tin tức cho thấy Osama bin Laden có mặt trong tòa nhà này từ tháng 8/2010 và đã phải dành nhiều thời gian để xác minh Toàn bộ khu trú ẩn của bin Laden rộng khoảng 3.000 mét vuông trị giá ước tính một triệu USD nhưng không có đường dây điện thoại hay Internet kết nối với bên ngoài. Bao quanh nó là một hàng rào kiên cố cao 4,5 mét có dây thép gai giăng bên trên và gắn nhiều camera theo dõi. Bên cạnh đó là hệ thống an ninh chặt chẽ với hai chiếc cổng gác và các công trình xây dựng được bố trí như một tổ hợp pháo đài có chủ ý phòng thủ từ bên trong. Trung tâm của khu phức hợp này là tòa nhà 3 tầng khá rộng, nhưng có rất ít cửa sổ và cũng được bao bọc bằng một bức tường nữa cao hơn 2 mét.

Bắt đầu từ tháng 9 năm 2010, sau một thời gian thu thập tình báo về khu nhà tại Pakistan mà người đưa tin đang ở, ngày 14 tháng 3, Tổng thống Obama họp với các cố vấn an ninh của mình để lên kế hoạch hành động. Họ họp 4 lần nữa (29 tháng 3, 12 tháng 4, 19 tháng 4 và 28 tháng 4) trong 6 tuần lễ trước cuộc đột kích. Ngày 29 tháng 3, Obama đích thân thảo luận kế hoạch với Phó đô đốc William H. McRaven, chỉ huy Bộ Tư lệnh quân đặc biệt Hoa Kỳ. Phương pháp hành động kiểu biệt kích cũng có nhiều rủi ro, trong số đó phải kể đến thực tế là việc chuẩn bị kéo dài sự huấn luyện cần thiết để hành động, dễ làm cho thông tin bị rò rỉ ra ngoài, gây khó khăn, nguy hiểm cho sứ mệnh và khiến cho bin Laden ẩn nấp kín hơn.

Ngày 29 tháng 4, lúc 8h20’ sáng, Tổng thống Obama nhóm họp cùng Brennan, Thomas E. Donilon và các cố vấn an ninh quốc gia khác tại Phòng Lễ tân Ngoại giao và đưa ra lệnh tối hậu cho cuộc đột kích vào khu nhà ở Abbottbad. Một viên chức hành chính cao cấp nói với các phóng viên sau khi chiến dịch kết thúc rằng chính phủ Pakistan đã không được thông báo trước về chiến dịch này. Cuộc đột kích được hoạch định tiến hành vào ngày hôm đó nhưng bị hủy bỏ cho đến hôm sau vì trời có mây. Sau khi Tổng thống Obama cho phép thực hiện sứ mệnh giết hoặc bắt sống Osama bin Laden, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ Leon Panetta ra tín hiệu bắt đầu vào giữa ngày 1 tháng 5.

Các biệt kích SEALs bay vào Pakistan từ căn cứ tập hợp tại Jalalabad, Afghanistan sau khi xuất phát tại Căn cứ Không quân Bagram. Cuộc đột kích được dự tính vào thời gian có ít ánh trăng để các máy bay trực thăng có thể vào không phận Pakistan. Các máy bay trực thăng này đã sử dụng các kỹ thuật bay là trên mặt đất và lẩn quanh địa hình đồi núi để đến khu nhà, không để màn hình radar của quân đội Pakistan phát hiện. Ngay khi cuộc đột kích bắt đầu, các máy bay phản lực tiêm kích của quân đội Pakistan được lệnh xuất kích nhưng không can thiệp vào cuộc đột kích. Theo Public Multimedia, Pakistan được Hoa Kỳ thông báo về cuộc đột kích ngay khi nó bắt đầu nhưng được yêu cầu tránh xa.

Bin Laden và nhóm biệt kích chạm mặt nhau trên tầng ba của khu nhà. Sau đó người ta tìm thấy tờ giấy bạc 500 và hai số điện thoại được khâu vào trong bộ quần áo của bin Laden. Tuy trong phòng có vũ khí gồm có một khẩu súng AK-47 và súng ngắn Makarov, nhưng bin Laden không mang trong người lúc bị bắn. Theo tờ báo Politico "Cuộc chạm mặt với bin Laden kéo dài chỉ vài giây" và xảy ra trong "5 hoặc 10 phút cuối cùng" của cuộc đột kích. Bin Laden bị giết chết bởi ít nhất một và có thể là hai viên đạn từ phía biệt kích Mỹ. Một viên bắn trúng bên trái đầu của bin Laden và viên đạn kia được nhiều báo chí tường trình là bắn trúng ngực. Bin laden - trùm khủng bố thế kỷ đã chết.

Không chỉ trong quân đội Mỹ và các nước liên quan mà người dân trên toàn thế giới còn nói đi nói lại về cái chết của người mà ai cũng biết là ai. Nhưng dù bin Laden đã chết nhưng chủ nghĩa khủng bố không có nghĩa cũng chết theo - đó là điều đáng buồn cho thế giới.

Hải Hiền
.
.
.