Trung Quốc:

Bản án nghiêm khắc đối với quan chức làm ăn tắc trách

Thứ Bảy, 01/04/2017, 11:26
Không những bị kết án 20 năm tù, nguyên Giám đốc Công ty Phát triển đầu tư Ích Tương Long Thâm Quyến, ông Long Renfu còn phải nộp phạt 10 triệu nhân dân tệ (NDT) và đó là phán quyết được Tòa án thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đưa ra hôm 5-5.

Cùng bị tòa tuyên mức án 20 năm tù còn có ông Meng Jinghai, nguyên lãnh đạo chính quyền thành phố Thâm Quyến. Ông Meng Jinghai phạm tội tham nhũng và nhận hối lộ với số tiền trị giá 25 triệu NDT và 102.700 USD. Do đó, ngoài bản án 20 năm tù, ông Meng Jinghai còn bị tòa tuyên phải nộp khoản phạt 8 triệu NDT.

Ông Peng Shuiqing, nguyên lãnh đạo Cơ quan Quản lý đô thị và thực thi pháp luật quận Quang Minh, bị kết án 16 năm tù giam và phải nộp phạt 1 triệu NDT. Ngoài 3 người kể trên, Tòa án thành phố Thâm Quyến còn tuyên phạt mức án từ 3 đến 7 năm tù đối với 17 cựu quan chức khác.

Vụ lở đất đã vùi lấp một diện tích tương đương 50 sân bóng đá.

25 quan chức liên quan chỉ bị tòa tuyên nộp các mức tiền phạt khác nhau. 45 người kể trên bị tòa tuyên những bản án khác nhau bởi họ làm ăn tắc trách, dẫn tới vụ sạt lở đất hôm 20-12-2015, khiến 73 người chết, 4 người mất tích, hàng chục tòa nhà bị phá hủy và đất bùn bao phủ cả một quận công nghiệp với diện tích lên tới 380.000m2.

Theo cáo trạng tại tòa, Công ty Phát triển đầu tư Ích Tương Long Thâm Quyến là doanh nghiệp quản lý các bãi phế thải xây dựng, nhưng đã để quá tải chất thải, dẫn đến sạt lở bùn đất, bỏ qua các nguyên tắc an toàn, dẫn đến thảm họa nghiêm trọng.

Vụ lở đất xảy ra tại Khu công nghiệp Hằng Thái Dục ở quận Quang Minh, thuộc Đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Khu vực bãi rác thải được thiết kế với sức chứa 4 triệu m3, cùng chiều cao tối đa 95m, nhưng khi tai nạn xảy ra, nơi đây chứa gần 5,83 triệu m3 rác thải với những đống rác cao tới 160m.

Ngoài thiệt hại về người, thảm họa lở đất còn khiến 33 tòa nhà bị chôn vùi, với thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 880 triệu NDT (khoảng 132 triệu USD). Ngày 28-12-2015, cảnh sát đã bắt 12 người có liên đới tới vụ lở đất, và họ đều thuộc Công ty Phát triển đầu tư Ích Tương Long Thâm Quyến.

Việc này diễn ra sau khi ông Từ Viễn An, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Quang Minh (đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý rác thải) tự tử hôm 27-12-2015. Theo báo cáo của Sở Công an thành phố Thâm Quyến, ông Từ Viễn An đã nhảy lầu tự tử ở quận Nam Sơn.

Sau khi điều tra, cảnh sát loại trừ khả năng nạn nhân bị sát hại. Nơi xảy ra vụ lở đất kinh hoàng vốn là khu vực trầm tích bùn đáy, chủ yếu được chất đống bởi rác thải xây dựng. Và phần đất lở thuộc Khu công nghiệp Hằng Thái Dục ở quận Quang Minh.

Gần 1 năm trước (15-7-2016), Tân Hoa xã dẫn báo cáo điều tra của Quốc vụ viện cho biết, vụ lở đất khiến 73 người thiệt mạng và 4 người mất tích hôm 20-12-2015 là do mất an toàn lao động.

Bên cạnh đó sai phạm trong quản lý rác thải xây dựng, cùng thiếu hệ thống thoát nước tại bãi rác thải là nguyên nhân của vụ lở đất. Báo cáo điều tra kể trên do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai ký (phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền tỉnh Quảng Đông cùng tiến hành) cũng chỉ rõ 110 cá nhân phải chịu trách nhiệm, trong đó 53 người bị cảnh sát bắt để thẩm vấn.

Hiện trường vụ lở đất.

Trước đó, Bí thư thành phố Thâm Quyến cho biết, nhóm điều tra do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai dẫn đầu đã xác nhận, đây là một vụ vi phạm an toàn lao động. Theo các chuyên gia có mặt tại hiện trường, do kết cấu đất rất nhão, hàm lượng nước lớn, khiến cho nhân viên và máy móc tham gia cứu hộ khó di chuyển.

Vì phạm vi vụ lở đất rộng tương đương 50 sân bóng, nên người ta phải huy động hơn 200 nhân viên để dọn dẹp đống đổ nát. Phát biểu tại cuộc họp báo tối 20-12-2015, Đội trưởng đội phản ứng nhanh của thành phố Thâm Quyến Dương Phong cho biết, vụ lở đất đã khiến 33 tòa nhà bị nhấn chìm hoặc bị thiệt hại với những mức độ khác nhau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ngay lập tức chỉ thị cho các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai công tác cứu hộ và điều tra nguyên nhân của vụ thảm họa. Chính phủ đã cử một nhóm làm việc tới Thâm Quyến để hỗ trợ công tác cứu hộ. Theo những hình ảnh vệ tinh từ ứng dụng Google Earth cho thấy, địa điểm xảy ra thảm họa trở thành bãi chứa bùn đất và rác thải xây dựng có từ tháng 8-2002. Và theo quy định, bãi chứa chất thải công nghiệp này chỉ được hoạt động đến ngày 21-2-2015.
Trịnh Huyền My
.
.
.