Trung Quốc: Bắt lãnh đạo đài truyền hình trung ương vì "ăn bẩn" khoản tiền kỷ lục

Thứ Ba, 17/06/2014, 13:30

Trong khi Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế lên án hành động hung hăng trên biển Đông tại Diễn đài Đối thoại Shangri-La ở Singapore suốt những ngày qua thì ở chính quốc gia này báo chí vừa đưa tin, một "quan to" của Đài truyền hình trung ương (CCTV) lại bị bắt vì nghi "ăn bẩn" hàng tỷ Nhân dân tệ.

Thông tin từ SPP cho thấy, Guo Zhenxi, tổng giám đốc kênh thông tin  tài chính-kinh tế của CCTV kiêm giám đốc quảng cáo, cùng Tian Liwu, một nhà sản xuất của CCTV, đã nhận hối lộ và vụ việc đang trong tầm điều tra.

Tân Hoa Xã dẫn thông tin của SPP nêu, Guo và Tian  đã bị bắt tạm giam "vài ngày qua", trong khi nhật báo Tài Kinh có uy tín ở Trung Quốc nêu, Guo đã bị Viện kiểm sát tỉnh Cát Lâm (đông bắc Trung Quốc) bắt giam.

CCTV không bình luận, trong khi tờ báo trên cho biết, ban lãnh đạo đài này đã biết sự "biến mất" của ông ta và được chỉ đạo không nên liên lạc với ông ta nữa.

Theo báo China Daily, việc bán quảng cáo trên CCTV tăng từ 2,6 tỷ NDT năm 2002 lên 93 tỷ NDT năm 2009. Năm ngoái, con số này đạt 115,9 tỷ NDT.

Là lãnh đạo kênh tài chính, Guo giám sát hai chương trình thu hút giới doanh nhân Trung Quốc: một chương trình về quyền của người tiêu dùng, và một chương trình "giao lưu" với doanh nhân thành đạt.

Lãnh đạo các doanh nghiệp xuất hiện trên chương trình "Nhân vật kinh tế của năm" có nhiều cơ hội để quảng bá tên tuổi, trong khi chương trình 315 Gala (tổ chức trùng Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới 15.3) thì chuyên cử phóng viên cải trang đi điều tra những vụ làm ăn mờ ám.

"Với quyền hành lớn trong tổ chức quyền lực này, một kênh truyền hình nhà nước chiếm độc quyền, quý vị có thể tưởng tượng bao nhiêu người sẵn sàng xếp hàng để đút lót ông ta"- theo Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập báo "Thời đại học tập" của Trường Đảng Trung Quốc.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Li Dongsheng.

Zhang Zhian, vị giáo sư của Khoa báo chí ở đại học Tôn Dật Tiên, nói rằng, quả thật, đã có một sự sai lầm nghiêm trọng, khi để cùng một nhân vật đứng đầu cả hai ban biên tập và bộ phận quảng cáo ở một kênh truyền hình lớn như CCTV: "Bộ phận cung cấp nội dung lẽ ra phải tách riêng với bộ phận giám sát quyền kinh doanh".

Theo Tài Kinh, Guo từ năm 1992 đã là phóng viên mảng tài chính ở CCTV. Ông ngày càng được thăng tiến trong sự nghiệp 22 năm làm việc ở đây, và được ghi nhận là một trong những "cán bộ cốt cán" của CCTV. Năm 1998, ông ta được chỉ định làm phó giám đốc mảng quảng cáo của đài này.

Từ năm 2005 đến 2009, Guo kiêm nhiệm hai vai: giám đốc quảng cáo và trưởng kênh thông tin tài chính CCTV-2. Năm 2009, ông ta rời khỏi vai trò tiếp thị. 

Nhưng Guo "rớt" nhanh từ sau vụ cựu Thứ trưởng Bộ Công an Li Dongsheng (người có một thời gian dài làm việc ở CCTV) bị mất chức hồi cuối năm 2013, và có tin Guo "ngoan ngoãn" hợp tác với chính quyền trong cuộc điều tra Li.

Li là một "cận thần" của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, vị cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cũng đang bị điều tra về nghi án tham nhũng nghiêm trọng. 

Vụ Guo bị bắt là diễn biến mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc. Việc cán bộ khoe khoang tài sản bất chính đang phổ biến tại nước này, khiến CPC đang bị chỉ trích là nuôi dưỡng "sâu" tham nhũng và tổ chức này đang bị mất uy tín nghiêm trọng.

CCTV nổi lên trên chính trường quốc tế trong những năm gần đây, được chính phủ Trung Quốc xem là công cụ tuyên truyền quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong nước và ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Reuters, CCTV vài năm qua cũng bị chỉ trích vì sản xuất những chương trình "vô duyên", nhạt nhẽo. Ví dụ năm ngoái, CCTV nói các nhà thầu bất động sản Trung Quốc nợ 3,8 ngàn tỷ NDT (624 tỷ USD) vì không nộp thuế đất. Cục thuế Trung Quốc không dám nêu rõ thông tin trên CCTV là sai sự thật. Cơ quan trên chỉ nói, con số ước tính này không chính xác và CCTV hiểu sai chủ trương thu thuế của họ

Lai Nguyễn (tổng hợp)
.
.
.