Trung Quốc thi hành án tử hình ngay sau khi tòa tuyên án

Thứ Tư, 27/12/2017, 20:19
Việc công khai xét xử và thi hành án tử hình ngay sau khi bị tòa tuyên án không còn là chuyện lạ ở Trung Quốc, nhưng đoạn video do Bejing News đăng tải xung quanh phiên tòa hôm 16-12 vẫn thu hút tới 3 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày.

Được biết, 10 nghi phạm bị thi hành án tử hình (7 tên liên quan đến ma túy, 3 kẻ phạm tội giết người, cướp tài sản), sau khi chúng bị xét xử tại sân vận động ở Đông Hải, thị trấn Lục Phong, thành phố Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông hôm 16-12.

Theo giới truyền thông, các nghi phạm bị giải đến sân vận động trên xe tải của công an, sau đó chúng bị đưa lên sân khấu. Nhiều biểu ngữ cổ động chiến dịch chống ma túy quốc gia được treo xung quanh sân vận động.

Trong số hàng ngàn người có mặt tại sân vận động có nhiều học sinh và sinh viên mặc đồng phục. Theo những hình ảnh trên mạng, trong số hàng ngàn người có mặt theo dõi phiên xét xử, nhiều người đứng lên ghế và dùng điện thoại ghi lại phiên tòa.

Hàng nghìn người đã có mặt tại phiên tòa ngày 16-12, sau khi Tòa án nhân dân Lục Phong thông báo về việc này hôm 12-12. Theo trang tin Thepaper.cn, ngoài 10 kẻ bị tử hình, còn 2 nghi phạm khác cũng bị đưa ra xét xử, nhưng không có thông tin về bản án cũng như tội danh của họ.

Các bị cáo bị đưa đi tử hình ngay sau khi tòa tuyên án.

Theo giới truyền thông, thị trấn Lục Phong là khu vực trọng tâm trong cuộc chiến chống ma túy của Ủy ban Chống ma túy quốc gia.

Được biết, tỉnh Quảng Đông là địa phương sản xuất ma túy đá lớn nhất tại Trung Quốc và hơn 1/3 số ma túy đá này được sản xuất ở thị trấn Lục Phong. Được biết 3 năm trước (2014-2017), hơn 3.000 cảnh sát tỉnh Quảng Đông đã đột kích vào một ngôi làng gần thị trấn Lục Phong, bắt gần 200 nghi can và tịch thu 3 tấn ma túy đá.

Theo Tân Hoa xã, trong năm 2017, cảnh sát tỉnh Quảng Đông đã phá hơn 13.000 vụ buôn bán ma túy, bắt trên 16.000 nghi can, 104.000 người sử dụng ma túy và thu giữ 10,4 tấn ma túy các loại.

Trong đó có 92 trường hợp và 133 nghi phạm bị bắt ở thị trấn Huệ Lai, thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông. Gần 1 tháng trước (28-11), 3 nghi phạm bị tòa tuyên án với các tội danh buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy và thi hành án tử hình trước hơn 1.000 người có mặt ở quảng trường thị trấn Huệ Lai, thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông.

Hơn nửa năm trước (24-6), khoảng 10.000 người đã chứng kiến vụ xét xử 13 nghi phạm ma túy, trong đó 8 tên bị tử hình ngay sau khi tòa tuyên án.

Theo tờ Shanghai Daily, 8 kẻ buôn bán ma túy được chở bằng xe tải đi khắp sân vận động trước khi bị xử tử. Trong năm 2015, có 38 nghi phạm buôn bán ma túy đã bị xét xử và phần lớn trong số đó bị tử hình trước sự chứng kiến của hàng nghìn người có mặt tại quảng trường.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã cố gắng kéo giảm số án tử hình, bắt đầu bằng qui định năm 2007 - tất cả án tử hình phải được Tòa án nhân dân tối cao xem xét và chấp thuận. 10 năm trước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành "Ý kiến về tăng cường nghiêm khắc bảo đảm chất lượng xử lý vụ án tử hình theo đúng pháp luật".

Và trong 1 năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã bác khoảng 10% án tử hình. Theo giới truyền thông, trong năm 2016, Trung Quốc đã tử hình khoảng 2.000 tội phạm.  

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, tuy con số chính thức không được công bố, nhưng số nghi phạm bị tử hình ở Trung Quốc vẫn nhiều hơn phần còn lại của thế giới.

Theo nhận định của ông William Nee, chuyên gia đến từ tổ chức Ân xá quốc tế, mỗi năm Trung Quốc tử hình hàng trăm, thậm chí là cả ngàn người buôn bán ma túy, nhưng số lượng buôn bán chất trắng vẫn không giảm.

Điều này cho thấy kế sách "rung cây dọa khỉ" - xét xử và tử hình công khai không phát huy tác dụng. 7 năm trước, Trung Quốc tuyên bố áp dụng hình thức tiêm thuốc độc là phương pháp xử tử chính.

Nhưng theo hãng BBC, Trung Quốc vẫn duy trì 2 hình thức tử hình - bằng súng và tiêm thuốc độc. Trong đó tiêm thuốc độc thường dành cho tử tù phạm tội liên quan đến lĩnh vực kinh tế và tham nhũng. Tân Hoa xã từng dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết, đa phần tử tù liên quan đến ma túy đều bị tử hình bằng súng. Và vì một số địa phương không có pháp trường nên chính quyền phải thiết lập khu vực an toàn với 3 vòng bảo vệ. Vòng thứ nhất với phạm vi 50m, do đội thi hành án đảm nhiệm.

Vòng thứ hai cách 200m do cảnh sát làm nhiệm vụ. Vòng thứ ba (ngoài cùng) do lực lượng an ninh địa phương đảm trách.

Trịnh Huyền My
.
.
.