Trung Quốc:

Chỉ 1 % trẻ dưới 9 tuổi bị bắt cóc được tìm thấy

Thứ Năm, 01/09/2016, 13:28
Các băng nhóm đã phát triển những mạng lưới rộng khắp và trẻ bị bắt cóc được chuyển qua tay nhiều người, cảnh sát gặp vô vàn khó khăn khi phải lần theo dấu vết một đứa trẻ xấu số để tìm được đích đến cuối cùng. Các băng nhóm còn dùng tiền mua chuộc quan chức, cảnh sát. Và trong thời đại internet, nhiều giao dịch có thể thực hiện qua mạng, để lại rất ít, thậm chí là không dấu vết về một vụ buôn bán trẻ nếu kẻ phạm tội có kiến thức tin học. 


Nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em ở Trung Quốc đã nghiêm trọng tới mức Chính phủ nước này phải tổ chức một lực lượng quy mô toàn quốc chống bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, tệ nạn này không vì thế mà giảm bớt. Nhiều người nói chuyện bắt cóc, buôn bán trẻ em ngày càng trầm trọng bởi sự thờ ơ của cả các cơ quan thực thi pháp luật và xã hội Trung Quốc.

Hàng năm, lực lượng này thực hiện nhiều đợt bố ráp trấn áp rầm rộ, giải thoát hàng trăm trẻ em. Nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề và không “ăn thua” gì nếu so với tốc độ gia tăng các vụ bắt cóc, theo nhận định của tờGuardian. Việc phát hiện là cực kỳ khó khăn vì một loạt các lý do. 

Một người có con trai bị bắt cóc.

Sự thờ ơ của các cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng địa phương cũng là một nguyên nhân. Các vụ án bắt cóc cần phải được giải quyết nhanh: đứa trẻ mất tích càng lâu, cơ hội tìm lại chúng càng thấp. Nhưng ở Trung Quốc, nhiều đồn cảnh sát không chấp nhận thụ lý một vụ người mất tích nếu người đó chưa biến mất đủ 24h, trừ khi có bằng chứng “sờ sờ” về một vụ bắt cóc.

Và như thế, thường là những kẻ bắt cóc có ít nhất là một ngày để cao chạy xa bay, xóa mọi loại dấu vết. Khi cảnh sát chấp nhận thụ lý, đứa trẻ có khi đã đi xa hàng ngàn km. Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng, cảnh sát không hứng thú với việc điều tra loại án này, bởi lâu nay chẳng mấy khi họ phá được án. Ngoài sự thờ ơ của cơ quan thực thi pháp luật, người dân Trung Quốc, trừ những ông bố bà mẹ có con bị bắt cóc, cũng tỏ ra lãnh cảm trước nỗi đau của người khác, điều này càng khiến bọn tội phạm tự tin hơn trong việc thủ ác.

Một người dùng mạng nổi tiếng ở Trung Quốc qua những video trêu đùa anh đưa lên trang Youku (tương tự như Youtube nhưng phổ biến ở Trung Quốc) quyết định kêu gọi sự chú ý của cộng đồng về vấn nạn bắt cóc trẻ em. Dapengprank, 20 tuổi, có 5.000 người đăng ký theo dõi tài khoản Youku của anh, cùng một cậu bé dàn cảnh trên phố để xem phản ứng của cộng đồng trước một vụ bắt cóc trẻ em ra sao. Video ghi lại, dài 3,5 phút đã được đưa lên mạng vào tháng 3/2016....

“Có khoảng 200.000 trẻ em mất tích ở Trung Quốc mỗi năm. Chỉ 1% số này được tìm thấy” là thông điệp đầu tiên của video, trích dẫn lại thông tin của Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc.

Cảnh sát triệt phá đường dây buôn bán trẻ em.

Mặc áo len trùm đầu, quần jean, Dapengprank chộp lấy cậu bé trong khi xung quanh có nhiều người đi lại, anh phủ khăn lên mặt cậu bé giả đò như đánh thuốc mê, bịt mồm “nạn nhân” rồi bế thốc lên, chạy đi. Cảnh này được diễn ở nhiều địa điểm công cộng: con phố đông người qua, công viên, bên trong siêu thị…

Phản ứng của những người chứng kiến khá khác nhau: sốc thực sự, ngạc nhiên, thờ ơ. Nhưng đều giống nhau ở một điểm: không ai nhấc dù chỉ là một ngón tay, ngón chân để ngăn chặn hoặc đuổi theo kẻ bắt cóc. 

“Em nhìn làm gì?”, một người đàn ông nói với cô gái đi cùng khi cả hai chứng kiến cảnh bắt cóc. Trong siêu thị, Dapengprank đuổi theo cậu bé ra ngoài cửa rồi tóm lấy nó. Tuy nhiên người phụ nữ chứng kiến vụ việc chỉ ngó theo với vẻ mặt bối rối. Người đàn ông đi cùng tiếp tục ăn, đầu không ngoái lại, nói với người phụ nữ: “Đừng nhìn”.

Ở lần thử nghiệm cuối cùng, Dapengprank bỏ mũ trùm đầu xuống và dùng một cái khăn bịt mặt để tăng phần kịch tính. Tuy nhiên, hai phụ nữ cùng một cậu bé chứng kiến cảnh bắt cóc ngay trước mắt cũng chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên qua ánh mắt, nhưng rồi họ vẫn thờ ơ bước đi. “ Mọi người chỉ nhìn tôi, không ai tìm cách ngăn tôi lại”, Dapengprank nói trên video.

Vân Trường (tổng hợp)
.
.
.