Trung Quốc:

Cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý bảo hiểm đối mặt với mức án nào?

Thứ Hai, 02/10/2017, 12:50
Quyết định khai trừ Đảng và cách chức do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đưa ra đối với ông Hạng Tuấn Ba, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá 18, được coi là bước khởi đầu để đưa cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý bảo hiểm (CIRC) ra xét xử.


Theo thông báo được công bố hôm 23-9, ông Hạng Tuấn Ba đã vi phạm 8 quy định của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, tham gia nhiều buổi tiệc tùng xa hoa và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan trong thời gian dài.

Là Ủy viên Trung ương, nhưng ông Hạng Tuấn Ba đã đánh mất lý tưởng và niềm tin chính trị, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tính chất và tình tiết vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, do đó phải bị xử lý nghiêm minh.

Ông Hạng Tuấn Ba bị nghi ngờ nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho người khác và nhận "lại quả" với số tiền lớn. Ngoài ra, cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý bảo hiểm còn lạm dụng quyền phê duyệt và giám sát, chống đối cơ quan điều tra của Đảng, vi phạm quy định về việc khai báo thông tin cá nhân, "mua bán" quyền lực và trao đổi tình-tiền.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý bảo hiểm Hạng Tuấn Ba.

Có tin nói rằng, ông Hạng Tuấn Ba bị nghi có liên quan tới vụ bê bối tuyển dụng "con ông cháu cha" vào làm việc tại Ngân hàng JPMorgan của Mỹ năm 2014. Đổi lại, Ngân hàng JPMorgan dễ dàng ký được những hợp đồng kinh doanh với các tổ chức tín dụng, tài chính công của Trung Quốc.

Tuy chưa bị xét xử, nhưng theo quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, toàn bộ số tiền bạc và tài sản phi pháp của ông Hạng Tuấn Ba sẽ bị tịch thu sung công quỹ. Theo giới truyền thông, hơn 5 tháng trước (11-4), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã ra quyết định giám sát đối với ông Hạng Tuấn Ba để phục vụ điều tra xung quanh cáo buộc tham nhũng.

Ông Hạng Tuấn Ba được bổ nhiệm làm Chủ tịch CIRC kiêm Ủy viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ năm 2011. Trước khi ngồi ghế Chủ tịch CIRC, ông Hạng Tuấn Ba từng giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (2004-2007), Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (1 trong 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc), Phó Tổng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc. Và theo thông báo hôm 23-9, ông Hạng Tuấn Ba trở thành quan chức cấp cao nhất ngành tài chính-ngân hàng bị điều tra tham nhũng.

Theo ông Trang Đức Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về liêm chính trong Chính phủ thuộc Trường Đại học Bắc Kinh, ngành tài chính-ngân hàng là "thành trì của các nhóm lợi ích" và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình muốn phá bỏ.

Theo giới truyền thông, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã quyết định mạnh tay đối với ngành tài chính-ngân hàng bởi Trung Quốc đang đối mặt với nhiều rủi ro do nợ xấu, các vụ vỡ nợ trái phiếu, hoạt động ngân hàng ngầm, cho vay trên mạng.

"Tham nhũng trong ngành tài chính-ngân hàng phải được điều tra và trừng trị cương quyết. Các quan chức giám sát và lãnh đạo cấp cao các công ty biển thủ công quỹ hoặc thông đồng trái phép với "cá sấu tài chính" phải bị trừng trị nghiêm khắc", website Chính phủ Trung Quốc trích tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, các hoạt động "ngân hàng ngầm" của Trung Quốc có giá trị khoảng 8.500 tỉ USD. Và vai trò ngày càng tăng của "ngân hàng ngầm" trong nguồn cung cấp tài chính, sẽ khiến hệ thống tài chính có nguy cơ tổn thương trước các cú sốc liên quan đến bất động sản. Theo giới kinh tế, tính đến năm 2016, các tập đoàn tài chính ở Trung Quốc được phân thành 7 nhóm và các nhóm này đều hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Theo đó, công ty mẹ nắm vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ở các công ty con trong tập đoàn. Và do các tập đoàn tài chính được thành lập và hoạt động thuộc nhiều thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài) nên khuôn khổ điều tiết và giám sát tài chính khá phức tạp. Đồng thời tạo nhiều kẽ hở để những người như ông Hạng Tuấn Ba dễ dàng "múa tay trong bị".

Trong thông báo hôm 23-9, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết, đã quyết định khai trừ Đảng, bãi miễn tư cách Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương khóa 18 và cách chức đối với ông Mạc Kiến Thành, nguyên Tổ trưởng Tổ kiểm tra kỷ luật thường trú kiêm Ủy viên Đảng ủy của Bộ Tài chính vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng.

Vì là Ủy viên dự khuyết nên quyết định khai trừ Đảng đối với ông Mạc Kiến Thành (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Giang Tây) sẽ được chính thức thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 18, dự kiến sẽ khai mạc ngày 11-10.

Trịnh Huyền My
.
.
.