Trung Quốc: Đằng sau vụ bắt Chủ tịch CEFC China Energy

Thứ Năm, 08/03/2018, 19:25
Vì từng được tạp chí Fortune xếp trên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron 2 bậc trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2016 nên dư luận mới bàn luận sau khi ông Diệp Giản Minh, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Hoa Tín (CEFC China Energy) bị bắt.

Bởi tuy bị bắt trước Tết Nguyên đán, nhưng đến nay thông tin này mới được thông báo, và theo tờ South China Morning Post, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã trực tiếp ra lệnh bắt ông Diệp Giản Minh, người từng được ví là ngôi sao đang lên trong giới doanh nhân Trung Quốc. 

Cả giới chuyên môn và dư luận đều quan tâm tới vụ bắt giữ kể trên bởi theo giới truyền thông, ngoài chức danh Chủ tịch CEFC China Energy, ông Diệp Giản Minh còn là Tổng Giám đốc Quỹ Năng lượng Trung Quốc. 

Từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội liên lạc hữu hảo quốc tế Trung Quốc giai đoạn 2003-2005. Và từng là cố vấn chính trị, là người đứng đầu trong số 31 cố vấn của đảng Tân Dân ở Hongkong, và là cố vấn đặc biệt của bà Diệp Lưu Thục Nghi, Chủ tịch đảng Tân Dân, khi diễn ra bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hongkong hồi cuối năm 2016.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoa Tín Diệp Giản Minh.

Theo giới truyền thông, ông Diệp Giản Minh là nhân vật thần bí nhất trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất thế giới về doanh thu do tạp chí Fortune bình chọn). 

Năm 2014, vì có doanh thu 33,6 tỷ USD nên CEFC China Energy (thành lập tháng 1-1980 và ông Diệp Giản Minh làm Tổng Giám đốc năm 2002, khi 25 tuổi) được xếp thứ 349 trong danh sách Fortune 500.

Và thứ hạng này được nâng lên trong 2 năm 2015-2016: xếp thứ 229 và 222 vì có doanh thu 41,8 tỷ USD và 43,7 tỷ USD. Khi tròn 40 tuổi vào năm 2017, ông Diệp Giản Minh được coi là Tổng Giám đốc trẻ nhất trong Fortune 500. 

Điều đáng nói nhất chính là tuy không phải công ty nhà nước, chỉ là xí nghiệp dân doanh tập thể, nhưng CEFC China Energy lại thực hiện các giao dịch trung gian giữa Sinopec (Công ty Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc) với các công ty dầu khí của nước ngoài. 

Theo tạp chí Fortune, ông Diệp Giản Minh tham gia vào thị trường dầu khí sau khi mua lại một số tài sản của Tập đoàn Viễn Hoa của Lại Xương Tinh năm 1999. Người ta cũng đồn đoán khá nhiều về xuất thân cũng như mối quan hệ bí mật của ông Diệp Giản Minh và trên trang web của CEFC China Energy không đăng thông tin gì về nhà lãnh đạo cao nhất của tập đoàn.

Ông Ngô Tiểu Huy tại một diễn đàn.

Cùng thời điểm tờ South China Morning Post đưa tin về vụ bắt Chủ tịch CEFC China Energy, tờ Tân Văn xã đăng nội dung phỏng vấn được thực hiện trong năm 2017 với ông Diệp Giản Minh. 

Theo đó, CEFC China Energy đang nợ hơn 60 tỉ nhân dân tệ (NDT), trong đó trên 50% là của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Khi đó, ông Diệp Giản Minh cho biết, CEFC China Energy có kế hoạch bán tài sản để trả nợ (thuộc lĩnh vực hàng không và thương mại) để tập trung vào lĩnh vực dầu khí và tài chính. 

Có người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến CEFC China Energy rơi vào tình trạng nợ nần lớn xuất phát từ việc ông Diệp Giản Minh quyết định “lún sâu” vào thị trường dầu mỏ, nhất là mua cổ phần của Rosneft, công ty dầu khí quốc gia hàng đầu của Nga. 

Theo hãng Reuters, từ tháng 7-2017, ông Diệp Giản Minh đã 2 lần gặp ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft để thương đàm, nhưng cho đến nay chi tiết của việc này không được tiết lộ. 

Chỉ biết rằng, CEFC China Energy đã đồng ý mua 14% cổ phiếu của Rosneft với giá 9 tỷ USD, và đó là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực dầu khí của Trung Quốc với nước ngoài kể từ năm 2012. 

Và theo thông báo của CEFC China Energy, họ là tập đoàn dầu khí tư nhân lớn nhất Trung Quốc với 50.000 nhân viên với doanh thu hơn 40 tỷ USD. Trước năm 2002, chẳng ai biết CEFC China Energy, nhưng sau những thương vụ trong lĩnh vực dầu khí - từ nhà máy lọc dầu, tới kho bãi, cùng nhiều hoạt động tài chính khác, danh tính của ông Diệp Giản Minh nổi như cồn. Và mọi người đang quan tâm tới vụ bắt giữ kể trên. 

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang xem xét hợp nhất Ủy ban Quản lý bảo hiểm (CIRC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng (CBRC) thành một cơ quan để giải quyết tình trạng quản lý phân tán hiện nay. Nếu việc hợp nhất được thực hiện thì cơ quan mới sẽ cùng với Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Quản lý chứng khoán (CSRC) có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban Phát triển và giữ ổn định tài chính thuộc Quốc vụ viện (được thành lập tháng 11-2017). Và động thái này diễn ra sau khi CIRC rơi vào tình trạng bất ổn sau khi người đứng đầu Hạng Tuấn Ba bị bắt gần 1 năm trước (tháng 4-2017) và ông Ngô Tiểu Huy, Chủ tịch Tập đoàn Anbang mới bị khởi tố. Ngày 23-2, CIRC cho biết, ông Ngô Tiểu Huy (cháu rể Đặng Tiểu Bình) đã bị cách chức và bị khởi tố, sau khi bị bắt điều tra hôm 13-6-2017.
Thiện Lân
.
.
.