Trung Quốc:

Đẩy nhanh "Chiến dịch Săn cáo"

Thứ Năm, 29/09/2016, 12:57
"Chiến dịch Săn cáo 2016" tuy mới chính thức được Bộ Công an phát động cách đây hơn 4 tháng (4-5), nhưng đến nay đã có nhiều đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ở nước ngoài bị bắt và dẫn độ. 


"Chiến dịch Săn cáo 2016" là sự tiếp nối của "Chiến dịch Săn cáo 2015" do Bộ Công an Trung Quốc phát động và triển khai. Và việc này sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới bởi Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận dẫn độ tội phạm với Canada, một trong những thiên đường lẩn trốn của quan tham.

Theo đó, Ottawa cho phép Bắc Kinh dẫn độ quan tham của đất nước đông dân nhất thế giới đang lẩn trốn ở quốc gia Bắc Mỹ này. Điểm được dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm trong thỏa thuận dẫn độ chính là Canada cho phép Bắc Kinh tịch thu số tài sản phi pháp của quan tham.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đạt được thỏa thuận nhận lại tiền phi pháp với một quốc gia khác. Giới truyền thông coi đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới những quan tham đang lẩn trốn ở nước ngoài - không còn chốn dung thân an toàn cho chúng. Bởi hiệp ước thu hồi tài sản quy định, số tài sản sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, nếu thông tin được xác nhận. Còn trong trường hợp nguồn gốc tài sản không được xác nhận, quốc gia nắm giữ sẽ chia sẻ chúng với quốc gia còn lại, và tỷ lệ tùy thuộc vào mức độ đóng góp trong quá trình điều tra.

Lý Hoắc Bác, cựu quan chức Trung Quốc bị dẫn độ hồi tháng 5-2015.

Theo tờ South China Morning Post và tờ Legal Daily, vấn đề này được thông quan nhân chuyến thăm Canada (từ 21 đến 24-9) của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Giới chuyên môn coi đây là thỏa thuận tạo ra hành lang pháp lý hiệu quả giữa Trung Quốc và Canada trong việc tịch thu số tài sản phi phạm bị tẩu tán ra nước ngoài, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác tương tự giữa Bắc Kinh với các nước khác.

Trước đó, ông Daniel Jean, Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Justin Trudeau vừa có chuyến công du tới Trung Quốc để thương đàm với Bắc Kinh về những thỏa thuận liên quan đến hiệp định dẫn độ song phương.

Theo giới truyền thông, việc phóng thích Kevin Garratt, công dân Canada bị buộc tội gián điệp, được coi là "món quà" Bắc Kinh tặng Thủ tướng Justin Trudeau, trước khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Ottawa thương đàm về hiệp định dẫn độ song phương.

Giới truyền thông cho biết, trước khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Ottawa, báo chí Canada tiết lộ, có nhiều nhân viên an ninh và cảnh sát Trung Quốc đã nhập cảnh vào nước này thông qua thị thực du lịch để truy lùng quan tham bỏ trốn. Và việc gia tăng các hoạt động bí mật kể trên của Trung Quốc đã làm tăng mối lo ngại của giới chức an ninh Canada và giới luật gia bảo vệ quyền của người nhập cư.

Lorne Waldman, luật sư về di trú và tị nạn ở Toronto cho biết, một số khách hàng Trung Quốc ở Canada của ông đã nhận được tin nhắn điện thoại từ các quan chức an ninh và cảnh sát Trung Quốc đe dọa họ và gia đình nếu không trở về nước. Thông tin kể trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh và Ottawa đạt được sự nhất trí về thoả thuận dẫn độ song phương.

Theo giới truyền thông Canada, một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động bí mật săn lùng tội phạm bỏ trốn ở quốc gia Bắc Mỹ này bởi Ottawa chưa sẵn lòng chấp thuận cho hồi hương số quan tham và do dự trong việc thảo luận thoả thuận dẫn độ.

Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, trong năm 2015, có hơn 284.000 công chức, viên chức bị kỷ luật vì dính líu tới tham nhũng, và từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm 160.000 công chức, viên chức bị kỷ luật cũng bởi nguyên nhân tương tự. Giới truyền thông cho biết, kể từ năm 2014, khi phát động "Chiến dịch Săn cáo", Bộ Công an đã cử hàng chục tổ công tác đặc biệt ra nước ngoài bắt giữ nghi phạm tại Pháp, Madagascar, Thái Lan, Peru, Philippines, Ecuador, Hàn Quốc, Campuchia, Tây Ban Nha…

Hãng Reuters vừa dẫn nguồn tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết, ngày 20-9, Campuchia đã trục xuất 13 người quốc tịch Đài Loan tới Trung Quốc. 13 người này bị tình nghi có liên quan tới các đường dây lừa đảo viễn thông. Cùng bị trục xuất với 13 nghi phạm người Đài Loan còn có 50 đối tượng Trung Quốc.

Theo giải thích của Bộ Công an Trung Quốc, số nghi can kể trên được dẫn độ về Trung Quốc để điều tra bởi nạn nhân của các đường dây lừa đảo đều là người sống tại đại lục. Và toàn bộ số nghi can này sẽ bị xét xử ở thành phố Nam Kinh. Bộ Công an Trung Quốc cho biết, từ tháng 11-2015, Bắc Kinh đã phối hợp với cảnh sát các nước Kenya, Lào, Malaysia, Campuchia và Indonesia triệt phá 65 đường dây lừa đảo viễn thông và bắt giữ tổng cộng 1.168 nghi can, trong đó có 347 người Đài Loan.

Và kể từ tháng 11-2015 đến nay, Campuchia đã trục xuất sang Trung Quốc tổng cộng 200 đối tượng bị tình nghi có liên quan tới các đường dây lừa đảo.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.