Trung Quốc: Điều tra vụ chỉnh sửa gen bào thai

Chủ Nhật, 02/12/2018, 12:45
Ngay sau khi nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tuyên bố, đã tạo ra 2 bé gái sinh đôi (Lộ Lộ và Na Na) bằng cách chỉnh sửa gen, có khả năng miễn nhiễm virus HIV/AIDS, hơn 120 nhà khoa học đã cùng ký tên, đăng trực tuyến hôm 27-11, để lên án thí nghiệm này. 

Và cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu mở cuộc điều tra khẩn về việc này, nhằm xác định xem ông Hạ Kiến Khuê có vi phạm luật pháp, cũng như quy định của Trung Quốc hay không. Ủy ban chuyên gia đạo đức y khoa của thành phố Thâm Quyến cho biết, họ đã điều tra về nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê và nhận thấy, tổ chức phê chuẩn cho nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê không tuân thủ các yêu cầu báo cáo cụ thể. 

Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê.

Thông tin về thành tựu khoa học của ông Hạ Kiến Khuê (bé Lộ Lộ và Na Na ra đời mấy tuần trước, hiện đang ở nhà với mẹ Grace và cha Mark) được đăng trên tạp chí MIT Technology Review và lập tức thu hút sự quan tâm của giới khoa học và dư luận. Người ta hiện chưa rõ ông Hạ Kiến Khuê nghiên cứu ở đâu và ai đã trả tiền cho công trình khoa học này.

Tin tức về sự ra đời của Lộ Lộ và Na Na được công bố đúng thời điểm hội nghị thế giới về chỉnh sửa gen khai mạc tại Hongkong, nên càng thu hút sự chú ý của dư luận. Theo tờ South China Morning Post, ban tổ chức hội nghị không biết gì về nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê. 

Và 1 trong những nội dung chính của hội nghị lần này là bàn cách quản lý công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt là những tranh luận xung quanh việc quản lý cách thức ứng dụng kỹ thuật này với con người.

Theo giới truyền thông, ông Hạ Kiến Khuê làm việc tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam ở Thâm Quyến (SUST), nhưng đại diện của SUST tuyên bố, "thành tựu" của ông Hạ Kiến Khuê không liên quan tới nhà trường và nghiên cứu đó không được thực hiện tại SUST. 

Trong khi ông Hạ Kiến Khuê nói với hãng AP, đã nhận được sự chấp thuận của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em HarMoniCare ở Thẩm Quyến để thực hiện thí nghiệm, nhưng khi được hỏi đại diện của HarMoniCare lại tuyên bố, không biết gì về việc này.

Được biết, ông Hạ Kiến Khuê và nhóm nghiên cứu đã thay đổi gen CCR5, một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người như HIV, đồng thời là tác nhân gây bệnh AIDS, và sử dụng loại phân tử CRISPR/Cas9 - công nghệ có thể "cắt dán" một cách chính xác, cho phép loại bỏ ADN và thay thế chúng theo ý muốn. 

Ông Hạ Kiến Khuê làm việc tại phòng thí nghiệm của mình ở Thâm Quyến.

Hãng AP dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã tiến hành thay đổi gen trên phôi thai của 7 cặp vợ chồng, nhưng chỉ có một cặp thành công. Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, ông Hạ Kiến Khuê cho biết, việc chỉnh sửa gen diễn ra trong quá trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) và khẳng định, xã hội sẽ quyết định phải làm gì tiếp theo - cho phép hoặc cấm ngành khoa học này. 

Đồng thời nhấn mạnh, những người tham gia nghiên cứu không phải là các nhà đạo đức, nhưng công việc của họ sẽ "giúp cho các gia đình và con cái của họ".

Tờ South China Morning Post cho biết, ông Hạ Kiến Khuê (sinh ra trong một gia đình làm nông ở huyện Tân Hóa, tỉnh Hồ Nam) từng mơ ước trở thành Albert Einstein của Trung Quốc và được đồng nghiệp đánh giá "thông minh, điên khùng và sáng tạo". 

Tuy theo học và tốt nghiệp ngành vật lý, nhận học bổng đến Mỹ, nhưng ông Hạ Kiến Khuê lại quyết định theo học ngành lý sinh học tại Đại học Rice ở Houston. Sau khi có cơ hội tiếp xúc với CRISPR - công nghệ chỉnh sửa gen, ông Hạ Kiến Khuê đã chuyển tới Đại học Stanford, để theo Giáo sư Stephen Quake, người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho "Albert Einstein của Trung Quốc". 

Nên sau khi về nước, ông Hạ Kiến Khuê đã thành lập 2 công ty nghiên cứu gen Direct Genomics và Vienomics, rồi công bố hôm 25-11 đang gây tranh cãi cả trong giới khoa học và dư luận xã hội. Bởi đó vừa là một bước tiến sâu sắc về khoa học, vừa đặt ra nhiều câu hỏi về mặt đạo đức.

Bà Jennifer Doudna, một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR từng tuyên bố, đã chuẩn bị tinh thần cho việc nhận được tin, ai đó sắp công bố em bé CRISPR đầu tiên. Trong khi nhà di truyền học nổi tiếng của Đại học Harvard George Church bảo vệ nỗ lực chỉnh sửa gen để tránh mắc căn bệnh HIV - mục tiêu của nghiên cứu là chính đáng, thì Tiến sĩ Kiran Musunuru, chuyên gia về chỉnh sửa gen thuộc Đại học Pennsylvania lại phản đối gay gắt - Không thể chấp nhận việc làm thí nghiệm trên con người, hành vi này vô đạo đức cũng như không thể biện hộ về mặt đạo đức. 

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, việc can thiệp vào bản đồ gen là không an toàn, một số người thậm chí còn lên án việc thí nghiệm trên con người.

Khắc Tuấn
.
.
.