Trung Quốc: Kỷ luật nhiều lãnh đạo "phạm quy"

Chủ Nhật, 31/12/2017, 10:49
"Đảng bộ tại các doanh nghiệp Nhà nước phải bám chắc những tiêu chuẩn kỷ luật cao nhất của Đảng và quán triệt tầm quan trọng của việc kiểm soát nguy cơ ở nước ngoài", thông báo hôm 25-12 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đang khiến dư luận xôn xao.

Bởi sau khi chiến dịch "đả Hổ, diệt Ruồi" ở trong nước tạm ổn, Trung Quốc bắt đầu chấn chỉnh nguy cơ tham nhũng đang gia tăng tại chi nhánh ở nước ngoài. Theo người phát ngôn của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, mục đích của việc thông báo chỉ thị kể trên là để bảo đảm an toàn cho tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài, đồng thời giúp doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trên thế giới.

Giới chuyên môn cho rằng, động thái kể trên diễn ra sau khi Tân Hoa xã đăng loạt bài về mối hiểm nguy đối với khối tài sản hơn 600 tỉ USD bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Do đó, cần tăng cường và siết chặt công tác kiểm toán tài sản của doanh nghiệp Nhà nước ở nước ngoài.

Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Dương Hiểu Độ trả lời phỏng vấn.

Trước đó, Bộ Tài chính đã quyết định kỷ luật (từ cảnh cáo, giáng chức cho đến buộc thôi việc) đối với 71 quan chức địa phương do vi phạm pháp luật và các quy định liên quan đến vấn đề nợ công của chính quyền địa phương. Trong số 71 quan chức kể trên có tới 57 người thuộc tỉnh Giang Tô và 14 người thuộc tỉnh Quý Châu. Đây được coi là động thái nhằm giảm nhẹ các nguy cơ tài chính ở nước này.

Theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia, chỉ trong quý III-2017, các khoản nợ địa phương sai quy định đã có tổng giá trị lên tới hơn 6,4 tỷ nhân dân tệ. Động thái kể trên diễn ra sau khi kết thúc Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương.

Theo tờ China Business News, trong bài phát biểu về chính sách tài chính năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã yêu cầu phải giải quyết "vấn nạn nợ công" nhằm ngăn chặn rủi ro mang tính hệ thống trên thị trường và đó là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Ba tháng trước (tháng 9-2017), tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings từng cảnh báo (lần đầu tiên) về nguy cơ các loại trái phiếu của chính quyền địa phương có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Theo thống kê, có tới 604 tỷ USD giá trị trái phiếu loại này chưa được thanh toán. Và nhằm giải quyết, cũng như chấn chỉnh tình trạng nợ công đang ngày càng tăng cao, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tính đến việc cho phép vỡ nợ tại những  địa phương "yếu kém".

Hãng Reuters cũng vừa dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Kiểm toán Quốc gia cho biết, đã có 8.123 cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến những vi phạm tài chính. Trong số những người kể trên, 970 người bị xử phạt về tội biển thủ quỹ xóa đói giảm nghèo nhằm giúp những người ở các vùng nông thôn thoát nghèo vào năm 2020, 1.363 đối tượng khác bị xử lý do sử dụng trái quy định nguồn ngân sách dành cho việc xây dựng nhà giá rẻ. Ngoài ra, còn có 800 cá nhân thuộc doanh nghiệp nhà nước và 73 cá nhân trong 8 ngân hàng bị phát hiện có vi phạm.

Cùng thời điểm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo quyết định hôm 25-12, Trung Quốc cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là trong việc truy bắt nghi phạm tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài, để thu hồi tài sản phi pháp.

Trung Quốc kỷ luật 71 quan chức địa phương vi phạm quy định về nợ công.

Bởi trong quá trình triển khai hợp tác trấn áp tội phạm xuyên quốc gia giữa Trung Quốc với các nước trên thế giới đang tồn tại một số rào cản về cơ chế. Và dự luật về tương trợ tư pháp hình sự quốc tế vừa được Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra thảo luận.

Dự luật này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các mặt hạn chế, nhất là đối với những nút "thắt cổ chai", đồng thời tạo ra nền tảng pháp lý để Trung Quốc truy bắt nghi phạm tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài và thu hồi số tài sản phi pháp.

Theo bà Phó Oánh (Doanh), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Trung Quốc đã phê chuẩn và tham gia nhiều công ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự, như Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ký 54 hiệp định song phương có liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự.

Tờ Nhân dân nhật báo vừa cảnh báo đối với những đảng viên tự coi mình được phép "đứng trên đảng", đồng thời khuyến cáo về hiện tượng của chủ nghĩa phân quyền. "Chủ nghĩa phân quyền là cách suy nghĩ và hành xử, theo đó mỗi người tự đi theo đường lối riêng, chỉ có tự do mà không có kỷ luật, chỉ nghĩ đến hành động một mình, và mặc kệ người khác. Đây là biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa cá nhân, và về bản chất đó là chủ nghĩa vô chính phủ. Thêm vào đó là sự lấn át của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc và sùng bái tiền bạc".
Trịnh Huyền My
.
.
.