Trung Quốc:

Lời khai "động trời" của cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải

Chủ Nhật, 18/11/2018, 15:35
Vì từng được mệnh danh là "người thao túng luật pháp ở Thượng Hải", nên thông tin của tờ South China Morning Post đang khiến dư luận và khoảng 100 quan chức liên quan đến cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải Trần Húc "đứng ngồi không yên".


Bởi nhiều người trong số 100 quan chức kể trên đang bị điều tra và ông Trần Húc mới bị tòa kết án tù chung thân hôm 25-10 tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị Quảng Tây. Theo điều tra độc quyền của tờ South China Morning Post (phát hành hôm 12-11), có khoảng 100 quan chức liên quan đến bản án của cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải.

Tờ South China Morning Post cho biết, cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải bị bắt hôm 1-3-2017, đúng ngày ông Trần Húc xuất hiện lần cuối trước công chúng trong một sự kiện của giới luật sư tại thành phố này. Hơn 2 tháng sau (25-5-2017), Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương thông báo, đã lập hồ sơ điều tra đối với ông Trần Húc, khai trừ Đảng, hủy mọi chế độ đãi ngộ khi về hưu, tịch thu mọi tài sản phi pháp.

Ông Trần Húc khi đương nhiệm

Trong thông báo nêu rõ, ông Trần Húc đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng - là người đứng đầu tổ chức Đảng nhưng lại can thiệp hoạt động tư pháp, lợi dụng các vụ án để mưu cầu lợi ích cá nhân, thực hiện hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, nhận hối lộ bằng tiền, hiện vật, du lịch, chơi golf miễn phí, thậm chí có hành vi mê tín trong thời gian dài.

Ngoài ra, còn có hành vi chống đối, bất hợp tác với cơ quan điều tra sau khi được tổ chức thông báo. Những vi phạm của ông Trần Húc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành tư pháp Trung Quốc.

Khi bị bắt, ông Trần Húc là quan chức cao cấp thứ hai của Thượng Hải bị "ngã ngựa" kể từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" năm 2012. Theo giới truyền thông, ông Trần Húc bắt đầu dính tới kiện tụng từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước.

Theo cáo buộc của luật sư Trịnh Ân Sủng, ông Trần Húc đã can thiệp để giảm án cho doanh nhân Chu Chính Nghị, một trong những người giàu nhất Trung Quốc hồi đầu năm 2000.

Ông Trần Húc phải "bóc lịch" vì tội nhận hối lộ với tổng trị giá hơn 74,2 triệu nhân dân tệ (khoảng 10,7 triệu USD) một cách trực tiếp hoặc thông qua các thành viên trong gia đình trong giai đoạn 2000-2015.

Trước khi ngồi vào ghế Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải 10 năm trước (2008-2018), ông Trần Húc (sinh ra tại Thượng Hải) đã làm việc tại thành phố này trong 38 năm với công việc đầu tiên là thư ký tòa án. Trong mắt người dân và quan chức Thượng Hải, ông Trần Húc là người quan hệ rộng và biết dàn xếp mọi chuyện, thậm chí "hành động bất chính".

Một trong những câu chuyện tai tiếng nhất của ông Trần Húc là cáo buộc của doanh nhân Hongkong họ Nhiệm, chủ Công ty Shanghai Yutong Properties - tố cáo cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải lạm quyền và các nhân chứng chủ chốt trong vụ án tranh chấp kinh tế đều chết trong những tình huống khả nghi. Năm 1996, doanh nhân họ Nhiệm đầu tư phát triển Trung tâm Wanbang Thượng Hải tại một địa điểm thuộc quận Phố Đông.

9 năm sau (năm 2005), doanh nhân họ Nhiệm bị tòa án Thượng Hải tịch thu tài sản sau khi Phó Chủ tịch Công ty Shanghai Yutong Properties họ Thẩm giả mạo tài liệu để vay tiền, nhưng không trả (sau chỉ bị tuyên 2 năm tù, thay vì án chung thân).

Điều đáng nói là sau khi điều tra, làm rõ vụ việc, cảnh sát Thượng Hải đã yêu cầu tòa án quận Hồng Khẩu trả lại tòa nhà kể trên cho doanh nhân họ Nhiệm, nhưng ông Trần Húc đã can thiệp, buộc bán đấu giá cho một công ty do thành viên trong gia đình cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải kiểm soát với giá 200 triệu nhân dân tệ, khoảng 25% giá trị thực tế. Đến khi vụ việc được tái điều tra vào năm 2006, hai thẩm phán liên quan đã chết đột ngột 1 cách bí ẩn.

Vợ chồng Tổng giám đốc công ty phụ trách cuộc đấu giá kể trên cũng chết bất thường tại biệt thự ở Thượng Hải. Vì những nhân chứng chủ chốt đều chết bất thường nên cơ quan chức năng buộc phải hủy điều tra và vụ việc chỉ được làm sáng tỏ sau khi ông Trần Húc bị bắt và ra trước vành móng ngựa.

Vì biết đang động tới ai nên doanh nhân họ Nhiệm đã phải nhờ anh trai giấu kỹ những tài liệu có liên quan tới những cáo buộc đối với ông Trần Húc, để trao trực tiếp cho Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương.

Và để bắt và buộc tội cựu Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải, nhân viên của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương gặp rất nhiều khó khăn bởi ông Trần Húc có hiểu biết sâu rộng về hệ thống tư pháp. Ngoài ra, ông Trần Húc còn có khả năng che giấu hành vi sai phạm của mình tinh vi hơn nhiều so với những đối tượng khác.

Phạm Huy Anh
.
.
.