Trung Quốc: Nhiều gái xinh bỏ việc văn phòng để làm vệ sỹ

Thứ Hai, 07/10/2019, 15:18
Chán làm công chức, viên chức, bỏ ngoài tai lời khuyên làm các việc văn phòng hay các nghề phù hợp với phái yếu, nhiều cô gái trẻ Trung Quốc thích dấn thân vào những nghề có cảm giác mạnh. Dù biết vệ sĩ là một nghề nguy hiểm, khó mà theo đuổi lâu dài, nhưng nhiều người đẹp vẫn thi nhau thử sức với mong muốn sau này có thu nhập cao, và nhất là được các doanh nhân giàu có tuyển dụng. Người giàu Trung Quốc chuộng vệ sĩ nữ bởi họ có nhiều ưu điểm nổi trội.


Khổ, nguy hiểm nhưng theo nghề tới cùng

Cô Yang đã hoàn thành một khóa đào tạo tại Học viện An ninh quốc tế Tianjiao ở Bắc Kinh. Cơ sở này được thành lập vào năm 2008 và chuyên đào tạo các vệ sĩ trong bối cảnh nhu cầu vệ sĩ tại quốc gia đông dân nhất thế giới tăng mạnh trong những năm gần đây.

"Tôi có cơ hội đi tới nhiều nơi với ông chủ và mở rộng tầm mắt của mình", nữ vệ sĩ Yang trả lời hãng tin CNN. Cô đã làm công việc của một nữ vệ sĩ gần một năm và cô không có ý định thay đổi nghề nghiệp. "Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ và quan sát thân chủ. Tôi nghĩ mình sẽ theo đuổi công việc này bất chấp nguy hiểm. Đây là một hành trình thú vị", Yang chia sẻ.

Trong quá trình theo học tại Học viện Tianjiao, cô Yang đã phải tham gia các bài tập bò trườn trên bùn trong điều kiện giá rét, chữa cháy và cả việc thức liên tục trong 24 giờ.

Nữ vệ sĩ luyện bò trườn dưới đất.

"Tôi chưa từng tập thể dục nhiều đến thế cho tới khi theo học tại Học viện Tianjiao. Tôi bị khó thở khi tham gia các bài chạy nhưng mọi việc đã được khắc phục", nữ vệ sĩ chia sẻ. Người đẹp cho hay, các ông/bà chủ muốn tuyển nhân viên nữ đi theo bảo vệ bởi ít ai có thể phát hiện họ là vệ sĩ.

"Một số nam vệ sĩ cơ thể quá to lớn và dễ bị phát hiện. Trong khi đó, các cô gái có khả năng quan sát và chăm sóc thân chủ tốt hơn", cô Yang nhận định. Trước khi nhận nhiệm vụ bảo vệ cho ông/bà chủ, cô Yang hoàn toàn không hay biết về những thông tin chi tiết liên quan tới thân chủ và trung thành là tiêu chí hàng đầu trong nghề nghiệp.

Thị trường vệ sĩ bùng nổ

Chen Yongqing - Giám đốc Học viện Tianjiao và từng là một nhân viên vệ sĩ cho biết, với tốc độ tăng nhanh chóng về số lượng người giàu tại Trung Quốc, ông đã bắt kịp xu thế và tham gia thị trường cung cấp vệ sĩ cho các gia đình, doanh nghiệp, ngôi sao.

“Chúng tôi không chỉ luyện tập thể lực cho các vệ sĩ mà còn đào tạo họ cách uống rượu cũng như giao tiếp để thân thiện với ông chủ. Không chỉ làm việc với tư cách vệ sĩ, đôi khi họ còn là trợ lý cho ông chủ, biết lái xe, tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống", ông Chen nói.

Theo nhà quản lý, số lượng nữ học viên tham gia các khóa đào tạo đang tăng nhanh chóng bởi hiện nay, lượng nữ tỷ phú và triệu phú tại Trung Quốc đang dần áp đảo so với nam giới. Ông Chen nhấn mạnh, những người giàu có thích tuyển nữ vệ sĩ nhiều hơn bởi họ không bao giờ nổi nóng hay cãi lại ông/bà chủ.

Trong khi đó, thông thường, các khóa đào tạo vệ sĩ chỉ kéo dài 3 tuần với mức học phí 12.800 nhân dân tệ (2.100 USD). Theo ông Chen, nhiều yếu tố tác động khiến số thành viên nữ đăng ký theo học các lớp đào tạo trở thành vệ sĩ tăng nhanh như cạnh tranh nghề nghiệp thấp, lương cao, cơ hội gặp gỡ những người giàu có và nổi tiếng cũng như được đi nhiều nơi để mở rộng tầm mắt song quan trọng nhất là việc ngày nay, phụ nữ Trung Quốc ngày càng tự tin hơn".

Phái đẹp luyện phản ứng nhanh.

Phụ nữ đại lục đã mạnh dạn hơn khi dám đảm nhận những công việc mà chỉ có nam giới theo đuổi như trước đây. Thậm chí, số lượng nữ học viên bỏ học giữa chừng cũng thấp hơn so với nam giới", ông Chen nói.

Nhiều chuyên gia an ninh lý giải rằng, việc lựa chọn nữ vệ sĩ đã mang lại giải pháp 2 trong 1 cho các đại gia. Nghĩa là các nữ vệ sĩ vừa có thể kiêm vai trò thư ký, vừa làm vệ sĩ riêng. Người ta ước tính, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ cần thêm tới 40.000 nữ vệ sĩ. Đây cũng chính là lý do khiến các trung tâm huấn luyện nữ vệ sĩ bỗng chốc "mọc lên như nấm" ở Trung Quốc.

Trường Vân
.
.
.