Trung Quốc: Thành lập cảnh sát môi trường ở Bắc Kinh

Thứ Hai, 16/01/2017, 12:27
Quyết định thành lập lực lượng cảnh sát môi trường hôm 7-1 của chính quyền Bắc Kinh đã nhận được sự đồng tình của dư luận.

“Nướng thịt ngoài trời, đốt rác, bụi từ đường sá - những hành vi không tuân thủ quy định pháp luật này thực ra là kết quả của tình trạng giám sát lỏng lẻo và thực thi pháp luật yếu kém”, quyền Thị trưởng Bắc Kinh Thái Kỳ đã tuyên bố như vậy khi cho biết, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ truy tìm và xử lý các nguồn gây ô nhiễm không khí.

Tân Hoa xã còn dẫn thông báo của ông Thái Kỳ nhân sự kiện kể trên. Theo đó, cảnh sát môi trường phải giúp chính quyền Bắc Kinh giảm 30% lượng than tiêu thụ trong năm nay, đóng cửa 500 nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng, nâng cấp 2.500 nhà máy khác để đáp ứng tiêu chuẩn xử lý ô nhiễm cao hơn.

Bắc Kinh đang ở mức độ ô nhiễm không khí nặng.

Ngoài ra, cảnh sát môi trường còn kiểm tra khoảng 300.000 xe cũ thải nhiều khí gây ô nhiễm để hạn chế vào Thủ đô kể từ tháng 2-2017. Bởi Bắc Kinh đã được đặt trong mức báo động cam - mức cao thứ 2. Những biện pháp kể trên được công bố trong bối cảnh người dân kêu gọi chính quyền phải làm nhiều hơn để giải quyết vấn nạn khói mù.

Tính đến nay đã có hơn 20 thành phố được đặt trong tình trạng “báo động đỏ” - mức cao nhất. Thang cảnh báo ô nhiễm không khí ở Trung Quốc gồm 4 cấp độ từ thấp đến cao: xanh, vàng, cam và đỏ.

2017 là năm thứ 3 của “cuộc chiến chống ô nhiễm” do chính quyền Bắc Kinh phát động. Và chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bắc Kinh đạt mức khoảng 500, mức nguy hiểm cao của ngày đầu năm 2017.

Ngày 2-1, Sở Bảo vệ môi trường Bắc Kinh thông báo, Thủ đô sẽ kéo dài mức cảnh báo cam về tình trạng ô nhiễm không khí nặng thêm 3 ngày do tình trạng sương mù dày đặc tiếp tục tràn xuống Bắc Kinh.

Trước đó, Bắc Kinh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp (như lập 1.600 trạm kiểm soát, 14 đội thanh tra) để đối phó với hiện tượng khói mù dày đặc sau khi lần đầu tiên đưa ra cảnh báo đỏ về ô nhiễm môi trường hôm 16-12-2016. Đồng thời ra lệnh cho 1.200 nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng.

Ngày 5-1, Sở Giáo dục thành phố Bắc Kinh thông báo việc lắp hệ thống làm sạch không khí tại một số trường học và nhà trẻ trong thành phố. Nhiều trường học và một số cơ sở giáo dục khác trong thành phố được lệnh hủy các hoạt động và buổi học ngoài trời. Người dân Thủ đô Bắc Kinh bị buộc phải ở trong nhà do mức độ khói mù kéo dài.

Theo báo cáo của Sở Bảo vệ môi trường Bắc Kinh, các dữ liệu trong năm 2016 cho thấy, chất lượng không khí nói chung đang được cải thiện. Theo đó, hàm lượng PM 2.5 (loại bụi trong không khí có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet và có khả năng xâm nhập vào phổi, gây hại cho sức khỏe) trung bình đo được trên một m3 không khí đã giảm 9,9%, xuống còn 73 microgram, dù con số này vẫn còn cao hơn tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia đến 109%. Và tổng số ngày “trời xanh” trong năm 2016 đạt 198 ngày, tăng 12 ngày so với năm 2015.

Ngày 4-1, tờ Economic Daily đăng nhiều bức ảnh tàu cao tốc bị bụi bám dày đặc sau khi chạy từ Thượng Hải tới Bắc Kinh - tàu cao tốc chuyển từ trắng sang xám xịt.

Trước đó (3-1), Trung tâm khí tượng học quốc gia ban bố cảnh báo đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí do sương mù dày đặc ở một số khu vực miền Bắc và miền Đông Trung Quốc.

Theo đó, 24 thành phố phải ban hành “cảnh báo đỏ” vì ô nhiễm không khí trong những ngày đầu năm 2017.Trong khi đó, 21 đô thị và thành phố như Bắc Kinh và Thiên Tân ban bố cảnh báo cam về ô nhiễm không khí. Giới chuyên môn cảnh báo, ô nhiễm đã tới mức “ngày biến thành đêm” ở Trung Quốc.

Tại nhiều nơi, tình trạng ô nhiễm lên tới mức cực kỳ nguy hiểm với hàm lượng PM 2.5 bình quân có thể lên tới 300 microgram/m3 không khí, trong khi mức tối đa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 25.

Tân Hoa xã cho biết, Bộ Bảo vệ môi trường đã phạt hơn 500 công ty, 10.000 chủ phương tiện vì vi phạm quy định chống ô nhiễm, và phạt 2.682 cán bộ vì thất bại trong việc triển khai biện pháp chống ô nhiễm. Tờ The Guardian vừa dẫn kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, khói mù ô nhiễm sẽ khiến tuổi thọ con người giảm 5,5 năm ở nhiều khu vực của Trung Quốc.

Giới truyền thông vừa dẫn quyết định của Chính phủ Trung Quốc, khi đầu tư 361 tỉ USD cho sản xuất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2020 nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, thủ phạm gây nên biến đổi khí hậu. Theo đó, đến năm 2020, việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, thuỷ điện, gió và điện hạt nhân sẽ chiếm 50% trong hệ thống điện của Trung Quốc. Riêng lĩnh vực năng lượng mặt trời sẽ tiếp nhận hơn 144 tỉ USD vốn đầu tư để xây dựng khoảng 1.000 nhà máy.

Anh Phương
.
.
.