Trung Quốc: Tiếp tục chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi"

Thứ Sáu, 05/10/2018, 11:30
"Chúng ta đang thấy một hệ thống tài chính minh bạch hơn, số vụ điều tra và tính hiệu quả điều tra tham nhũng cũng tăng lên", Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về phòng chống tham nhũng đã tuyên bố như vậy tại cuộc ra mắt cuốn "Sách Xanh Trung Quốc 2018" hồi hạ tuần tháng 9 vừa qua. 

Đồng thời cho rằng, những chuyển biến tích cực trong cải cách tài chính, hệ thống kiểm toán và kiểm soát đã tác động tới việc kiềm chế tình trạng tham nhũng. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan chống tham nhũng đã điều tra tổng cộng 302.000 vụ án liên quan tới tham nhũng, trừng phạt 240.000 người. Dự kến số vụ điều tra trong năm 2018 sẽ vượt con số 527.000 vụ của năm 2017.

Việc công bố "Sách Xanh Trung Quốc 2018" diễn ra cùng thời điểm Tòa án thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc vừa tuyên bản án 18 năm tù vì tội hối lộ và giao dịch nội gián đối với ông Diêu Cương, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc.

Ông Diêu Cương khi là Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc.

Ngoài bản án 18 năm tù bị tuyên hôm 28-9, ông Diêu Cương còn bị phạt 11 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu USD) vì bị coi là 1 trong những người có liên quan tới giá cổ phiếu lao dốc trong năm 2015. Theo hồ sơ tại Tòa án thành phố Hàm Đan, ông Diêu Cương đã nhận hơn 69,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 10,7 triệu USD) hối lộ từ các công ty để nới lỏng các giao dịch cổ phiếu và những hạn chế khác trong giai đoạn 2006-2015. 

Ngoài ra, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc còn sử dụng thông tin có được từ chức vụ này để kiếm 2,1 triệu nhân dân tệ thông qua giao dịch nội gián. Tòa án thành phố Hàm Đan cho biết, ông Diêu Cương được hưởng khoan hồng vì đã thành khẩn nhận tội, thể hiện sự ăn năn và tự nguyện giao nộp các khoản thu nhập bất chính.

Cùng thời gian ông Diêu Cương bị xét xử, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc ra quyết định khai trừ Đảng đối với cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Thiếu Xuân. Trong tuyên bố đưa ra hôm 27-9, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, ông Trương Thiếu Xuân (sinh tháng 2-1958 ở tỉnh Liêu Ninh) bị điều tra vì đã "vi phạm kỷ luật Đảng", tìm cách phi tang vật chứng và không hợp tác trong quá trình điều tra. 

Theo kết quả điều tra được biết, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính có hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, tham gia vào các giao dịch "tiền và sắc" cùng các bữa tiệc được thanh toán bằng quỹ công. "Ông Trương đã lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình như một công cụ trục lợi, dẫn tới lối sống thoái hóa và không có dấu hiệu kiềm chế kể từ Đại hội 18", trích tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. 

Có thông tin nói rằng, ông Trương Thiếu Xuân đang sở hữu khối tài sản trị giá 60 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8,7 tỷ USD), cùng 130 ngôi nhà, 148 bồ nhí và 30 tỷ nhân dân tệ, tiền gửi ở nước ngoài. Và cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính đã "phá kỷ lục" trước đó của 1 số quan tham từng sở hữu danh hiệu này. 

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính (từ năm 2006), ông Trương Thiếu Xuân từng là Trưởng bộ phận Luật và Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế và làm việc tại Bộ Tài chính với ghế Phó Giám đốc văn phòng. 

Ông Trương Thiếu Xuân khi đương nhiệm.

Tới năm 2003, ông Trương Thiếu Quân được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính. Và trong hơn 10 năm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trương Thiếu Xuân đã có quan hệ với 148 người tình.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu về phòng chống tham nhũng thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho thấy, 80% dân thành thị và nông thôn tin tưởng, tham nhũng đã giảm đáng kể trong năm qua. 

Bởi kể từ Đại hội 19 đến nay, số quan chức bị điều tra và phát hiện tham nhũng đã giảm đáng kể - từ tháng 10-2017 đến tháng 8-2018 mới có 16 quan chức từ cấp bộ trở lên bị đưa vào diện điều tra, trong khi tại Đại hội 18 (từ tháng 11-2012 đến tháng 10-2017), trung bình mỗi năm có 88 quan chức cấp cao bị đưa vào tầm ngắm. 

Theo ông Trương Thạc Phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát thành phố Bắc Kinh, những tội nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của công chức không giống như tội thông thường và việc điều tra hủ bại, tham ô, hối lộ cũng không thể làm theo cách tương tự. Và đó là lý do vì sao cần áp dụng biện pháp giam giữ đặc biệt đối với họ.

Hơn 10 ngày trước (20-9), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo, ông Nur Bekri, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc, kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia đang bị điều tra vì đã "vi phạm kỷ luật Đảng". Ông Nur Bekri (Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực) nguyên là Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương (2008-2014) và là một trong số quan chức cấp cao người Duy Ngô Nhĩ.
Trịnh Huyền My
.
.
.