Trung Quốc: Tiếp tục chiến dịch "đả hổ diệt ruồi"

Thứ Bảy, 22/12/2018, 16:49
"Cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được chiến thắng áp đảo", đài truyền hình Trung ương CCTV dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp Bộ Chính trị hôm 14-12. 


Và ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" sẽ tiếp tục được triển khai để tiêu diệt nạn tham nhũng ở nước này. Trước đó, ông Tập Cận Bình đã cam kết tiến hành chiến dịch chống tham nhũng ở tất cả các cấp - từ "những con hổ" ở cấp cao cho tới "những con ruồi" ở cấp thấp. 

Bộ Chính trị cũng yêu cầu, phải giảm mạnh số vụ án, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả sự gia tăng của án tham nhũng. Hơn 1 năm trước (tháng 11-2017), khi phát biểu tại cuộc họp với các quan chức lãnh đạo cấp cao, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, chiến dịch chống tham nhũng đã đạt được "đà áp đảo". 

Ông Lý Hoa Nam, cựu Phó bí thư thành ủy Thâm Quyến

Sự thay đổi từ "đà áp đảo" sang "chiến thắng áp đảo" phản ánh sự thay đổi quan trọng trong đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về cuộc chiến chống tham nhũng, kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.

Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, họ đã xử lý 464.000 vụ và trừng phạt 406.000 quan chức các cấp trong 9 tháng đầu năm 2018. Còn theo tờ South China Morning Post, số người bị kỷ luật chiếm 2% trong tổng số 12,5 triệu cán bộ. 

Bởi theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, gần 350.000 cán bộ đã bị kỷ luật kể từ khi ông Tập Cận Bình mở chiến dịch "đả hổ diệt ruồi". Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được công bố hôm 4-12, trong năm 2013 có 25 quan chức cấp bộ hoặc tỉnh, và 28.532 cán bộ cấp huyện hoặc thấp hơn bị kỷ luật. 

Trong năm 2014, có hơn 71.000 cán bộ bị kỷ luật. Con số này của năm 2015 là trên 49.000 người, năm 2016 là hơn 57.000 người, và năm 2017 là trên 71.000 người. Riêng từ tháng 1 đến hết tháng 10-2018, có 68.500 cán bộ ở các cấp bị kỷ luật với mức độ từ cảnh cáo tới "bóc lịch" trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi".

Ngoài chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", Trung Quốc còn quan tâm tới việc thực hành tiết kiệm. Và đã mạnh tay trong lĩnh vực này - có 7.819 quan chức bị trừng phạt do vi phạm quy định về tiết kiệm trong tháng 10-2018. 

Và số quan chức kể trên bị cáo buộc có liên quan tới 5.585 vụ việc. Được biết, việc trao tặng trợ cấp hoặc tiền thưởng trái phép là phổ biến nhất, tiếp đến là tặng hoặc nhận quà tặng và sử dụng các phương tiện công sai mục đích.

Những động thái kể trên diễn ra đúng thời điểm Tòa Trung cấp số 2 thành phố Bắc Kinh khai đình xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Thiếu Xuân với tội danh nhận hối lộ. Trước đó (23-11), Viện Kiểm sát thành phố Bắc Kinh đã khởi tố ông Trương Thiếu Xuân. 

Theo cáo trạng của cơ quan kiểm sát, trong khoảng thời gian 1995-2018, ông Trương Thiếu Xuân đã nhận tiền và tài sản bất hợp pháp với trị giá gần 67 triệu nhân dân tệ (khoảng 9,7 triệu USD). Và ông Trương Thiếu Xuân cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình tại tòa. 

Dư luận cũng đang quan tâm tới hiện tượng tự sát với nguyên nhân "mắc chứng trầm cảm" của quan chức thời gian gần đây. Chỉ trong 2 ngày 3 và 4-12, đã xảy ra 2 vụ quan chức tự sát với nguyên nhân "mắc chứng trầm cảm". 

Ông Nghiêm Xuân Phong khi làm Bí thư thành phố Quảng An

Đó là ông Khưu Học Phong, Phó Giám đốc Tạp chí "Thế giới nghe nhìn" và ông Ngô Tu Viễn, Phó trưởng Công an huyện Vinh Xương. Theo "Tân Kinh báo", trong giai đoạn 2009-2017 đã có 243 quan chức tự sát, đa số ở độ tuổi từ 45 đến 55, và khoảng 50% trong số này được xác nhận "mắc chứng trầm cảm".

Giới chuyên môn và dư luận khá chú ý tới thông tin trên tờ South China Morning Post khi cho biết, ông Lý Hoa Nam, nguyên Phó bí thư Thành ủy Thâm Quyến, từng treo giải thưởng lớn cho ngân hàng ngầm nào giúp chuyển số tài sản phi pháp tới Hongkong, nhưng không ai dám nhận. Mặc dù số tiền thưởng lên tới hơn 70 triệu USD, nhưng không bên nào dám nhận chuyển 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 144 triệu USD) tiền mặt ra nước ngoài hoặc đến Hongkong. 

Và người của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã tịch thu số tiền này hôm 9-10, cùng lệnh bắt điều tra ông Lý Hoa Nam. Nhưng ông Chu Xuân Vũ, nguyên Phó tỉnh trưởng An Huy mới được coi là quan chức cấp tỉnh "ăn đậm nhất" bị bắt và xét xử. 

Tòa án thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã mở phiên tòa xét xử vụ án Chu Xuân Vũ nhận hối lộ, che giấu tài khoản gửi nước ngoài, lạm dụng chức quyền và giao dịch nội bộ chứng khoán. Theo cáo trạng, tổng số tiền ông Chu Xuân Vũ liên quan trong vụ án tham nhũng lên tới hơn 1 tỷ nhân dân tệ, lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán. Bởi riêng số tiền kiếm được qua giao dịch nội bộ cổ phiếu phi pháp đã là 350 triệu nhân dân tệ.

Trịnh Huyền My
.
.
.