Trung Quốc:

Tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi"

Thứ Sáu, 17/11/2017, 15:09
Việc khai trừ đảng đối với ông Lưu Bắc Hiến, nguyên Tổng Biên tập cơ quan thông tấn tin tức Trung Quốc (China News), và chính thức tiến hành điều tra đối với ông Mạnh Vĩ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ môi trường và tài nguyên, được coi là những động thái cụ thể của việc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" kể từ sau Đại hội 19 đến nay.


Theo cáo buộc của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Lưu Bắc Hiến, 62 tuổi, nghỉ hưu từ tháng 2-2015, bị buộc tội lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ và quà tặng đắt tiền, đồng thời vi phạm quy định khi đi máy bay hạng nhất nhiều lần và không hợp tác với cơ quan điều tra.

Được biết, ông Lưu Bắc Hiến bị điều tra từ tháng 8 vì "những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" và là quan chức cấp cao đầu tiên bị kỷ luật sau Đại hội 19. Trước đó (10-11), ông Mạnh Vĩ bị điều tra vì các hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng. Và ông Mạnh Vĩ là quan chức cấp cao đầu tiên bị điều tra sau khi Đại hội 19 kết thúc.

10 ngày trước (7-11), nguyên Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn cảnh báo, Trung Quốc phải nâng cao cảnh giác trước những âm mưu đoạt quyền trong bối cảnh "nạn tham nhũng chính trị là vấn nạn lớn nhất".

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Ngày 11-11, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế khẳng định, các ủy ban giám sát mới sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của đảng và Trung Quốc sẽ thực hiện giám sát toàn diện đối với toàn bộ đội ngũ công chức và nhân viên tại các cơ quan công quyền.

Vấn đề này được ông Triệu Lạc Tế đưa ra khi phát biểu tại hội nghị trực tuyến về triển khai công tác thí điểm cải cách hệ thống giám sát quốc gia trên quy mô toàn quốc được tổ chức ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.

Theo ông Triệu Lạc Tế, việc đi sâu cải cách hệ thống giám sát quốc gia và mở rộng công tác thí điểm trên quy mô toàn quốc là sự bố trí chiến lược quan trọng đã được đề ra tại Đại hội 19. Tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật các cấp phải nhận thức sâu sắc việc mở rộng triển khai toàn diện công tác thí điểm cải cách chính là yêu cầu tất yếu của quá trình đi sâu thực hiện chủ trương "trị Đảng nghiêm minh toàn diện".

Được biết, chương trình thí điểm cải cách hệ thống giám sát đã được Trung Quốc triển khai bước đầu tại Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang từ đầu năm nay và đang được nhân rộng ra toàn quốc.

Cùng với các hoạt động kể trên, Trung Quốc cũng vừa ra mắt Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC), và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tài chính Mã Khải được cử làm Chủ nhiệm FSDC. Theo giới chuyên môn, sự ra đời của FSDC nhằm xóa bỏ tình trạng phân mảng trong hoạt động quản lý tài chính ở Trung Quốc hiện nay, góp phần đẩy lùi những nguy cơ mang tính hệ thống, nhất là từ hệ thống ngân hàng ngầm.

Một trong những nhiệm vụ chính của FSDC là truy vấn trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý tài chính và chính quyền địa phương. Việc ra mắt FSDC diễn ra sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định điều tra đối với nguyên Trợ lý Chủ tịch Ủy ban giám sát và quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Trương Dục Quân vì hành vi tham nhũng.

Ông Lưu Bắc Hiến là Tổng biên tập China News từ tháng 2-2009 đến tháng 2-2015.

Gần 4 tháng trước (21-7), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã khai trừ đảng và cách chức đối với ông Trương Dục Quân vì hàng loạt hành vi vi phạm nghiêm trọng, cũng như không trung thực trong công tác báo cáo thông tin cá nhân theo quy định, cản trở hoạt động điều tra của tổ chức.

Cũng theo cáo buộc của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Trương Dục Quân đã vi phạm nghiêm trọng tinh thần 8 quy định của Trung ương về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, vi phạm quy định cấm chơi golf, nhận lời mời tham dự những buổi tiệc tùng có thể ảnh hưởng đến tính chí công, vô tư của cán bộ nhà nước; vi phạm kỷ luật về liêm khiết và kỷ luật công tác, dung túng và cố ý để người thân lợi dụng chức quyền hòng mưu cầu lợi ích bất chính; gây rối trật tự thị trường vốn và hủy hoại hình ảnh của CSRC.

Tuy chưa bị xét xử, nhưng theo giới truyền thông, tất cả tiền bạc và tài sản phi pháp của ông Trương Dục Quân sẽ bị tịch thu để sung công. Cùng bị "sờ gáy" với ông Trương Dục Quân còn có ông Diêu Cương, cựu Phó Chủ tịch CSRC vì nghi vấn nhận hối lộ.

Theo tờ China Daily, ngày 31-8, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo, đang điều tra ông Diêu Cương, người từng được coi là "vua IPO" vì nghi vấn tham nhũng. Trước đó (tháng 7-2017), ông Diêu Cương bị khai trừ đảng và cách chức vì nhiều vi phạm, trong đó có lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ với số tiền lớn và "hủy hoại trật tự thị trường vốn".

Trịnh Huyền My
.
.
.