Vụ án bí thư bán chức gây chấn động dư luận

Thứ Năm, 03/03/2016, 22:24
Khác với phần lớn quan tham khác hay dính líu đến chuyện trai gái, Lưu Trinh Kiên, nguyên Bí thư Huyện ủy Cự Dã, tỉnh Sơn Đông lại không ham nữ sắc và chỉ tập trung vào việc bán chức kiếm tiền...


Ông này đã 114 lần nhận hối lộ 7 triệu 390 ngàn nhân dân tệ (khoảng 25 tỷ 865 triệu đồng tiền Việt) của 41 cán bộ cấp dưới. Chỉ riêng năm 2011 ông ta đã nhận hối lộ 4 triệu 739 ngàn nhân dân tệ, bình quân mỗi ngày bỏ túi 13 ngàn nhân dân tệ (45,5 triệu Việt Nam đồng). Trong đó phần lớn gián tiếp qua tay vợ là Giang Anh Quyên, nguyên Phó trưởng Công an huyện.

Báo Pháp chế Buổi chiều ngày 25/2 cho biết, tháng 7/2013, Tổ tuần thị số 7 của Tỉnh ủy Sơn Đông về thị xã Hà Trạch thị sát, căn cứ 2 lá đơn tố cáo bí mật về nằm vùng điều tra, đã phát hiện ra vụ án nghiêm trọng của Lưu Trinh Kiên khi đó đang là Ủy viên thường vụ, Trưởng ban mặt trận Thị ủy Hà Trạch. Trong số 4 vụ án bán chức do Ban Tổ chức Trung ương Đảng thông báo tháng 12/2014, vụ án Lưu Trinh Kiên đứng thứ nhất. Nghiêm trọng hơn là, trong số 41 ông quan mua chức này, có 13 người đã dùng tiền công rồi bắt nhân viên tài chính thanh quyết toán vào việc khác.

Lưu Trinh Kiên sinh năm 1962, từ tháng 12/2006 đến 11/2011 là Bí thư Huyện ủy Cự Dã, từ tháng 2/2012 được điều làm Ủy viên thường vụ thị ủy, Trưởng ban Mặt trận thống nhất Thị ủy. Các đơn tố cáo kèm theo tài liệu gửi đến Tỉnh ủy đều phản ánh việc Lưu Trinh Kiên lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ, công khai bán chức thu tiền. Trong số các quan tham đã mua chức từ Kiên, có 7 người là cán bộ lãnh đạo huyện, 10 người là phụ trách chủ yếu các cơ quan ban ngành, 17 trong số 18 bí thư đảng ủy các xã, thị trấn.

Lưu Trinh Kiên trước vành móng ngựa.

Nhân vật đầu tiên được Tổ tuần thị gặp gỡ là Khổng Khánh Quốc – người có tên trong đơn tố cáo Kiên, nguyên Bí thư đảng ủy thị trấn Điền Kiều khi đó đang bị bắt giam trong một vụ án tham nhũng khác. Quốc khai: năm 2009, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện có đợt điều chỉnh, chức Bí thư thị trấn Điền Kiều – nơi tiềm lực kinh tế mạnh nhất, là “miếng mồi” béo bở để nhiều người nhòm ngó, muốn chiếm lấy; trong đó có Khổng Khánh Quốc, chủ tịch một thị trấn khác (sau này Quốc bị nhận án tù 17 năm rưỡi về tội tham ô, đưa hối lộ…).

Một sáng tháng 2/2009, Quốc đem túi đựng 30 ngàn nhân dân tệ và 2 cây thuốc lá đến phòng làm việc của Kiên để “xin” chức Bí thư Điền Kiều. Không ngờ Kiên nói thẳng: “Không chỉ mỗi mình anh đủ điều kiện, đừng chạy chức kiểu này, anh mang về đi!”. Thực ra không phải Kiên không muốn nhận mà sợ các cán bộ nhân viên cơ quan thấy có người mang túi vào phòng bí thư nhưng ra tay không sẽ lộ chuyện nhận hối lộ. Mặc dù không nhận tiền hôm đó, nhưng Kiên rất ấn tượng với Quốc nên vẫn sắp xếp cho chức Bí thư thị trấn Điền Kiều.

Vừa ngồi vào ghế, Quốc đã nhớ đến câu “Muốn thăng quan, tìm chị cả”, biết mình “có ơn phải trả”, nên mang thẻ rút tiền trị giá 60 ngàn nhân dân tệ đến biếu Quyên. Tổng cộng Quốc đã đưa Quyên 6 lần số tiền 1 triệu 110 ngàn nhân dân tệ.  Khổng Khánh Quốc không chỉ thuật lại chuyện mình phạm tội mà còn tố giác những người khác.

Đầu năm 2010, Kiên nhận lời giúp Tiêu Kế Dân Bí thư thị trấn Long Cố thăng tiến, Dân đã đưa cho Quyên 200 ngàn nhân dân tệ. Sau đó Kiên tiến cử Dân với Thị ủy Hà Trạch (cấp trên của huyện Cự Dã) để Dân vào Ban thường vụ Huyện ủy. Tiếp đó, Thị ủy đã ra quyết định bổ nhiệm Dân làm Ủy viên thường vụ kiêm Bí thư Chính pháp huyện Cự Dã…

Theo lời khai của nhiều người đưa hối lộ, trong thời gian Lưu Trinh Kiên làm Bí thư Cự Dã, bà vợ Giang Anh Quyên đã thường cố ý buông lời “thả câu” ở những nơi phù hợp để những người lọt tầm ngắm cảm thấy cơ hội thăng tiến đã tới. Điển hình như trường hợp tại một bữa tiệc tháng 6/2011, Quyên nói với Vương Quảng Đức, Chủ tịch thị trấn Doanh Lý: “Chú năng lực tốt, để anh lo liệu cho…”.

Hiểu ý “chị cả”, Đức đã 2 lần đem 600 ngàn nhân dân tệ biếu Quyên, đến tháng 9/2011 thì Đức được ngồi vào ghế Bí thư đảng ủy thị trấn. Dần dần, chuyện biếu tiền mua chức đã trở thành “bí mật bán công khai”, nhiều chức vụ ở huyện này được “áp giá”: chủ tịch (xã, thị trấn): từ 50 đến 100 ngàn nhân dân tệ; bí thư từ 100 – 200 ngàn nhân dân tệ; trưởng ban, ngành: 200 ngàn nhân dân tệ. Một người gật đầu ở cơ quan, một người nhận tiền tại nhà, cặp vợ chồng Kiên - Quyên đã trở thành “Cửa hàng vợ chồng bán chức”. 

Đối với những người dùng tiền mua chức vụ, Kiên bàn và thống nhất với vợ “nguyên tắc”: “chỉ nhận tiền cán bộ đảng, chính quyền, không nhận tiền của giới kinh doanh; giúp được ai mới nhận tiền, không giúp được thì không nhận; chỉ nhận tiền của những cán bộ có năng lực có khả năng đề bạt”. Theo cáo trạng của viện kiểm sát, Kiên đã 114 lần nhận tiền.

Trong số 41 người mua chức từ vợ chồng Kiên – Quyên có 26 người là lãnh đạo các xã, thị trấn, đường phố, chiếm 60%. Điều này có liên quan đến Quyên bởi là Phó Công an huyện, thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo cơ sở nên đánh tín hiệu, đóng vai khâu nối trong các vụ mua quan bán chức giữa chồng và họ. Trong số 114 khoản tiền hối lộ để mua chức, có tới 96 lần do Quyên nhận tiền.

Trong số 41 cán bộ mua chức, có 13 người đã dùng tiền công, chiếm 1/3; trong đó 8 người là cán bộ cấp xã, thị trấn sử dụng tiền công để mua rồi tìm cách quyết toán; 5 người là cán bộ cấp huyện đều sử dụng tiền công vào việc mua chức cho cá nhân.

Thu Thủy
.
.
.