Trung Quốc:

Xử lý quyết liệt đối với "tội phạm sữa"

Thứ Tư, 02/08/2017, 20:53
Ngày 28-7, Tòa án Nhân dân số 3 của thành phố Thượng Hải, đã tuyên mức án từ 3 đến 15 năm tù giam đối với 11 bị can tham gia đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa công thức trẻ em giả.


Phán quyết kể trên được đưa ra sau đúng 4 tháng tòa khai đình xét xử vụ án này. Ngày 28-3, Tòa án nhân dân số 3 chính thức khai đình và theo cáo trạng, 11 bị cáo kể trên đã sản xuất hàng chục nghìn hộp sữa bột giả mạo thiết kế và logo của 2 thương hiệu Beingmate (Trung Quốc) và Abbott (Mỹ), để đóng lên những loại sữa giá rẻ và chất lượng thấp.

Theo số liệu của tòa án, hơn 15.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Abbott và 9.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Beingmate đã được tiêu thụ tại nhiều thành phố thuộc khu vực phía Đông và miền Trung Trung Quốc trong 2 năm 2014 và 2015.

Trong số 11 bị cáo, Trần Minh Giang, Cốc Truyền Sinh, Phan Hưng Binh, Ngô Linh Kiệt và Đường Cảnh Hồng là 5 tên trực tiếp sản xuất hàng chục nghìn hộp sữa bột giả mạo thiết kế và logo kể trên. Và chúng đã kiếm từ 1,2 triệu đến 3,6 triệu nhân dân tệ (NDT).

Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất bao bì Tế Ninh Kim Cốc có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông bị tòa tuyên phạt 4 triệu NDT vì hành vi hỗ trợ Trần Minh Giang và đồng bọn sản xuất và tiêu thụ hàng giả.

Theo thông báo của Ủy ban Giám sát và Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm, Sở Cảnh sát và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thượng Hải đã được hãng Abbott trình báo về sự việc này từ tháng 9-2015.

Đến thượng tuần tháng 4-2016, cảnh sát đã bắt 6 đối tượng làm giả sữa Similac của hãng Abbott. Và để bắt chúng, cảnh sát và Cơ quan quản lý Thực phẩm & Dược phẩm thành phố Thượng Hải đã theo dõi việc bán sữa bột giả trên mạng Internet.

Gần 6 năm trước (18-12-2011), cơ quan chức năng phát hiện một mẻ sữa tươi đóng hộp của Tập đoàn Mông Ngưu (Mengniu Dairy Group) tại nhà máy ở thành phố Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên có chứa chất flavacin M1, thuộc nhóm aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan), vượt quá mức cho phép.

Chất aflatoxin M1 là độc tố do nấm mốc gây ra, bị Tổ chức Y tế thế giới liệt vào danh sách những độc tố gây ung thư hạng A.

Sữa giả, không đảm bảo chất lượng là vấn nạn ở Trung Quốc.

Giới truyền thông đưa tin, một số cư dân mạng đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Tập đoàn Mông Ngưu (26-12-2011), sau khi thông tin kể trên được tiết lộ cho dù họ khẳng định, mẻ sữa này đã được tiêu hủy hoàn toàn và chưa xuất xưởng.

Lãnh đạo Tập đoàn Mông Ngưu sau khi gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng còn cho biết, nguyên nhân được xác định là do các con bò tại đây đã ăn phải một loại cây nhiễm nấm chứa aflatoxin, khiến sữa nguyên chất nhiễm độc tố này.

Giới chuyên môn cho rằng, các mẫu thức ăn cho bò nên được kiểm tra để đảm bảo lượng độc tố ở mức an toàn bởi hầu hết thức ăn cho bò hiện nay được làm từ ngô, nơi độc tố aspergillus flavus M1 dễ dàng phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt.

Và vụ bê bối kể trên được phanh phui sau khi cơ quan chức năng cho công bố kết quả giám định chất lượng 17 loại sản phẩm năm 2011.

Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng tuyên bố, chính phủ phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là trong công tác kiểm tra cho dù vụ "sữa sạn thận" là vấn đề nội bộ của từng hãng sản xuất sữa.

Theo trang Sina của Trung Quốc, trung tuần tháng 1-2016, anh Chu, cư dân ở thành phố Thanh Đảo đã phát hiện vật thể lạ còn sống trong hộp sữa bột. "Tôi mua 4 hộp vì khi đó họ có chương trình mua 3 tặng 1 và khi uống đến hộp thứ ba, gia đình phát hiện một con côn trùng còn sống đang bò bên trong.

Khi dùng muỗng đảo sữa, tôi phát hiện thêm 1 con còn sống và chúng dài khoảng 5mm", anh Chu nói. Nhưng khi anh Chu liên hệ với nhà sản xuất, nhân viên nhà máy Aptamil lại nói: Có thể đảm bảo 100% rằng, không có côn trùng xuất hiện trong sữa bột.

Côn trùng có thể đã chui vào sau khi mở nắp hộp! Cách giải thích của nhân viên nhà sản xuất khiến anh Chu không thể chấp nhận và yêu cầu họ phải bồi thường thiệt hại.

Gần 1 tháng trước (3-7), Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, họ đã xử lý hơn 3.500 vụ phạm pháp liên quan đến tội phạm về an toàn thực phẩm. Và đã trực tiếp giám sát, chỉ đạo quá trình điều tra, xử lý đối với hơn 80 vụ án khác. Trong đó có vụ công an quận Kim Sơn, Thượng Hải phát hiện trường hợp trộn bột hoa thuốc phiện vào sản phẩm gia vị canh thịt bò Hoài Nam và lợi dụng mạng Internet để bán hàng. Tiếp đến là vụ công an 2 tỉnh Hà Bắc và Hồ Nam bắt 21 nghi phạm, thu giữ ít nhất 20 triệu NDT vì liên quan tới sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm chức năng giả mạo. 

Khắc Tuấn
.
.
.