Trung Quốc:

Xung quanh vụ tự tử của Thượng tướng Trương Dương

Thứ Bảy, 02/12/2017, 21:06
Mặc dù treo cổ tự sát tại nhà riêng ở Bắc Kinh từ hôm 23-11, nhưng ngày 28-11, Tân Hoa Xã mới thông báo về cái chết của Thượng tướng Trương Dương, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương khóa 18. Vụ treo cổ của Thượng tướng Trương Dương diễn ra trong khi ông đang bị điều tra tham nhũng.

Tân Hoa Xã cho biết, hơn 3 tháng trước (28-8), đại diện Quân ủy Trung ương đã tổ chức gặp và nói chuyện với Thượng tướng Trương Dương để điều tra và xác minh việc ông có liên quan tới các vụ tham nhũng của 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.

Và qua điều tra xác minh, ông Trương Dương bị xác định đã có vi phạm kỉ luật nghiêm trọng, có liên quan đến hành vi hối lộ, và có nguồn tài sản lớn bất minh. Được biết, trong thời gian bị điều tra, ông Trương Dương bị quản chế tại gia.

Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Trương Dương

Cái chết của Thượng tướng Trương Dương một lần nữa cho thấy, công tác loại bỏ ảnh hưởng xấu của 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng (bị tù chung thân năm 2016) và Từ Tài Hậu (chết vì ung thư năm 2015), đấu tranh chống tham nhũng trong quân đội vẫn đang được tiến hành.

Ông Trương Dương từng là Chủ nhiệm Cục Công tác chính trị của Quân ủy Trung ương, từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc (2012- 2016) và có thời gian công tác lâu năm trong Lục Quân (1996- 2004) và quân khu Quảng Châu (2004- 2012).

Thượng tướng Trương Dương sinh năm 1951, ở huyện Võ Cường, tỉnh Hà Bắc, từng tốt nghiệp Đại học Quốc phòng Trung Quốc, sau đó nghiên cứu tại trường Đảng trung ương chuyên ngành quản trị hành chính.

Theo một số bài bình luận trên trang web của quân đội Trung Quốc và Bộ Quốc phòng nước này, Thượng tướng Trương Dương đã "đánh mất căn bản đạo đức" và sử dụng việc tự sát làm phương tiện "trốn tránh sự trừng phạt của đảng và đất nước", và đây là một "hành động đáng chê trách".

Giới truyền thông cho rằng, ông Trương Dương đã tự sát để thoát mọi tội trạng, và đây là hành động hèn nhát. Nhưng tự sát không có nghĩa công tác điều tra bị dừng lại, và nếu bị chứng minh có tội, vẫn bị thi hành các hình thức kỉ luật - khai trừ đảng, tịch thu tài sản bất minh.

Tuy là cán bộ cao cấp, nhưng Thượng tướng Trương Dương lại đánh mất niềm tin vào lý tưởng, đánh mất nguyên tắc đảng và đạo đức, bị chỉ trích là "kẻ 2 mặt điển hình" - miệng nói trung thành, nhưng sau lưng tham nhũng. Thượng tướng Trương Dương đã "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật" và bị "nghi ngờ đưa, nhận hối lộ" với khối tài sản lớn chưa rõ nguồn gốc.

Ông Trương Dương, nguyên ủy viên Quân ủy Trung ương.

Theo tờ South China Morning Post, cái chết của Thượng tướng Trương Dương đã được thông báo tới các chỉ huy của quân đội Trung Quốc. Tờ Đại Công báo dẫn nhận định của ông Tào Kiến Minh, chuyên gia nghiên cứu về tham nhũng của Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, tự tử có thể là cách để quan chức bảo vệ gia đình và phe cánh.

Còn tờ The New York Times dẫn lời ông Tề Hạnh Phát, học giả của Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông cho rằng, những cán bộ tham nhũng ở các mức độ khác nhau và lúc nào cũng có thể bị điều tra. Thông tin vừa được đưa ra buổi sáng thì ngay buổi chiều, họ bị giam giữ.

Điều đó thực sự đáng sợ. Sau một thời gian, cảm giác tội lỗi vì hành vi hối lộ, tham nhũng có thể khiến quan tham tìm đến cái chết". Theo giới truyền thông, vụ tự tử đầu tiên sau Đại hội 19 diễn ra tại thành phố Thượng Hải và đó là ông Đới Tinh Bân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thượng Hải - đã tự vẫn hôm 2-11.

Còn trước vụ tự tử của Thượng tướng Trương Dương, Thiếu tướng Trần Kiệt cũng từng tự tử (bằng thuốc ngủ hôm 5-8-2016) trong doanh trại quân đội. Và ông Trần Kiệt là sỹ quan quân đội thứ ba tự tử chỉ trong tháng 8-2016.

Gần 10 ngày trước (23-11), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, Phó Tỉnh trưởng Liêu Ninh Lưu Cường đã bị điều tra do bị cáo buộc "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Trước đó (21-11), cũng với cáo buộc "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo, đã bắt ông Lỗ Vĩ, Phó trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương.

Đây là 2 "hổ lớn" đầu tiên bị bắt sau Đại hội 19. Ngày 14-11, giới truyền thông Trung Quốc cho biết, chỉ trong 20 ngày sau khi Đại hội 19 bế mạc, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã thông báo 24 vụ xử lý 30 quan tham.

Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng quốc gia Dương Hiểu Độ từng cảnh báo, Trung Quốc phải tăng cường chống tham nhũng, để nước này không bị sụp đổ như Liên Xô. Tân Hoa Xã vừa thống kê, từ Đại hội 18 (năm 2012), hơn 100 sỹ quan có vị trí từ tư lệnh quân đoàn trở lên đã bị điều tra và trừng phạt. Con số này còn nhiều hơn số tướng lĩnh quân đội thiệt mạng trên chiến trường trong thế kỷ XX.

Phạm Huy Anh
.
.
.