Trung Quốc bổ sung "siêu vũ khí" chống tham nhũng

Thứ Sáu, 23/03/2018, 11:12
Ngày 11-3, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (NSC), một “siêu cơ quan” chống tham nhũng.


Tại sao gọi đây là siêu cơ quan, vì nó hoạt động độc lập với bộ máy tư pháp và các cơ quan nhà nước hiện hữu, có vị thế gần bằng nội các, cao hơn Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trung Quốc. 

Đặc biệt, nó sẽ có một quyền lực “siêu hạng” khi có thể từ chối yêu cầu tiếp cận luật sư từ các nghi can đang bị điều tra. Điều này khiến NSC sẽ có quyền lực cao hơn cả Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) - cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

CCDI cũng có quyền triệu tập, bắt giữ mà không cần có cáo buộc đối với những đảng viên bị nghi vi phạm quy định, điều lệ đảng. Các nghi phạm cũng bị cấm gặp luật sư trong thời gian bị giam giữ. Tuy nhiên, điều này chỉ được nêu trong điều lệ đảng chứ không căn cứ theo luật pháp. Nói cách khác, CCDI chỉ có tác dụng “ước chế” với các đảng viên, trong khi NSC có thể bao phủ tất cả mọi đối tượng.

Nếu điều khoản mới được thông qua trong cuộc họp ngày 20-3 thì quyền hạn của NSC sẽ rộng hơn CCDI rất nhiều, bao trùm không chỉ đảng viên mà còn tất cả các cơ quan trong khu vực công, gồm cả thẩm phán và luật sư. Không những thế, NSC sẽ còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và kinh doanh tại Trung Quốc. Cuộc chiến chống tham nhũng được mở rộng ra ngoài phạm vi đảng, khiến các đối tượng trong khu vực công và nhiều tổ chức khác có ý định tham nhũng phải có thái độ dè dặt trong tất cả các hành vi và hoạt động của mình.

Nói cách khác, NSC sẽ là sự hợp nhất các cơ quan chống tham nhũng chính phủ, công tố, với CCDI và bộ giám sát thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Cả một chương lớn trong Hiến pháp sửa đổi được dành riêng cho ủy ban mới này. Chủ nhiệm của NSC sẽ do Quốc hội bổ nhiệm cũng như bãi bỏ. Chủ nhiệm CCDI, ông Triệu Lạc Tế, dự kiến sẽ là người đứng đầu NSC với giới hạn 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Ông Triệu Lạc Tế sẽ đảm nhiệm song song cả 2 vai trò ở NSC và CCDI.

Theo SCMP, những sửa đổi Hiến pháp vừa được Bắc Kinh thông qua, bao gồm cả việc bổ sung “tư tưởng Tập Cận Bình” và công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là bước cuối cùng trong nỗ lực liên tục để kết hợp giữa các cơ quan đảng với chính quyền đã được tiến hành kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức.

Ông Vương Kỳ Sơn tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra.

Theo bà Eva Pils, chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học King’s College London, “trước đây, vai trò của các nhóm lợi ích thường ẩn đi và không thể nhìn thấy được. Nhưng dưới thời ông Tập, vai trò của đảng cầm quyền đã trở nên rất rõ ràng”. Việc thay đổi Hiến pháp lần này là minh chứng rõ nhất cho thấy việc tăng cường kiểm soát của đảng.

Các nhà phân tích cho rằng, dưới thời ông Tập, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách khẳng định sự lãnh đạo của mình trong bộ máy nhà nước còn đang cồng kềnh, cũng như trong các trường đại học, tổ chức xã hội và thậm chí cả các công ty nước ngoài.

Ông Vương Kỳ Sơn, đồng minh, trợ thủ thân cận nhất của ông Tập Cận Bình - người được xem là có vai trò “mũi nhọn” trong các chiến dịch thanh tra chống tham nhũng, đã phát biểu trước công chúng trong một sự kiện năm 2017 rằng, “không có chuyện tách rời giữa đảng và Nhà nước”. Ngày 17-3 vừa qua, ông Vương đã được bầu làm Phó chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối tại Quốc hội Trung Quốc.

Các cuộc tranh luận về đảng và Nhà nước là một cuộc chiến lâu dài được bắt nguồn từ thời ông Đặng Tiểu Bình. Ý tưởng “tách biệt đảng và Nhà nước” được nhiều người coi là một trong những di sản chính trị quan trọng nhất của ông Đặng, nhằm hạn chế vai trò của đảng trong các hoạt động hàng ngày của nhà nước sau Cách mạng Văn hoá.

Nhưng điều này đã thay đổi dưới thời cầm quyền của ông Tập Cận Bình, người tin rằng các vấn đề của Trung Quốc - từ tham nhũng, quan liêu đến việc cải tổ kinh tế bị đình trệ - đều là hậu quả của việc vai trò lãnh đạo của đảng đang bị tổn hại.

Trọng Nhân
.
.
.