Trung Quốc dùng robot làm cố vấn ngoại giao

Thứ Bảy, 01/09/2018, 10:48
Trung Quốc đang thử nghiệm dùng trí thông minh nhân tạo (AI) để tư vấn chính sách ngoại giao, theo SCMP.


Trí thông minh nhân tạo không bị ảnh hưởng bởi sợ hãi hay thiên vị, nên được Bắc Kinh kỳ vọng sẽ giúp họ đưa ra những chính sách đối ngoại tối ưu.

Ra quyết định trong chớp mắt

Các chương trình AI sẽ thu thập các dữ liệu lớn (big data), từ thông tin về các cuộc tán gẫu tại các bữa tiệc cocktail đến hình ảnh vệ tinh, sẽ góp phần định hình chiến luợc của Bắc Kinh.

Một số nguyên mẫu của một hệ thống ngoại giao sử dụng AI đang được phát triển ở Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu tham gia hoặc quen thuộc với các dự án. Một máy giai đoạn đầu, được xây dựng bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã được Bộ Ngoại giao sử dụng. Bộ đã xác nhận với tờ South China Morning Post rằng thực sự đã có kế hoạch sử dụng AI trong lĩnh vực ngoại giao.

“Công nghệ tiên tiến, bao gồm cả dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo, đang tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với cách mọi người làm việc và sinh sống. Được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực đang gia tăng trên cơ sở hàng ngày”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Tung Quốc cho biết hồi tháng 6. Bộ "sẽ tích cực thích nghi với xu hướng này và khám phá việc sử dụng công nghệ mới để cải thiện hiệu quả và chất lượng công việc", người này cho biết thêm.

Theo các nhà nghiên cứu, AI "hoạch định chính sách" là một hệ thống hỗ trợ đưa ra các quyết định chiến lược, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về con người. Hệ thống AI nghiên cứu chiến lược chính trị quốc tế bằng cách thu thập một lượng lớn dữ liệu, có thể chứa thông tin khác nhau từ tin đồn đến hình ảnh được chụp bởi các vệ tinh gián điệp. Khi một nhà hoạch định chính sách cần đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác để đạt được mục tiêu cụ thể trong một tình huống phức tạp, khẩn cấp, hệ thống AI có thể cung cấp một loạt khuyến nghị, đôi khi trong nháy mắt.

Không bị cảm xúc chi phối

Tiến sĩ Feng Shuai, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho biết công nghệ của hệ thống hoạch định chính sách AI đã thu hút sự chú ý mặc dù chỉ mới ở giai đoạn đầu. Và một số nhóm nghiên cứu đã phát triển các hệ thống này. Ông Feng cho biết: “Hệ thống trí thông minh nhân tạo có thể sử dụng sức mạnh khoa học và công nghệ để đọc và phân tích dữ liệu theo cách mà con người không thể sánh được”.

Theo ông Feng thì "Con người không bao giờ có thể thoát khỏi sự can thiệp của kích thích tố hoặc glucose". Tuy nhiên, “nhà hoạch định chính sách” AI sẽ miễn nhiễm với đam mê, danh dự, sợ hãi hoặc các yếu tố chủ quan khác. "Nó thậm chí sẽ không xem xét các yếu tố đạo đức xung đột với các mục tiêu chiến lược", Feng nói thêm.

Các quốc gia khác được cho là đang có những nghiên cứu tương tự về việc sử dụng AI trong các lĩnh vực hoạch định chính sách, mặc dù chi tiết không được công khai. Nhưng họ cho biết AI cũng có những vấn đề riêng. Nó đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu, một số dữ liệu có thể không có sẵn tại một số quốc gia hoặc khu vực nhất định. Nó đòi hỏi một bộ mục tiêu rõ ràng và một nhà điều hành hệ thống cũng có thể thao túng kết quả bằng cách thay đổi một số tham số.

Nhưng công nghệ sẽ tìm thấy ứng dụng ngày càng tăng và "mở rộng hơn nữa khoảng cách trong khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia", Tiến sỹ Feng nói. Và "Nếu một bên của trò chơi chiến lược có công nghệ trí tuệ nhân tạo, còn phía bên kia không có, thì loại trò chơi chiến lược này gần như là một cuộc đối đầu một chiều", ông nói. 

"Những người chơi thiếu sự hỗ trợ của AI sẽ có một bất lợi tuyệt đối trong nhiều khía cạnh như phán đoán rủi ro, lựa chọn chiến lược, đưa ra quyết định và hiệu quả thực hiện, cũng như độ tin cậy khi đưa ra quyết định", Feng nói. "Toàn bộ cấu trúc trò chơi chiến lược sẽ hoàn toàn mất cân bằng."

Liu Yu, một nhà nghiên cứu liên kết tại Viện Tự động hóa thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã tham gia vào việc phát triển hệ thống trò chơi chiến tranh AI từng đoạt giải thưởng cho Quân đội Trung Quốc, nói: “AI có thể nghĩ nhiều bước trước con người. Nó có thể suy nghĩ sâu sắc trong nhiều tình huống có thể xảy ra và đưa ra chiến lược tốt nhất”.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết cơ quan này có “nhiều công cụ công nghệ” để giúp họ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể về AI có thể được chia sẻ với công chúng, ông nói.

Đông Văn
.
.
.