Trung Quốc mạnh tay với bán hàng đa cấp

Thứ Hai, 04/09/2017, 21:35
Sau cái chết của Lý Văn Tinh, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tại thành phố Thiên Tân (vì tham gia vào một tổ chức bán hàng đa cấp thông qua một trang web tuyển dụng trực tuyến), cảnh sát đã bắt 368 người có liên quan tới các tổ chức bán hàng đa cấp.

6 tổ chức bán hàng đa cấp có mạng lưới thành viên trải khắp khu vực Đông Bắc cùng 2 tỉnh Sơn Đông và Chiết Giang đã bị triệt phá, khoảng 225 triệu USD, 57 xe hơi cùng nhiều máy tính bị thu giữ.

Trương Tuyết Kiều, kẻ chủ mưu trong vụ án đang bỏ trốn

Theo giới truyền thông, kết quả kể trên do Sở Cảnh sát thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tiến hành và đó mới là những ngày đầu của chiến dịch trấn áp các hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc, do Bộ Công an phát động. Hơn 10 ngày trước (15-8), Bộ Công an, Bộ Giáo dục, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội cùng Tổng cục Quản lý hành chính công thương quốc gia đã phát động chiến dịch kéo dài trong vòng 3 tháng, nhằm trấn áp các hoạt động bán hàng đa cấp. Những tổ chức bán hàng đa cấp giả danh các trung tâm tuyển dụng và giới thiệu việc làm sẽ là đối tượng chính của chiến dịch này.

Theo thống kê, trong 10 năm qua đã có hơn 22.000 tổ chức bán hàng đa cấp bị điều tra, và cơ quan chức năng đã thu hồi 990 triệu nhân dân tệ (NDT), nhưng con số thực tế cao gấp nhiều lần.

Và các hình thức bán hàng đa cấp trên mạng đã và đang khiến nhiều gia đình lao đao, tán gia bại sản. Lừa đảo đa cấp đang trở thành vấn nạn nhức nhối ở Trung Quốc. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2016 đã xảy ra 5.197 vụ huy động vốn trái phép, trong đó có hơn 100 vụ có số tiền trên 100 triệu NDT.

Trung tuần tháng 7, cảnh sát phát hiện thi thể của Lý Văn Tinh nổi trên hồ nước dọc đường cao tốc ở ngoại ô thành phố Thiên Tân. Lý Văn Tinh đã tự sát sau khi bị lừa làm lập trình viên cho Công ty The Beijing Blue Software Systems Co., Ltd (thông qua trang tuyển dụng Boss Zhipin) và tham gia vào một tổ chức bán hàng đa cấp.

Ngày 21-7, Bộ Công an cho biết, cảnh sát tỉnh Quảng Đông đã tiến hành điều tra Công ty trách nhiệm hữu hạn truyền bá văn hóa Hội thiện tâm thành phố Thâm Quyến vì hành vi tổ chức và chỉ đạo hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo kết quả điều tra ban đầu, với chiêu bài "giúp đỡ người nghèo và cùng nhau làm giàu", Trương Thiên Minh cùng đồng bọn đã dụ dỗ nhiều người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp và lừa gạt nhiều tiền bạc và tài sản của họ.

Bộ Công an khuyến cáo, những chiêu trò như "giúp đỡ nhau về tài chính", "ái tâm từ thiện"," "thương mại điện tử" và "WeChat marketing", những đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ và lừa gạt những người nhẹ dạ sa chân vào hoạt động bán hàng đa cấp.

Chỉ sau nửa năm xuất hiện tại Trung Quốc (từ đầu năm 2017), Tổ chức Thương mại quốc tế IGOFX đã lừa được 400.000 người với số tiền hơn 30 tỷ NDT. Đây là vụ lừa đảo huy động vốn lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc.

Nhiều nhà đầu tư đến khi "trắng tay" mới trình báo cảnh sát và khi đó họ mới biết, IGOFX (tiền thân của là IKOFX, đăng ký hoạt động ở New Zealand năm 2013) là công ty lừa đảo kiểu đa cấp, núp dưới vỏ bọc sàn kinh doanh ngoại tệ. Sáng 30-6, mấy trăm người đã kéo đến Sở Công an Thâm Quyến trình báo và hy vọng sớm lấy lại số tiền đã bị IGOFX và "nữ quái" Trương Tuyết Kiều đánh cắp.

Theo giới truyền thông, Trương Tuyết Kiều đã bỏ trốn và đang ở Malaysia với chồng, cổ đông lớn nhất của IGOFX. Thủ đoạn lừa đảo của IGOFX rất chuyên nghiệp, bao gồm cả việc tuyên truyền và tài trợ cho một số đội bóng đá trong giải C-league và nước ngoài cùng các giải đua xe khiến nhiều người tin tưởng IGOFX là một công ty có uy tín thật.

Hơn 1 năm trước (tháng 5-2016), Từ Cần, kẻ đứng đầu Công ty Quản lý tài sản Trung Tấn bị bắt trong vụ lừa đảo đa cấp. Khi đó, Công ty Quản lý tài sản Trung Tấn nợ hơn một nửa số tiền 5,2 tỷ NDT.

Hình ảnh quảng cáo kiếm tiền từ đa cấp.

Cách thức kiếm tiền của Từ Cần rất đơn giản - trả nhà đầu tư trước tiền gốc và lãi từ tiền của những nhà đầu tư mới. Trước đó (tháng 3-2016), 24 bị cáo có liên quan tới hoạt động lừa đảo đa cấp trị giá gần 10 tỷ NDT đã phải hầu tòa.

Theo tài liệu của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Châu, Công ty  Guangdong Bangjia Leasing (Công ty cho thuê Quảng Đông Bang Gia) đã thành lập 4 công ty ở tỉnh Quảng Đông và thu hút được 230.000 nhà đầu tư, phần lớn là người lớn tuổi nghỉ hưu, sống ở hơn 60 thành phố.

Các nhà đầu tư bị dụ dỗ nộp tiền để trở thành thành viên và mua những khoản đầu tư ảo, với cam kết trả lãi tới 47%/năm. Việc này kéo dài tới 10 năm (từ 2002-2012) mới bị phanh phui và chủ mưu Tưởng Hồng Vỹ bị tuyên án tù chung thân.

Khắc Tuấn
.
.
.